Hiện tượng lai tạp, lệch chuẩn trong sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể khái quát thành một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, do quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Khi chúng ta tiến hành cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế-xã hội, tất yếu chúng ta phải mở rộng các quan hệ đa phương ra quốc tế. Tình hình đó đã thúc đẩy cuộc giao lưu văn hóa và tiếp xúc ngôn ngữ ngày càng mạnh. Trong quá trình tiếp xúc, hiện tượng giao thoa ngôn ngữ luôn xảy ra như một hệ quả tất yếu. Trong đó có những hiện tượng giao thoa không làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng cũng có không ít trường hợp người sử dụng tiếng Việt ngoài tiếp thu các yếu tố tích cực của văn hóa, ngôn ngữ nước ngoài còn bộc lộ ra cách dùng từ ngữ một cách tùy tiện, cẩu thả, khiến tiếng Việt bị lai tạp và dần dần đi chệch khỏi chuẩn mực cần có. Ví dụ: "Hôm nay tôi nâu pho gâu" hoặc "Hôm nay ai nâu pho gâu" (Hôm nay tôi không đi).

Đây là một cách nói khá phổ biến trong giới trẻ. Nó là sự lai tạp giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Với người biết tiếng Anh, việc hiểu nghĩa các phát ngôn này không khó, nhưng với người không biết tiếng Anh thì đó là các phát ngôn không có nghĩa gì cả.

Tình hình còn phức tạp hơn nhiều khi chúng ta quan sát cách sử dụng ngôn ngữ trên mạng internet ở “diễn đàn tuổi teen”. Tại diễn đàn này, ta có thể bắt gặp rất nhiều trường hợp làm chúng ta sửng sốt về sự lai tạp trong sử dụng giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Ví dụ: “Nhờ có thầy mà tớ send mail nhoay nhoáy” (“Thầy trò trái dấu”, Báo Hoa học trò số 439, tr.15); “Sis voi bro xứng đôi quá” (chị với anh xứng đôi quá)... Để hiểu câu này, ngoài việc biết tiếng Anh, người đọc còn phải biết cách các bạn trẻ viết tắt tiếng nước ngoài. Cụ thể ở đây, "sis" là viết tắt của từ sister (chị, em gái), "bro" là viết tắt của từ brother (anh, em trai).

Thứ hai, tác động của cách sử dụng ngôn ngữ trên báo chí, truyền thông. Báo chí là phương tiện giao tiếp vô cùng quan trọng trong đời sống hằng ngày, đặc biệt trong thời kỳ xã hội phát triển. Quá trình hội nhập làm cho bạn đọc Việt Nam không chỉ quan tâm đến tình hình thời sự trong nước mà còn quan tâm đến nhiều vấn đề đang diễn ra trên thế giới. Để có thể truyền đạt thông tin một cách chính xác, báo chí cần đạt tới sự chuẩn mực. Trong đó, chuẩn mực về sử dụng ngôn ngữ là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu đọc báo hằng ngày (cả báo in vào báo mạng điện tử), ta sẽ gặp vô số lỗi về câu từ mà ở đó, tính trong sáng của tiếng Việt bị vi phạm. Ví dụ: “Roman Jakobson (1986-1982) là nhà Thi pháp học lừng danh người Mỹ, gốc Nga” (“Roman Jakobson định nghĩa “Thế nào là thơ”, Báo Văn nghệ, số 23, ngày 4-6-2022, tr.18). Ở đây, năm sinh của nhà thi pháp học bị viết sai, chứng tỏ sự cẩu thả trong công tác biên tập (đúng phải là năm 1896). Chính sự cẩu thả từ khâu viết cũng như biên tập câu chữ ở các tác phẩm báo chí nói chung là một trong những nguyên nhân quan trọng làm lệch chuẩn tiếng Việt.

