Còn cựu chiến binh Nguyễn Thạc Long, phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2)-người có mặt trong đoàn quân Nam tiến, tham gia giải phóng Sài Gòn năm 1975, nay dù tuổi cao, sức yếu vẫn đều đặn tổ chức bữa cơm tụ họp gia đình dịp 30-4 để hàn huyên, kể chuyện lịch sử cho con cháu.

leftcenterrightdel
 Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình, thống nhất, nhưng tại các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng, vẫn còn đó những thương binh, bệnh binh đang ngày đêm chịu đựng di chứng chiến tranh hành hạ. Vậy nhưng, khi đón các bạn trẻ đến thăm, các thương binh luôn nở nụ cười tươi và căn dặn thông điệp sống lạc quan, tích cực. Cũng trong những ngày tháng Tư lịch sử này, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công...

Những việc làm ý nghĩa của các thương binh, cựu chiến binh, các tổ chức cho thấy, mừng ngày đại thắng không chỉ có sắc màu cờ hoa, cung bậc cảm xúc sâu lắng, hoạt động tri ân... mà còn có cả những bài học vô giá về quá khứ, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai tươi đẹp. Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi hội đàm với Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama năm 2015 tại Nhà Trắng: Quá khứ không thể thay đổi, nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta!

30-4-1975 là dấu ấn lịch sử đặc biệt. 48 năm qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị của chúng ta đã làm tốt công tác giáo dục lịch sử, truyền thống, qua đó biến thành sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần, sức mạnh ấy được trao truyền qua nhiều thế hệ trong mỗi gia đình, tổ chức để tất cả đồng lòng hành động, tiếp tục làm nên những “cuộc hành quân thần tốc” mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

NGUYỄN SÔNG TRÀ