Sau khi cơ quan có trách nhiệm báo cáo người tốt, việc tốt đó chính xác thì việc khen thưởng mới được tiến hành. Sở dĩ, Bác Hồ cẩn trọng như vậy vì Người biết rõ mặt trái của phong trào thi đua yêu nước là hiện tượng hám danh "thổi phồng thành tích", thậm chí "làm láo, báo cáo hay".
    |
 |
Bộ đội mang lúa về nhà giúp dân/Ảnh minh họa/qdnd.vn |
Thực tiễn đời sống báo chí nước ta cho thấy, viết đúng về cái xấu, cái tiêu cực đã khó, viết đúng về người tốt, việc tốt còn khó hơn nhiều. Người tốt như quặng quý "không lộ thiên". Họ thường khiêm tốn, ghét phô trương, ngại lên báo nên tác giả gặp khá nhiều khó khăn trong tìm hiểu, tiếp cận thông tin. Không ít trường hợp, nhà báo "lao tâm khổ tứ", lăn lộn ở cơ sở, tìm đủ cách để có thông tin về người tốt nhưng trước khi bài báo lên khuôn, nhân vật đề nghị không đăng bài, thế là bao nhiệt huyết nhân rộng, lan tỏa điển hình tiên tiến của nhà báo đành gác lại. Cũng có trường hợp, nhà báo vất vả khai thác, điều tra, khi thông tin đã tạm đủ để viết bài thì lại biết thêm những chi tiết bên lề, khi là éo le, khi là nhạy cảm nên không thể chấp bút. Đó là chưa kể, tình trạng "chạy danh hiệu", "chạy thành tích" hiện nay khiến không ít nhà báo nhầm tưởng đã tìm được nhân vật điển hình cho tác phẩm của mình.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng phát hiện và giới thiệu người tốt, việc tốt vẫn là một sứ mệnh cao quý của báo chí cách mạng. Xã hội hiện nay còn không ít bất công, tiêu cực nhưng nếu chịu khó "đào bới" trong thực tiễn, chúng ta vẫn thấy những "vỉa quặng" chân-thiện-mỹ rất đẹp trong những con người gần gũi ở quanh ta. Nếu thiếu niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc đời thì không thể tìm thấy những "vỉa quặng" ấy. Và nếu thiếu kiểm tra, sâu sát thực tiễn thì càng không thể tìm ra những "người tốt, việc tốt" đích thực.
NGUYỄN HỒNG