Sau lần ra mắt đầu tiên vào tháng 5-2023 nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng quyết định tổ chức mô hình “Cà phê với doanh nghiệp” định kỳ vào sáng thứ bảy tuần đầu hằng tháng.

leftcenterrightdel
Các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, ký kết biên bản hợp tác tại Hội nghị.  

Bản chất là sự gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nhân để kịp thời có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển. Đây cũng là môi trường để doanh nghiệp gặp gỡ, hợp tác làm ăn.

Doanh nghiệp là “xương sống” của nền kinh tế. Gặp gỡ, đối thoại, đồng hành với doanh nghiệp của Chính phủ và các cấp, các ngành là việc làm thường xuyên, quan trọng. Trên các diễn đàn, một số người nêu ý kiến: Tại sao không tổ chức hội nghị mà lại là “Cà phê với doanh nghiệp”? Câu trả lời nằm ở khía cạnh văn hóa. Người Nam Bộ có tập quán sinh hoạt thiên về sự hào hiệp, hào sảng, hào phóng... Một bộ phận lớn doanh nhân đều là người nông dân làm giàu, phát triển doanh nghiệp từ ruộng vườn, vuông tôm, ao cá...

Trong nhiều trường hợp, nếu phải vận com lê, cà vạt, đi giày da vào hội trường, chưa chắc họ đã tự tin bộc lộ tâm tư. Nhưng ngồi trò chuyện rổn rảng bên ly cà phê, bàn nhậu, có khi lại được việc. Thế nên ở nhiều địa phương Nam Bộ, bên cạnh “Cà phê với doanh nghiệp” còn có nhiều hình thức sinh động khác, như: “Ăn sáng với ngư dân”; “Bữa cơm với Mẹ”; “Mỗi tuần một địa chỉ đỏ”... Đó là những mô hình thúc đẩy sự gắn kết giữa cán bộ, đảng viên với người dân; giữa cấp ủy, chính quyền với doanh nghiệp và thực hiện công tác hậu phương Quân đội...

Việc gì có lợi cho dân, cho doanh nghiệp thì nên làm, cần làm và phải làm. Quan trọng nhất là tính mục đích và hiệu quả. Còn cách thức là do sự năng động, sáng tạo, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ.

PHAN TÙNG SƠN