Anh Ngọc khá cao to, chắc chắn và trẻ hơn cái tuổi 73 của một thương binh bị tâm thần nặng. Về đến cửa, anh bỏ dép phía ngoài rồi đi thẳng vào nhà tắm. Chị Hợi giải thích, anh Ngọc một ngày đánh răng vài lần. Cứ ra ngoài đi dạo về là anh đánh răng. Chị bảo, ừ thì hành động đó chẳng giống người bình thường, nhưng với chị, việc anh tự chăm sóc được cho bản thân, như vậy cũng là một niềm vui.

Rồi, dường như chẳng để ý đến sự xót xa, thương cảm cứ ăm ắp trong lòng chúng tôi, chị Hợi hồn nhiên kể về đám cưới của mình 20 năm trước. Khi ấy, anh 52 tuổi, còn chị đã ở tuổi 32. Chị bảo, cán bộ, nhân viên Trung tâm mai mối, biết anh bệnh tình rất nặng, thường xuyên rối loạn tâm thần, nhưng một phần do bản thân đã quá lứa lỡ thì, gia đình nghèo khó; một phần vì thương anh, nên chị chấp nhận.

Đến nay, nhiều cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng vẫn nhớ đám cưới đặc biệt này. Ngày hôn lễ, cô dâu Nguyễn Thị Hợi cũng mặc quần áo đẹp, hồi hộp chờ đón, nhưng trong đoàn nhà trai về đón dâu, không có chú rể. Thì làm sao mà chú rể đi được, khi anh Ngọc lúc ấy tình trạng bệnh tật rất nặng, rối loạn tâm thần, suốt ngày chỉ ngồi moi ruột gối đưa lên mồm nhai và xé áo quần làm trò chơi như một đứa trẻ. Chị Đỗ Thị Thúy, điều dưỡng viên Khoa A3 kể, chú rể hôm ấy là do nhân viên của cơ quan đóng thế. Dù không phải chồng mình nhưng dường như cô dâu cũng phần nào đỡ tủi.

Khó khăn nhất là những ngày đầu chị Hợi về sống cùng thương binh Nguyễn Xuân Ngọc. Chị vốn đã quen với những lo toan, cơ cực của một cô bé mới 13 tuổi đã phải tần tảo, lam lũ sớm hôm lao động nuôi 3 đứa em, vì mẹ mất sớm, bố vì buồn quá mà thành ra nát rượu. Một người có gia cảnh như vậy, tưởng như chẳng thử thách nào của cuộc đời có thể đánh gục, nhưng chị không khỏi sốc vì cuộc sống với một thương binh tâm thần hoàn toàn khác với những gì chị đã từng trải qua. Chưa quen với sự xuất hiện của chị, ngày, anh quậy phá; đêm, anh còn dữ dằn hơn, liên tục đạp chị từ trên giường xuống đất. Mỗi lần như thế, vừa tủi, vừa đau, chị lại lồm cồm bò dậy, lên giường, nằm bên cạnh vỗ về anh. Chị biết, chỉ từ khi bị thương nặng trở về từ chiến trường, anh mới thành ra ngơ ngẩn và hung tợn như vậy.

Anh Nguyễn Xuân Ngọc là con trai cả trong một gia đình có 4 người con ở thành phố Nam Định. Khi cả nước dồn sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, theo lệnh tổng động viên, anh nhập ngũ. Là y tá, nên ở đâu có thương binh nặng, nơi nào chiến trường khốc liệt, là anh có mặt. Một lần, căn hầm anh đang sơ cứu cho thương binh nặng bị trúng bom. Cả tiểu đội hy sinh, bùn đất, xương thịt của anh em hòa trộn vào nhau. Sau đó, anh Ngọc có giấy báo tử về quê.  

Nhưng may mắn thay, anh và một đồng đội do sức ép của bom, bị hất tung ra xa. Những người còn sống sót được đưa về điều trị ở một bệnh viện tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Anh Ngọc sống, nhưng thành người ngơ ngẩn, chẳng nhớ mình tên gì, cha mẹ là ai, quê quán ở đâu, thuộc đơn vị nào. Cho đến một lần, đang giơ tay cho bác sĩ tiêm, anh chợt hét toáng lên, gọi tên bố mẹ và đọc địa chỉ nhà mình. Bác sĩ, lúc đầu tưởng anh hoảng loạn nói bừa, sau thấy anh dõng dạc hô to mấy lần, bèn lấy giấy bút ghi lại rồi biên thư về địa chỉ đó, với niềm hy vọng mong manh. Thế rồi, gia đình anh Ngọc, qua 5 năm lập bàn thờ anh, sau khi nhận bức thư, đã tìm đến bệnh viện ở Đồng Nai đón anh về và gửi anh vào Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng tại thị trấn Ba Sao để được chăm sóc và điều trị. 

