Bạo lực học đường ám ảnh dư luận

Khoản 5, Điều 2 Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường” giải thích, BLHĐ là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

Theo các chuyên gia, BLHĐ là sự ngược đãi có chủ ý của chủ thể hoặc nhóm chủ thể với người khác, nhóm khác về tâm lý hoặc thể xác ở các mức độ khác nhau. Hiện nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, phạm vi, tính chất, mức độ và tác hại của BLHĐ ngày càng rộng và nguy hiểm hơn. Các vụ BLHĐ được đưa lên mạng xã hội (MXH) gần đây cho thấy có tính tổ chức, số lượng người tham gia đông, trong đó có cả việc sử dụng hung khí... Thậm chí đã xuất hiện bạo lực ngược, tức là học sinh đánh, chửi thầy, cô giáo. Hiện tượng nữ sinh đánh nhau trong trường học ở các mức độ khác nhau không còn là chuyện hiếm.

leftcenterrightdel

Minh họa bạo lực học đường: LÊ ANH 

Nhìn vào thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ vài năm trước về BLHĐ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Theo đó, trung bình một năm học, trên toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ BLHĐ, tương đương với 5 vụ mỗi ngày. Phân tích của các chuyên gia cho thấy, trong khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; và cứ 11.000 học sinh thì có một em phải thôi học vì đánh nhau.

Gần đây nhất là vụ việc nữ sinh ở Trường THCS Tân Hồng (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đánh nhau trong nhà vệ sinh rồi quay clip đưa lên MXH ngày 27-4-2023. Đại diện Ban giám hiệu trường này giải thích trước công luận, nguyên nhân là trước đó, hai nữ sinh này từng có mâu thuẫn, lời qua tiếng lại trên MXH và dẫn đến sự việc. Trước đó, ở Nghệ An, việc một nữ sinh tự tử và có nghi vấn từ BLHĐ được dư luận xã hội rất quan tâm. Vào năm 2022, dư luận từng ghi nhận nhiều vụ BLHĐ diễn ra ngoài nhà trường, trong đó có cả những vụ việc đánh hội đồng dẫn đến tử vong.

BLHĐ hiện nay tập trung chủ yếu ở các cấp học từ THPT trở xuống và ngày càng nghiêm trọng. Do đặc trưng tâm sinh lý ở độ tuổi đang phát triển và việc sử dụng MXH thiếu kiểm soát nên một số học sinh dễ bị kích động, không làm chủ được hành vi, vì thế gây ra những vụ BLHĐ. Nhìn lại những vụ BLHĐ liên tiếp xảy ra gần đây có thể thấy mức độ các vụ việc ngày càng nghiêm trọng, để lại hệ lụy xấu, gây ám ảnh dư luận xã hội. Phần lớn vụ việc học sinh xô xát, đánh nhau xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên MXH hay từ sự kích động của bạn bè... Hậu quả của BLHĐ không chỉ để lại nỗi đau thể xác mà còn gây ra những tổn thương tinh thần, học hành sa sút, khủng hoảng quan hệ xã hội.

Giải pháp đồng bộ ngăn ngừa bạo lực học đường

Sản phẩm của nhà trường là những con người được giáo dục trở thành công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội nên không chấp nhận tình trạng BLHĐ xảy ra với bất kỳ hình thức nào. Để có được sản phẩm tốt như mong muốn thì rất cần sự phối hợp quản lý, giáo dục chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, muốn ngăn ngừa BLHĐ thì cần những giải pháp căn cốt trong xây dựng văn hóa học đường. Bởi nội dung cơ bản của văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện, bảo đảm chất lượng giáo dục thực chất. Trong xây dựng văn hóa học đường, vấn đề tiên quyết là phải xây dựng được văn hóa ứng xử, chống phân biệt đối xử ở các nhà trường, cơ sở giáo dục.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, ngành giáo dục và toàn xã hội cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức xây dựng văn hóa ứng xử cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh. Trong đó, giải pháp tối ưu là xây dựng, phát huy tính gương mẫu của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường về xây dựng văn hóa ứng xử.

Quá trình dạy học, ngoài truyền thụ kiến thức, giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm cần nắm chắc mối quan hệ và thái độ ứng xử của học sinh, phân loại học sinh cá biệt để có biện pháp giáo dục riêng, phù hợp, kịp thời ngăn ngừa những mâu thuẫn phát sinh giữa các em. Các nhà trường nên tổ chức những cuộc thi, tọa đàm, diễn đàn, hội thảo về văn hóa ứng xử; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, MXH trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục về văn hóa ứng xử; chú trọng xây dựng điển hình về văn hóa ứng xử. Nhà trường cũng cần quan tâm tới việc nghiên cứu, ban hành bộ quy tắc ứng xử, quy định cụ thể về văn hóa ứng xử. Bộ quy tắc ứng xử cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với lứa tuổi, các cấp học, văn hóa đặc trưng của vùng, miền.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần đổi mới phương pháp dạy học các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị, Ngữ văn, Lịch sử... theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Trong đó cần coi trọng phương pháp trải nghiệm, những hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học thông qua công tác tư vấn tâm lý học sinh. Cùng với đó cần khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia tuyên truyền về văn hóa ứng xử; phê phán những hành vi chưa đẹp; nâng cao chất lượng thưởng thức thẩm mỹ, nghệ thuật cho học sinh, sinh viên. Tạo cơ chế để học sinh, sinh viên phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, rèn luyện và tham gia giám sát các hoạt động của nhà trường, qua đó thúc đẩy nét đẹp văn hóa ứng xử; ngăn chặn hành vi vi phạm quy tắc ứng xử văn hóa. Tăng cường giáo dục, định hướng để học sinh, sinh viên sử dụng MXH đúng quy định, phục vụ việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, khởi nghiệp, giải trí lành mạnh và thể hiện nét ứng xử văn hóa trên không gian mạng.

Đối với các bậc phụ huynh, cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường nắm bắt chất lượng học tập, rèn luyện của con em để ngăn ngừa, xử lý những tình huống nảy sinh. Mặt khác, phụ huynh cần phải đặc biệt mẫu mực trong việc ứng xử tại gia đình cũng như trong cộng đồng để làm gương cho các con noi theo; tôn trọng, khuyến khích, tạo điều kiện để các con tham gia đầy đủ, hiệu quả vào những hoạt động giáo dục của nhà trường. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà trường trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, giao lưu, sinh hoạt ngoại khóa theo quy định. Hằng năm, chính quyền các địa phương cần đánh giá, tổng kết việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích và xử lý đối với những đơn vị để xảy ra các vấn đề về BLHĐ, ứng xử thiếu văn hóa.

Tháng 6-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg “Về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường”, trong đó nhận định: Công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn. Hy vọng những tồn tại ấy nhanh chóng được gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức đoàn thể phối hợp giải quyết chặt chẽ để kịp thời khắc phục, qua đó xây dựng môi trường giáo dục-đào tạo lành mạnh, nhân văn.

ĐỨC TÂM