“Ngọn đèn pha” rọi sáng của sân khấu cả nước
Từ những năm đầu thế kỷ 20, hầu hết những sự kiện quan trọng nhất trong đời sống sân khấu cả nước đều diễn ra và kết tinh ở Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sân khấu Hà Nội được ví von là “ngọn đèn pha” rọi sáng của sân khấu cả nước. Nhiều vở diễn về đề tài cách mạng như “19-8” (Thâm Tâm), “Tô Hiệu” (Nguyễn Công Mỹ), “Cà sa giết giặc” (Học Phi), “Vượt ngục” (Nguyễn Kim Miên) và đặc biệt là “Bắc Sơn” (Nguyễn Huy Tưởng) đã thổi “một không khí của đời sống sân khấu sôi sục đầy khí thế và cuốn hút ở buổi bình minh của chế độ mới”.
Ngay sau ngày Thủ đô giải phóng (l0-10-1954), sân khấu Hà Nội nhanh chóng đi vào quỹ đạo của nền sân khấu cách mạng. Trong suốt 10 năm đầu giải phóng, tại các hội diễn sân khấu toàn quốc, sân khấu Thủ đô đã ghi dấu ấn với nhiều tiết mục đặc sắc, trong đó nổi bật là các vở diễn về đề tài lịch sử. Sau đó, sân khấu Thủ đô tiếp tục tạo được tiếng vang với những tác phẩm vừa mang hơi thở của cuộc sống, vừa có tính chiến đấu sắc bén.
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền dẫn chứng: “Khi cả nước lên đường chống Mỹ, cứu nước, sân khấu Thủ đô đã có “Tiền tuyến gọi” của TS Trần Quán Anh. Sau khi đất nước thống nhất, sân khấu Thủ đô có ngay “Cố nhân” của tác giả Xuân Trình, đạo diễn Đình Quang. Thời kỳ đổi mới, không thể quên được “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ. Kịch nói là vậy, chèo và cải lương cũng đóng góp xứng đáng vào dòng chảy của sân khấu Việt với những tác phẩm để đời như: "Kim Nham", "Lưu Bình-Dương Lễ", "Quan Âm Thị Kính", "Ai mua hành tôi", "Thạch Sanh", "Tấm Cám", "Cô Son", "Tú Uyên Giáng Kiều", "Sợi tơ vàng", "Ni cô Đàm Vân"...
Có thể coi những năm 1975-1985 là thời hoàng kim của sân khấu Thủ đô. Bởi thời kỳ này, bên cạnh các đề tài về cuộc sống thường nhật của con người, nhiều vở diễn đã khai thác những mặt trái của đời sống xã hội, đề cập tới những vấn đề nhức nhối mà xã hội quan tâm. Có thể kể tới các tác phẩm: “Hoa và cỏ dại”, “Hà Mi của tôi” (Doãn Hoàng Giang); “Dự cảm về tình yêu” (Nguyễn Khắc Phục); “Cô gái đội mũ nồi xám”, “Tôi và chúng ta” (Lưu Quang Vũ); “Bình minh đó trái tim anh” (Tất Đạt)...
Sau thời kỳ đổi mới, các nhà viết kịch thời điểm đó như Nguyễn Anh Biên, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ, sân khấu Hà Nội với các kịch bản xuất sắc như tiếng chuông cảnh tỉnh về cuộc đấu tranh giữa cơ chế cũ và mới, với thân phận của người lính trở về sau chiến tranh, với những loay hoay trăn trở về kiếp người... khiến sân khấu Thủ đô sôi động trở lại.
“Thời điểm đó, buổi đêm, Hà Nội vẫn rực rỡ ánh đèn sân khấu. Người ta xếp hàng mua vé xem kịch, người ta mong chờ những gương mặt diễn viên mà sự xuất hiện của họ bảo đảm cho thành công trong vở diễn. Không chỉ bó hẹp trong đề tài Thủ đô, mà sân khấu Hà Nội đã đi vào khai thác mọi ngõ ngách của cuộc sống, mọi vùng tối của chiến tranh, của thân phận người. Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội... những đơn vị ấy, trong những năm ấy, đã sống những ngày sôi động nhất của sân khấu”, nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng nhớ lại.
|
|
Một cảnh trong vở diễn "Hà thành chính khí" của Nhà hát Kịch Hà Nội. |
Loay hoay tìm chỗ đứng
Mỗi một giai đoạn phát triển, sân khấu Thủ đô đều để lại những dấu ấn. Như NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội đánh giá thì đó là những thành tựu đầy vinh quang. Tuy nhiên, phía sau những thành tựu thì vẫn còn có nhiều hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục. “Dù xót xa, chúng ta cũng phải thừa nhận thời đại hoàng kim của sân khấu đã qua, các loại hình truyền thống như chèo, dân ca, nhạc cổ truyền... đang mất dần công chúng. Các loại hình văn nghệ quần chúng đang gặp nhiều trở ngại”, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn bộc bạch.