Nghe kể về quá khứ của anh, chị Hợi thương hơn, càng dốc lòng chăm lo cho anh. Chị Hợi nhớ lại, sau vài ba tháng, dường như đã quen dần với sự gần gũi, chăm sóc của chị, anh đột nhiên thành con người khác. Chị không thể quên cái lần anh đã cho chị những phút giây làm vợ. Khi ấy, anh đã vồ vập ôm hôn chị, đem lại cho chị cảm giác hạnh phúc của một người phụ nữ có chồng.

Tuy nhiên, từ bấy đến nay, chỉ một lần duy nhất chị được sống cuộc sống vợ chồng theo đúng nghĩa. Dù chị khát khao, chờ đợi nhưng ngày qua ngày, tháng nối tháng, cử chỉ ái ân ấy đã không trở lại. Có lẽ cũng chỉ như lần tỉnh táo duy nhất anh nhớ được tên mình, tên bố mẹ, quê quán, hô to lên cho bác sĩ, rồi anh lại chìm trong u mê.

Khi những khát khao rất người cứ cháy lên trong chị Hợi cũng là lúc chị phát hiện mình có bầu. Niềm hạnh phúc của người sắp được làm mẹ khiến chị có sức mạnh phi thường, vừa chăm chồng với những cơn rối loạn tâm thần, vừa đối diện với những tháng ngày thai nghén. Rồi bé Nga ra đời, giống cha từ nước da đến khuôn mặt và vóc dáng.

leftcenterrightdel

 Thương binh Nguyễn Xuân Ngọc cùng vợ và con gái tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam). 

Từ lúc có con, anh Ngọc dường như tìm lại được tuổi thơ trong những tiếng khóc và tiếng bi bô của con trẻ. Anh dịu tính hơn, bớt dữ dằn đi. Những cơn rối loạn cũng thưa dần. Trước, chị Hợi gọi, anh chẳng thưa; nói, anh không nghe, thì giờ, chị nói gì, anh đều hiểu và làm theo răm rắp. Chị dạy con tập nói, anh cũng bập bẹ theo. Nghĩa vợ chồng, tình phụ tử đã làm nên điều kỳ diệu với một thương binh tâm thần. Anh không lang thang ở ngoài nhiều như trước. Nhiều lúc nhìn anh quanh quẩn bên con, chị vui đến ngập lòng.

Giờ đây, trong hành trình của cô thôn nữ với người thương binh đã có cả con gái. Cô con gái nay đã 18 tuổi, tuy không được nhanh nhẹn nhưng với chị Hợi, đó cũng là niềm an ủi. Đó là kết quả ghi dấu cái giây phút hạnh phúc anh dành cho chị chỉ một lần trong suốt đằng đẵng 20 năm làm vợ. Và điều quý giá hơn, cùng với chị, sự xuất hiện của bé Nga đã giúp anh hồi phục, để có một anh Nguyễn Xuân Ngọc như hôm nay, rối loạn giảm dần, tỉnh táo nhiều hơn, bớt dữ dằn, đập phá.

Kể lại chuyện mái ấm mà chị Hợi đã xây cho anh Ngọc, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng khẳng định, với những thương binh tâm thần, nhất là những người bị rối loạn tình dục, bên cạnh sự chăm sóc của y tế, vết thương có thể được chữa lành một phần bằng tình yêu thương từ mái ấm gia đình.  

Chứng kiến sự hồi phục kỳ diệu của những thương binh tâm thần nặng như anh Ngọc, ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng, một số nữ điều dưỡng viên đã lấy bệnh nhân thương binh làm chồng. Một số trường hợp, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã tìm người phù hợp để mai mối. Tình thương, sự săn sóc và vun xới của người vợ đã xoa dịu được nỗi đau và cả sự khát thèm mang tính bản năng của người bệnh. Mái ấm của nhiều cặp đôi như bác Lễ-bác Thanh; bác Hội-bác Vân; bác Dũng-bác Minh; bác Hải-bác Quỳnh... chính là bước ngoặt trong những cuộc đời với bao vất vả, mất mát; là lối rẽ được tạo ra từ những người phụ nữ biết hy sinh và dám hy sinh. Những người phụ nữ ấy đã đến với những thương binh, lúc đầu chỉ bằng tình thương giữa con người với con người. Và rồi, tình thương ấy cứ lớn dần lên, thành nghĩa vợ chồng, thành tình tri kỷ, đã thương là thương đến tận cùng, đã gắn bó là không buông tay. Họ đã làm được những việc mà y học, những viên thuốc hay những cách điều trị thông thường không làm được.

Và hôm nay đây, chứng kiến niềm vui giản dị của chị Nguyễn Thị Hợi, nhìn cô con gái 18 tuổi cao lớn đang cùng mẹ chăm sóc bố, nghe lại câu chuyện của người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi, chúng tôi hiểu rằng, hạnh phúc của con người không phải dễ gì có được. Với chị Hợi và những người vợ của những thương binh tâm thần, nó được vun đắp bằng sự hy sinh và việc chấp nhận những thiệt thòi, kể cả đó là quãng thời gian đằng đẵng 20 năm bên chồng mà chỉ duy nhất một lần làm vợ theo đúng nghĩa.

Bài và ảnh: HẠNH PHƯƠNG