Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của cặp song sinh Bảo-Bảo vào một buổi sáng không hẹn trước ở TP Nha Trang. Mở cổng đón chúng tôi là cháu Bùi Hữu Bảo, gương mặt rạng ngời, đứng bên cánh cổng lễ phép chào các chú. Lúc ấy, cháu Bùi Quốc Bảo cũng chạy về chào khách, rồi báo với bố: “Thưa ba, ông nội đang đến ạ”.

Đại úy QNCN Bùi Phú Nghĩa (bố hai cháu Bảo-Bảo, công tác tại Đồn Biên phòng Vĩnh Lương, BĐBP tỉnh Khánh Hòa) liền giải thích: "Nhận lời tiếp nhà báo, nhưng xin lỗi là tôi cũng phải báo với ông. Ở nhà chuyện lớn, chuyện nhỏ, tôi đều xin phép ba tôi, để ba con bàn bạc thực hiện". Ông Bùi Minh Phụng (bố anh Nghĩa) năm nay đã ngoài 80 tuổi, từ ngoài sân bước vào, tiếp lời: "Xin lỗi các anh, tôi xin phép có mặt, nhỡ không may các cháu đang vui mà nói điều gì đó quá lời thì không hay chút nào cả. Khiêm tốn là đức tính rất cần thiết mà tôi luôn nhắc nhở con cháu gìn giữ các anh ạ”.

leftcenterrightdel

Vợ chồng anh Nghĩa ân cần trò chuyện cùng hai con.

Chuyện nền nếp, tôn ti trật tự trong gia đình anh Nghĩa thật là quý ở xã hội hiện nay, khi nếp nhà, văn hóa ứng xử trong gia đình ở nhiều nơi đang bị sa sút. Mọi kế hoạch, đi lại, học tập được các thành viên thực hiện có nền nếp, quy củ: Con cái phải báo với bố mẹ, vợ phải thông tin cho chồng, các cháu đi đâu, làm việc gì phải xin phép, báo cáo để ông và bố mẹ nắm được... Theo ông Phụng thì nếp nhà, dù thời đại nào cũng cần phải gìn giữ. Ông bà, bố mẹ luôn phải làm gương để con cháu mình học tập, noi theo...

Bố là BĐBP, từng công tác ở nhiều đơn vị xa gia đình, mẹ hai cháu lại làm ngành du lịch, thời gian chăm sóc các con rất ít ỏi. Nhưng nhờ có ông nội, vừa là người ông mẫu mực, vừa là người thầy của hai cháu, rèn giũa các cháu lễ phép, chăm ngoan từ nhỏ, ý thức học tập được hình thành từ rất sớm... Trong những ngày dịch Covid-19, bố mẹ đi vắng, anh em ở nhà tự chăm sóc nhau, rồi lên kế hoạch học tập và đến trường bằng xe bus hoặc cùng nhau đi xe đạp điện. Ngày đi thi tốt nghiệp THPT, mẹ bận công việc, bố lại đang tham gia phòng, chống dịch không thể về đưa đón nên mọi chuyện, anh em Bảo-Bảo đều tự lo.

Anh Nghĩa kể, nhiều dịp cuối tuần, cả nhà muốn tổ chức đi chơi đâu đó để các cháu thư giãn nhưng lúc nào các cháu cũng “trình bày lý do” kín lịch học. Chị Nguyễn Thị Rành, mẹ của hai cháu tiếp lời: “Nhờ là con nhà lính đấy các anh ạ! Mỗi lần bố về thì những lời nói, việc làm của bố chính là tấm gương cho các con noi theo. Bố rất nghiêm khắc, trách nhiệm, thường xuyên trao đổi ý kiến, định hướng và chia sẻ những vấn đề các con quan tâm. Đặc biệt, việc chọn trường, chọn ngành và niềm đam mê của các con thì ông nội cũng như vợ chồng tôi đều tôn trọng. Người lớn chỉ phân tích các thông tin cơ bản và theo dõi, giúp đỡ con trẻ khi cần...".

Là thủ khoa của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Bùi Quốc Bảo được nhà trường chọn là người đại diện cho các sinh viên khóa mới phát biểu trong lễ khai giảng trực tuyến năm học 2021-2022. Cũng trong lễ khai giảng, hiệu trưởng nhà trường đã trao bằng khen và tiền thưởng tặng các thủ khoa, á khoa. Quốc Bảo là người được xướng tên đầu tiên trong danh sách với ngôi vị thủ khoa của trường năm học này.

Ngay sau khi nhận được tin hai con của Đại úy QNCN Bùi Phú Nghĩa vừa đoạt thủ khoa và á khoa, Bộ tư lệnh BĐBP và Tỉnh đoàn Khánh Hòa đã tổ chức khen thưởng, tặng quà các cháu. Thượng tá Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa cho hay: “Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Khánh Hòa rất phấn khởi, tự hào về hai cháu. Dù trong điều kiện thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ, xa nhà nhưng vợ chồng anh Nghĩa đã gương mẫu, nuôi dạy con ngoan, học giỏi”. Các cháu còn được Báo Khánh Hòa, Quỹ Khuyến học, khuyến tài tỉnh Khánh Hòa trao thưởng.

Được biết, hai anh em có nhiều sở thích giống nhau, nhưng trong chọn trường lại có sự khác nhau. Ngay từ khi còn nhỏ, Bùi Quốc Bảo đã đam mê làm công việc bảo vệ pháp luật nên đã chọn Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Còn Bùi Hữu Bảo cũng đam mê ngành luật, ước mơ trở thành một luật sư giỏi nên cháu chọn Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh làm nơi học tập.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẠNH