Tôi hào hứng đợi chờ cảm giác khi vén những vòm lá xanh non trong lúc nhổ cỏ, bất ngờ thấy quả cà bát xanh, da căng bóng mỡ màng to bằng nắm tay. Tôi sẽ reo lên khoe ngay với mẹ. Rồi đi thăm kỹ những cây cà còn lại xem còn quả nào đang giấu mình như thế nữa không. Cho đến bây giờ, dễ đến hai chục năm trôi qua, tôi vẫn thường mơ màng nhớ về những khoảnh khắc tuổi thơ trên thửa ruộng trồng màu trước nhà. Đôi khi cả trong giấc mơ vẫn nhớ, da diết, cồn cào.
“Tháng Chạp trồng khoai, tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà” - Ông nội tôi thường nhắc đi, nhắc lại câu ấy mỗi độ giáp Tết, như sợ con cháu lỡ quên mất mùa vụ. Ra Giêng, trong màn mưa bay và tiếng trống hội ở làng bên xa xa vọng đến, tôi thường cùng mẹ ra thửa ruộng trước nhà vỡ đất trồng lạc. Khi những gốc lạc lên xanh thành từng chùm nhỏ trên luống đất dài thẳng tắp, sau khi mẹ đã cẩn thận đánh cây ở gốc này, trồng vào gốc kia cho đều tăm tắp, kiểu gì ông nội cũng sẽ giục mẹ mua nắm cây cà con về trồng xen vào những luống lạc.
Những luống cây cứ đua nhau vươn lên mơn mởn trong tiết trời ấm áp mưa xuân, rồi những bông hoa cà tim tím bất chợt lấp ló trong màn lá xanh. Chẳng mấy chốc, những quả cà đầu tiên cũng đã nấp trong màn lá xanh ấy mà lớn lên lúc nào chẳng hay. Thường thì, quả cà đầu tiên được tôi phát hiện, mẹ sẽ đánh dấu để dành cho chín già làm giống cho năm sau. Đầu vụ, lác đác quả to đến tầm ăn, chưa đủ bữa nấu. Mẹ dặn tôi hái về muối xổi ăn ngay. Vài hôm sau, có tầm dăm quả là bữa cơm nhà sẽ có bát canh cà nấu lá lốt thơm thơm đổi vị. Vài hôm nữa, cà lớn rộ, mẹ hái đầy cả sảo mang về muối ăn dần.
Tôi cẩn thận tập tành cắt núm từng quả, không để cứa vào vỏ thịt, muối sẽ bị hỏng. Rửa sạch, để cà ráo khô. Rồi cẩn thận thả muối hạt trông như những ngọn núi tuyết đặt vào núm từng quả cà, đặt gọn gàng vào vại. Muối tan hết là cà chín, ăn được. Mỗi bữa cơm, lấy ra một hai quả cà xé múi cau, kiểu gì mùa này mâm cơm cũng có bát nước rau muống luộc, thỉnh thoảng có bát canh cua, ăn với cà muối thì chuẩn bài trong ngày nóng. Thằng em họ bằng tuổi tôi nhà ngoài thị trấn, ngày thường mẹ phải ép ăn từng bữa. Thế mà nghỉ hè về quê ăn cơm chan nước luộc rau muống với cà muối hết 5 lần đơm, người lớn sợ no quá không dám cho ăn thêm.
Ông nội gần 80 tuổi, răng ông rụng hết rồi nên chỉ ăn được đồ mềm nhưng vẫn nhớ vị cà muối. Tôi thích ăn vỏ quả cà bởi nó dai dai và gỡ cho ông miếng ruột cà mềm. Ông thường nhai trệu trạo rồi nuốt nhanh, không biết có đủ để cảm nhận được hương vị dân dã quen thuộc của người quê bao đời. Hoặc ông chỉ cần mùa nào thức nấy có trên mâm cơm là coi như đã thưởng thức đủ. Vại cà tan hết muối, ông đan tấm phên tre đúng bằng với miệng vại, đặt lên trên cà rồi đè chiếc cối đá lên nén cho cà chậm chua, để được lâu hơn.
Những quả cà bị nén bẹp ra, càng về cuối vại càng thêm vị mặn và chua. Cắn một miếng cà muối phải và liền hai, ba miếng cơm chan nước rau muống luộc. Tôi mang những quả cà muối đã ngả màu sậm, nhăn teo ấy thái mỏng, rửa lại với nước cho đỡ mặn và chua, vắt ráo rồi đem xào. Miếng cà muối thái mỏng gặp mỡ lợn xào trên chảo gang thì săn, bóng lên trong chảo. Nêm chút mắm muối cho vừa, không quên chấm đầu đũa vào lọ mì chính rồi gõ gõ nhẹ thân đũa lên thành chảo cho những hạt trắng li ti rắc đều khắp chảo. Trước khi bắc chảo ra nhớ cho thêm nắm lá lốt thái nhỏ đảo đều. Bữa cơm hôm ấy cũng sẽ tốn cơm lắm bởi món cà muối xào lá lốt lạ miệng.
Những năm gần đây, mẹ không muối cà nhiều để ăn qua vài tháng như xưa nữa. Đến mùa, nhớ thì muối chục quả vào cái bình nhỏ để trên bàn bếp. Thế mà nhà có hai vợ chồng già cũng ăn lay lắt mới hết. Chiếc vại sành muối cà ngày xưa sau bao năm ngấm muối ngả màu da lươn đen bóng vẫn được mẹ để gọn gàng ở góc hiên. Ở quê đã thế, ở thành phố cà muối lại càng sẵn mua bất kể chợ lớn nhỏ, ngay cả trái vụ. Chẳng mấy ai còn biết và nhớ đến vại cà muối, đến những quả cà còn sót lại cuối vại. Tuần trước, mấy quả cà muối người hàng xóm về quê mang lên, đem sang nhà tôi mời lấy thảo, đã chua quá tầm ăn, dù để trong tủ lạnh. Bố chồng tôi định đem bỏ. Tôi tiếc của, lại nhớ về vại cà muối ngày xưa, thế là vội can: "Bố đừng bỏ lãng phí, để đấy cho con, tối nay nhà mình sẽ có món mới, đảm bảo tốn cơm nhé!".
Tản văn của THU HÒA