Vẽ bằng cảm xúc trái tim

Tuy gia đình anh Công Quốc Hà sinh sống ở nước ngoài (Thụy Điển) nhiều năm, nhưng tâm hồn người nghệ sĩ vẫn vẹn nguyên cảm xúc mỗi dịp trở về quê hương. Hà Nội trong ký ức của anh luôn ngọt ngào, tình đất tình người đằm thắm chứa chan tiếp thêm động lực, cảm xúc cho nghệ thuật thăng hoa. Anh bộc bạch: "Triển lãm “Không gian hội họa” tại khách sạn Apricot (khách sạn Phú Gia cũ) phố Hàng Trống, TP Hà Nội vừa qua, tôi chọn lựa một số tác phẩm tiêu biểu, toát lên vẻ đẹp người Việt Nam hiện đại, năng động".

Công Quốc Hà tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), cái nôi đào tạo mỹ thuật ứng dụng, nơi có những người thầy giỏi truyền đạt kiến thức. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, đại gia đình anh sống ở đầu phố Hàng Trống, vào những hôm mưa rào, lũ trẻ trong khu phố quần đùi, áo may ô chạy ra đường đùa nghịch, đá bóng và hò hét thỏa thích, rồi kéo nhau đi dọc bờ hồ lên chỗ kem Bốn mùa nhặt sấu rụng. Mặc mưa táp vào mặt đứa nào đứa ấy cười sung sướng. Niềm vui cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng anh biết cất giữ cho riêng mình-gửi vào trong tranh. Hoài niệm về tuổi thơ, anh vẽ mà như đi dạo trong khu vườn nghệ thuật. Những đường nét mềm mại ngộ nghĩnh, gam màu ước mơ tươi sáng. Có ngôi nhà thân yêu cùng những đứa trẻ nô đùa nơi góc phố, tuổi thơ trong veo và hồn nhiên ấy đưa người xem trở về thuở thiếu thời.

Cũng đề tài Hà Nội, nhưng khi vẽ về phố cổ thì tác giả lại khắc họa bằng lăng kính của người từng trải. Phố cổ không phải là những ngôi nhà cũ tường đầy rêu phong, hay mái ngói nhuốm màu thời gian, mà là một Hà Nội thâm trầm quyến rũ, hào hoa, thanh lịch, mà kiên cường trong những ngày chống giặc. Với tính ước lệ cao, họa sĩ đã tối giản đường nét, chú trọng bố cục, hài hòa các mảng miếng, chắt lọc mảng màu quý đặt cạnh nhau tạo chiều sâu không gian và thời gian. Vẽ phố là toát lên được hồn cốt của Hà Nội vào tranh, nói cách khác là thể hiện được hơi thở cuộc sống của mảnh đất văn hiến, sự sum vầy hạnh phúc trong mỗi ngôi nhà.

leftcenterrightdel

Chân dung tự họa Công Quốc Hà. 

Là người yêu thiên nhiên, có nhãn quan tạo hình, anh biết quan sát và lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian từ sớm. Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trẻ em Hà Nội phải đi sơ tán, Công Quốc Hà được gửi về quê nội ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Buổi chiều, trẻ con quanh xóm thường tụ tập ở gốc đa đình làng xem “ông tò he” nặn con giống. Cậu bé Hà thích lắm, cứ ngắm mãi những con giống đáng yêu ấy rồi nhìn ông với ánh mắt ngưỡng mộ. Bất chợt cậu bảo “ông tò he” nặn cho mình chiếc máy bay thật to để chở được nhiều chú phi công. Ông già gật đầu cười hiền từ, chòm râu trắng như cước cũng rung rinh theo. Hình ảnh dung dị của con đường làng, cây rơm, cánh đồng lúa hay mái đình đổ bóng trên sân gạch, “ông tò he”, vầng trăng Trung thu và cả đám trẻ múa lân ngày xưa đi vào tranh của anh một cách tự nhiên, gần gũi.

Được đi nhiều nơi, ăn nhiều món ngon, nhưng khi nhắc tới quê hương, anh vẫn ước ao được ăn bữa cơm nấu bằng gạo mới, thêm món cá trê đồng kho bằng nồi đất ủ trấu, bát canh cua với cà muối. Cơm quê tuy đạm bạc nhưng hồn quê thì ngấm vào máu thịt, khi xa lại nhớ cồn cào. Vẽ quê hương, anh không chỉ vẽ bằng đôi tay mà còn vẽ bằng cảm xúc và tấm lòng biết ơn dành cho miền quê thơm thảo ấy.

Lan tỏa văn hóa thuần Việt

leftcenterrightdel

Tác phẩm “Góc phố tuổi thơ” của Công Quốc Hà. 

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, khi tham dự triển lãm quốc tế, cùng giao lưu nghệ thuật với bạn bè thế giới, họa sĩ Công Quốc Hà cảm nhận hoạt động mỹ thuật Việt Nam còn khá khiêm tốn. Anh tự hỏi sao không sử dụng hội họa để chuyển tải nét đẹp của đất nước, khí chất con người Việt Nam tới bạn bè năm châu? Nghĩ là làm, anh bắt đầu vẽ về khu phố nơi mình sinh ra và lớn lên, về quê hương những ngày sơ tán, vẽ những gương mặt thân yêu. Lấy tông màu vàng làm cảm hứng, bởi Hà Nội có sắc thu vàng nhuộm kín những con đường trải dài màu lá, là cánh đồng lúa vàng mênh mang tiếng sáo diều, vàng của cọng rơm, gốc rạ gắn liền hình ảnh người mẹ quê lam lũ tảo tần sớm trưa. Ý tưởng ấy mang đến những thành công bước đầu, chắp cánh cho sự thăng hoa nghệ thuật của anh sau này.

Với áo dài, một nét đẹp văn hóa, biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ sĩ tạo hình thì Công Quốc Hà thường chọn các hoa văn cách điệu hòa sắc nhẹ nhàng để tôn vinh áo dài, đồng thời khoe được vẻ đẹp quyến rũ, những đường cong mềm mại trên cơ thể họ, chạm tới cảm xúc của người yêu cái đẹp. Có lẽ vì thế mà đã có không ít độc giả nước ngoài xem tranh của anh rồi yêu luôn tà áo dài. Họ quyết định du lịch tới Việt Nam để được thưởng ngoạn phong cảnh các vùng quê, tận mắt ngắm những bộ áo dài truyền thống dân tộc.

leftcenterrightdel
Tác phẩm “Thiếu nữ” của Công Quốc Hà. 

Cho tới nay, họa sĩ Công Quốc Hà đoạt nhiều giải thưởng danh giá cả ở trong và ngoài nước. Anh tham gia hàng trăm cuộc triển lãm tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển... Trong những sự kiện đó, anh không chỉ giới thiệu vẻ đẹp của tranh sơn mài nói chung, mà còn tự hào khoe với bạn bè quốc tế về những tác phẩm tranh sơn mài của các họa sĩ Việt Nam được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia như: “Vườn xuân Bắc-Trung-Nam” của Nguyễn Gia Trí; “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn; “Thanh niên thành đồng” của Nguyễn Sáng; “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của Dương Bích Liên... Các tác phẩm này đang được lưu giữ trong các bảo tàng lớn của nước ta.

PHÙNG MINH