Có lần đôi ngày, có lần được nghỉ phép lâu hơn. Sinh em đầu vài năm, chú dì được các cụ chia cho mảnh đất ra ở riêng cạnh quốc lộ. Đó là gian nhà nhỏ xây thấp hơn mặt đường vài bậc. Trời mưa to, chỉ lo nước trên đường tràn xuống ngập vào nhà. Lúc dì sinh em thứ hai, tôi thường được mẹ giao nhiệm vụ đến trông em giúp dì. Trời mùa đông, mỗi lần tắm cho em, dì ngồi cạnh bếp lửa, lấy mấy miếng ván che chắn xung quanh để bớt gió lùa. Em bé sinh non, còi và lười ăn có tiếng, vắng chồng nên dì càng vất vả hơn.
Đến khi chú dì xây lại được căn nhà, thời gian ấy, chú được về nhiều hơn nhưng cũng phần lớn là dì đứng ra chỉ đạo lo toan thợ thuyền, nhờ anh em hỗ trợ mà nên khang trang, rộng rãi. Ai cũng bảo dì tôi giỏi. Dì cười mà đuôi mắt hằn nếp nhăn, bảo: “Vợ bộ đội cơ mà!”. Chưa tới 40 tuổi mà tóc dì đã bạc và rụng lộ hết cả da đầu. Ít ở nhà, nhưng mỗi lần chú về là cả làng, cả xóm được dịp trầm trồ: “Đúng là bộ đội về”. Nào cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chú tôi làm hết, đâu ra đấy, ngăn nắp, gọn gàng. Tính chú ít nói, thành ra nhiều người bảo dì tôi giỏi “bắt nạt” chồng. Sau này, tôi mới nhận ra, hình như nói ít làm nhiều là đặc điểm của hầu hết các chú bộ đội.
Năm nào vào những ngày đông cuối năm, nếu được về phép thì kiểu gì trong ba lô chú cũng ưu tiên để đầy những quả quýt vàng đặc sản vùng Bắc Sơn (Lạng Sơn) nơi chú đi qua, mang về làm quà. Những quả quýt vỏ vàng ram rám, chỉ cần bóc ra đã sực mùi chua thơm đặc trưng khó quên. Nhưng điều tôi nhớ nhất là suốt những năm học cấp 1 và cấp 2, cứ đến dịp cuối hè, sau khi đã xin hoặc mượn được bộ sách giáo khoa của đứa em họ lớp trên, được mẹ mua cho tập vở mới là tôi chạy ngay ra nhà chú dì xin những tờ Báo Quân đội nhân dân cũ về bọc lại sách vở, cắt nhãn dán gọn gàng, ghi tên đầy đủ hết các quyển. Cuối tháng 8 là giá sách đã ngăn nắp chờ năm học mới.
Hồi chú vừa về nghỉ hưu được mấy ngày thì ốm một trận khiến dì tôi vô cùng lo lắng. Bố tôi bảo chú ốm vì nhớ đơn vị đấy. Với chú, nghỉ hưu cũng là một việc cần tập làm quen. Thì mấy chục năm chú gắn bó với đơn vị, với đồng đội cơ mà. Mỗi lần về phép vài ngày chẳng đủ để chú cảm nhận sâu sắc những thay đổi của làng quê đã lên phố. Về nghỉ hẳn, chẳng mấy chốc chú nhận ra nhiều điều thật lạ lẫm. Cái tính thật thà, nghiêm ngắn khiến chú đôi khi như lạc lõng giữa những tràng đùa của mấy ông cùng khu phố. Cán bộ địa phương tín nhiệm đồng chí sĩ quan Quân đội nghỉ hưu nên tới vận động chú tham gia công tác, nhưng chú cứ lần lữa xin khất, mãi cho tới nhiệm kỳ này mới nhận nhiệm vụ làm công tác Mặt trận. Thế là chú lại tất bật. May mà dì cũng đã nghỉ hưu. Nhìn cảnh chú dì bây giờ, họ hàng, làng xóm có dịp chuyện trò, bảo thế là sướng. Có người bì tị nói lương bộ đội cao, thượng tá nghỉ hưu như chú tiêu sao hết tiền... Lại có người nhắc: Thế hơn ba chục năm phục vụ trong Quân đội, xa nhà, vợ con, cha mẹ già vất vả thì ai còn nhớ?
Ngày con gái út đi lấy chồng, chú dắt tay cô dâu trao cho chú rể, chỉ kịp có vậy, rồi chú bật khóc nức nở, những giọt nước mắt hạnh phúc nhìn con trưởng thành nhưng cũng đầy thương yêu xen lẫn tủi hờn. Mới ngày nào con bé sinh non bằng cái kẹo, mà chú đã bế bồng, đưa đón nó đi học được mấy lần đâu, thế mà thoắt cái nó đã lớn, rời xa vòng tay bố mẹ. Nhìn sang dì tôi, nét mặt, cử chỉ vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng. Cảnh ấy khiến tôi bất giác rơi nước mắt. Lại nhớ lời dì hay nhắc trêu tôi: “Đừng lấy chồng bộ đội!”. Tôi biết, thực ra nếu được chọn lại thì dì vẫn sẽ chẳng ngại ngần làm vợ bộ đội lần nữa! Và tôi, đã “không thèm” nghe lời dì nhắc, lại còn yêu tha thiết, mong ước, khát khao được trở thành bộ đội, được khoác trên mình màu áo xanh biết nhường nào!
Tản văn của DƯƠNG THU