Cùng với chiếc áo dài thướt tha, chiếc nón lá gắn bó mật thiết với người phụ nữ nơi đây. Áo dài, nón lá vì thế đã trở thành biểu tượng của sự dịu dàng, duyên dáng, làm nên gương mặt, hình hài, tâm hồn Huế tự muôn đời.

Trầm tích trong từng đường kim, chiếc lá là tâm tình của người chằm nón và kết tinh trong đó cả một không gian văn hóa vùng miền. Thực ra, không phải chỉ ở Huế mới có nón lá nhưng có thể nói, với những đặc điểm riêng của mình, dù đặt ở đâu, nón Huế cũng được nhận ra ngay: Thanh mảnh, nhẹ tênh, từ đường kim cho đến vành nón, tất cả đều thanh cao, gọn gàng mà sắc nét. Nón Huế trở thành sản phẩm độc đáo của nghề thủ công truyền thống ở vùng cố đô. Vì thế, câu ca năm nào đã thuộc nằm lòng du khách muôn phương: "Ai ra xứ Huế mộng mơ/ Mua về chiếc nón bài thơ làm quà".

Dường như chỉ riêng Huế mới có nón bài thơ. Giữa hai lớp lá nón là các hoa văn biểu tượng hài hòa, cân đối. Biểu tượng ẩn hiện trong nón lá bài thơ thường là những thắng cảnh của Huế như cầu Trường Tiền, núi Ngự Bình, Phu Văn Lâu, chùa Thiên Mụ... Đi kèm theo các biểu tượng là một số câu thơ nổi tiếng viết về Huế được cắt bằng giấy bóng ngũ sắc, nổi bật giữa nền xanh trắng của lá nón.

leftcenterrightdel

Áo dài, nón lá làm nên nét duyên của người phụ nữ Huế. Ảnh: ĐÌNH HOÀNG 

Hẳn trong ký ức của những người lớn tuổi có nỗi nhớ quay quắt về bóng dáng kinh thành của một thuở nón Huế nhấp nhô. Làm sao quên được dấu tích thời gian của cái thời Huế đẹp đến mê say với tà áo dài, với nón lá đội đầu, mái tóc thề bay bay trên mọi nẻo.

Ngày trước, người phụ nữ Huế khi ra đường, trang phục nhất thiết phải có là áo dài và chiếc nón lá để đội đầu. Dù nắng hay mưa, chiếc nón vẫn theo người trên từng góc phố. Các mệ, các o đội nón đi chợ, nữ sinh đội nón đến trường. Nón theo các chị gánh hàng rong; nón theo các em bước xuống bến đò Thừa Phủ, qua trường Đồng Khánh... và nón theo cô giáo vào lớp học.

Không chỉ che nắng, che mưa, nón Huế còn là vật trang sức tạo nên nét duyên thầm cho cô gái Huế. Có lẽ, dù đã nhiều lần đến Huế, tìm nét Huế yêu thương nhưng chắc hẳn, mỗi khi thoáng gặp chiếc nón lá bên tà áo dài trắng tinh khôi, du khách vẫn không khỏi bồi hồi, ngơ ngẩn. Cuộc sống khép kín cùng những ảnh hưởng của văn hóa cung đình kín đáo, chiếc nón đã giúp người phụ nữ Huế giấu khuôn mặt mình ửng hồng vì ngại ngùng, e thẹn. Và trong cái ngập ngừng vì bối rối của chủ nhân, chiếc nón lá trở thành vật làm duyên hết sức kín đáo mà ý vị, đáng yêu.

Buổi sáng giao mùa, dạo bước giữa đất trời Huế, đưa mắt nhìn theo tà áo trắng nữ sinh, lòng cảm thấy yên bình. Có tao nhân, mặc khách vì yêu Huế quá chừng nên mỗi lần đến Huế chỉ đứng để được ngắm nhìn nữ sinh vào giờ tan học, ngắm những chiếc áo dài cùng chiếc nón lá đạp xe trên phố. Nhà thơ Bích Lan không nén được lòng mình: "Người xứ Huế yêu thơ và mến nhạc/ Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay/ Nón bài thơ e lệ nép trong tay/ Thầm lặng bước những khi trời dịu nắng".

Trong trang phục áo dài, nón lá, nữ sinh Huế càng thêm dịu dàng, thanh lịch. Đạp xe giữa phố phường, bất chợt gặp cơn mưa lớn vội vàng cởi chiếc nón lá, cô gái Huế bối rối che nghiêng tà áo dài thấm lạnh và hòa vào làn mưa giăng trắng xóa. Cái điệu nghiêng nón che mưa, nghiêng nón làm duyên ấy đã níu giữ tâm hồn của những người yêu Huế.

Cuộc sống đổi thay, nón Huế theo đó cũng thăng trầm. Ngày nay, rong ruổi trên các con đường thật hiếm bắt gặp bóng dáng cô gái Huế đội chiếc nón trên đầu... còn chăng chỉ là trong bài thơ, câu hát, trên các sàn diễn thời trang hoặc trong phim ảnh mà thôi... Tìm về hồn dân tộc, tìm về nét văn hóa Huế qua chiếc nón bài thơ bỗng thấy chạnh lòng và nuối tiếc.

Để góp phần bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống xứ Huế, trong các kỳ festival ở Huế, nón Huế với nghề thủ công truyền thống chằm nón đã được chú ý khôi phục và phát triển. Còn nhớ tháng 10-2010, nón Huế trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chiếc nón lá bao giờ cũng gắn liền với chiếc áo dài trên vùng núi Ngự, sông Hương.

Nón Huế với nét duyên thầm mãi là một thương hiệu níu lòng du khách. Hy vọng nón Huế sẽ trở lại như xưa, trên những con đường theo bà, theo mẹ đến chợ, theo các chị đến nơi làm việc, theo các nữ sinh mỗi buổi đến lớp, tan trường. 

TRẦN VĂN TOẢN