Một lần trên đường hành quân, gặp con suối to. Tuy là mùa khô nhưng mực nước khá sâu và mặt suối khá rộng, ước chừng đến hơn hai mươi mét.

Một anh cán bộ trông rất oách, đầu đội mũ lưỡi trai, quần kaki, áo vest chiến lợi phẩm thu được của địch, chân đi đôi giày ghệt ống ngắn có đinh. Khi thấy có suối chảy mạnh, anh ta bèn quay sang hai bên hỏi vừa thách vừa thân mật là có ai cõng mình qua suối không?

Nhà thơ Hoàng Cầm chưa kịp phản ứng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã xông lên mấy bước, xung phong cõng anh cán bộ qua suối.

Lúc đó có nhà thơ Thanh Tịnh và họa sĩ Mai Văn Hiến đi cùng, nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ lộ bí mật. Anh cán bộ rất oách, ung dung ngồi trên lưng vị tướng. Còn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cây gậy song, đi dép cao su, quần xắn móng lợn lên quá đầu gối, bình thản, bắt đầu lội nước. Được vài bước, anh cán bộ muốn tỏ ra mình bình đẳng, bình dị bèn hỏi chuyện người đang cõng mình ở đơn vị nào? Sau một hồi trao đổi, biết người cõng mình là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, anh cán bộ hoảng hốt giật bắn người lên, giọng run như chiếc lá mỏng gặp cơn gió mạnh, nói van lạy, xin Đại tướng cho mình xuống. Miệng nói, chân tay anh cán bộ quẫy mạnh nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh càng vít chặt anh ta trên lưng, giọng nói bình thản: “Thì lính tráng với nhau, cõng nhau có gì đâu mà cậu lo... Cứ ngồi yên, chỗ này sâu đấy, trơn lắm”.

leftcenterrightdel

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự Đại hội Chi bộ 8 (Đoàn Hồng Hà), năm 1960. Ảnh tư liệu

Qua suối, anh ta tụt nhanh xuống, vội quỳ mọp xuống đất: “Dạ, anh tha tội cho em, em không biết anh là...”. Nghe anh ta nói vậy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn tươi cười, đỡ anh ta đứng lên, ngắt lời, hỏi thăm ở đơn vị nào? Chức vụ gì?

Biết anh ta là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn nòng cốt Trung đoàn 55. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh choàng vai anh ta ân cần hỏi thăm đơn vị có ai ốm yếu không? Trang bị vào chiến dịch có thiếu thốn gì không?

Anh cán bộ báo cáo đơn vị cần thêm khoảng 10 khẩu súng tiểu liên, còn súng trung liên, đại liên đã đủ; thuốc men cũng đầy đủ; có hai chiến sĩ sốt rét nặng đã được đơn vị chuyển vào bệnh xá tuyến B. Được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quan tâm, anh cán bộ khẳng định rất tin tưởng Chiến dịch Hoàng Hoa Thám sẽ đạt được yêu cầu mà Bộ Tổng Tư lệnh đã đề ra...

Theo lời kể của nhà thơ Hoàng Cầm, tổng kết chiến dịch cuối năm 1951, người tiểu đoàn trưởng được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cõng qua suối đã lập nhiều chiến công. Ngay trong chiến dịch, người cán bộ ấy từ một chi ủy viên của chi bộ cơ quan văn phòng tiểu đoàn được bầu làm bí thư liên chi tiểu đoàn, rồi phó bí thư đảng ủy trung đoàn. Sau lại được bổ nhiệm chức vụ trung đoàn trưởng.

Sau kỷ niệm được cõng qua suối, anh cán bộ đã rất cảm kích tấm lòng “phụ tử chi binh”, tình cảm thương yêu binh sĩ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

 THẠCH THẢO (lược ghi)*

--------------------

 (*) Theo cuốn sách "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng". Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2013