Thực tế cho thấy, sân khấu Thủ đô đang phải đối mặt với vô vàn thách thức: Thiếu kịch bản hay, thiếu đạo diễn, diễn viên giỏi, thiếu kinh phí... Các vở diễn đề tài dã sử, lịch sử còn hạn chế trong việc tìm tòi thể tài mới, hình thức sáng tạo nghệ thuật mới. Đề tài hiện đại phản ánh cuộc sống và con người Hà Nội đương thời ngày một thưa vắng trong các vở diễn. Vẫn còn ít tác phẩm hay tạo dư luận và gây tác động mạnh mẽ. Đội ngũ người làm công tác lý luận phê bình mỏng từ khâu đào tạo cho đến hoạt động thực tiễn.
NSND Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội trăn trở: “Những năm gần đây, tiếng nói của sân khấu Hà Nội, vị trí của nó giữa sân khấu cả nước cũng hạn chế và có lúc đáng lo ngại, kể cả kịch nói vốn là một điểm mạnh, rất mạnh của sân khấu Hà Nội. Mặc dù không tránh khỏi những khó khăn, nhưng cải lương vẫn duy trì được chất lượng nghệ thuật của mình, còn chèo thì lại nhức nhối với vấn đề phương hướng, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa giữ gìn bản sắc dân tộc và tiếp thu yếu tố hiện đại...”.
Theo TS Cao Ngọc, sân khấu Hà Nội đã và đang sở hữu những cơ sở vật chất tương đối tốt nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu sáng tạo của các đạo diễn. Từng nhà hát được điểm qua cơ sở mới xây dựng, khang trang mà vẫn chưa đúng với tầm vóc của một sân khấu hiện đại. Có nhà hát được xây, nghiệm thu... vẫn đem tới sự ngao ngán khi sân khấu chưa đủ độ sâu, thiếu độ cao của sàn diễn, thiếu kích thước để sắp xếp phông màn đúng nghĩa, rồi âm thanh, ánh sáng lỗi... ghế ngồi ở khán phòng sắp xếp chưa hợp lý, mà được bố trí như hội trường. Lại càng chẳng nói tới việc tạo dựng không gian văn hóa, cảnh quan đẹp ở quanh địa điểm sân khấu.
Làm gì để sân khấu Thủ đô bứt phá?
Bước vào chặng đường mới, để sân khấu Thủ đô “hồi sinh” và bứt phá bên cạnh nỗ lực của các văn nghệ sĩ, cần sự chung sức của các ngành, các đơn vị trong hoạt động hỗ trợ sáng tác, tổ chức liên hoan nghệ thuật. Đặc biệt, cần chú trọng bồi dưỡng thế hệ kế cận, tiếp tục đổi mới, sáng tạo để sân khấu ngày một hấp dẫn.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, yêu cầu của thời đại trong việc xây dựng con người mới hôm nay đặt ra nhiệm vụ cho nghệ thuật sân khấu chính là sự gắn bó, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà.
Để làm được điều đó, bản thân mỗi nghệ sĩ cần nỗ lực phát huy khả năng sáng tạo để có những tác phẩm nghệ thuật sân khấu có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Theo ý kiến của TS Trần Thị Minh Thu, Phó trưởng ban Nghiên cứu nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: “Khi cơ hội sáng tạo nghệ thuật rộng mở, đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Thủ đô cần phải tự nâng mình lên thông qua việc học hỏi từ truyền thống, tiếp thu các giá trị mới của thời đại để tạo ra những tác phẩm xứng tầm thật sự có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của nhân dân, trở thành một trong những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô Hà Nội”.
Trong bối cảnh TP Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa với 12 lĩnh vực trọng tâm, trong đó có nghệ thuật biểu diễn, rõ ràng sân khấu Thủ đô có nhiều lợi thế để phát triển. Việc đẩy mạnh xã hội hóa phải tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết trong khâu quảng bá và tổ chức biểu diễn chính là những cú hích để sân khấu Thủ đô có thể phát triển bứt phá, đến được với đông đảo khán giả.
ĐẶNG THỦY