Trên báo mạng điện tử, các lỗi sử dụng tiếng Việt có thể nói là nhiều vô kể. Xin dẫn một ví dụ điển hình: “Nghệ An: Cảnh sát đột kích sới bạc tại huyện Anh Sơn bị bắt 3 giáo viên và 3 người, thu 200 triệu đồng, một khẩu súng và hàng chục viên đạn” (VnExpress, ngày 27-9-2022). Câu này sai do người viết không phân biệt được câu chủ động và câu bị động...

Thứ ba, do tính chuộng lạ của giới trẻ. Tuổi trẻ thường thích cái mới, cái lạ. Do vậy, khi giao tiếp với bạn bè có một tâm lý chung là, người nói thường thích tạo ra những cách nói riêng gây ấn tượng với người đối thoại. Chính vì muốn gây ấn tượng mà người nói nhiều khi phá vỡ các chuẩn mực, làm cho cách diễn đạt bị lai tạp một cách bừa bãi. Chẳng hạn, các bạn trẻ đã dùng chữ “iu’ thay cho “yêu”, dùng các chữ viết tắt và thay đổi các ký tự một cách tùy tiện khiến bức tranh về tiếng Việt bị vẩn đục. Ví dụ: “9 x... h’ khó hji~ jk... khj web nhau lun nój: “zk iu ck nhìu lém... mà ko bjk có iu thựj ko mừk nój (diễn đàn pro 9X)”. Có thể nói, đây là cách sử dụng tiếng Việt một cách lai tạp bừa bãi dẫn đến méo mó tiếng Việt.

leftcenterrightdel

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Ảnh: TRỌNG HẢI

Thứ tư, giáo dục ngôn ngữ ở nhà trường phổ thông. Có thể nói, việc giáo dục ngôn ngữ nói chung và dạy tiếng Việt nói riêng ở nhà trường, bên cạnh những thành tựu tích cực vẫn còn một số bất cập, trong đó có việc lựa chọn ngữ liệu đưa vào sách; việc dạy tiếng Việt trong sách giáo khoa mới còn nặng về lý thuyết cho nên học sinh kém hào hứng với môn học; một số giáo viên chưa gương mẫu trong việc rèn luyện sử dụng tiếng Việt... Do đó, người học bị ảnh hưởng về tư duy ngôn ngữ.

Những nguyên nhân vừa nêu có cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, muốn khắc phục hiện trạng này, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp cụ thể.

Trong quá trình biên soạn lại hệ thống sách giáo khoa môn Ngữ văn và Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12, cần đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn kỹ các ngữ liệu tiếng Việt để đưa vào sách nhằm giúp rèn luyện kỹ năng nói và viết tiếng Việt bằng những bài học thiết thực, bổ ích. Ngoài các bài học trên lớp, ở mỗi cấp cần có những giờ học ngoại khóa thích hợp nhằm giúp giáo viên và học sinh tăng cường kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.

Cần tăng cường vai trò trách nhiệm của các phóng viên, biên tập viên cũng như ban biên tập các cơ quan báo chí trong các khâu viết, biên tập và duyệt tin, bài để tránh các lỗi về tiếng Việt. Nêu cao vai trò gương mẫu của mỗi tờ báo, tạp chí; nêu cao vai trò gương mẫu của phóng viên về việc thực hiện chuẩn ngôn ngữ nói chung và chuẩn tiếng Việt nói riêng. Mỗi tờ báo, tạp chí nên có một chuyên mục dành riêng về nói và viết tiếng Việt. Trong đó có những câu chuyện ngắn sinh động, có ý kiến bình luận về cái hay, cái đẹp của tiếng Việt trong thực tế và những hiện tượng lệch chuẩn để mọi người cùng học tập, rút kinh nghiệm.

Phát động phong trào rộng lớn trên báo chí, truyền thông với các cuộc thi về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt với nhiều hình thức và chủ đề khác nhau nhằm lôi cuốn độc giả cũng như học sinh tham gia. Kết hợp giữa báo chí và nhà trường, xây dựng các phong trào rèn luyện sử dụng tiếng Việt trong sáng, chuẩn mực cho học sinh các cấp phổ thông và đại học. Có thể mở các chương trình bồi dưỡng nâng cao về tiếng Việt cho phóng viên, biên tập viên đang làm việc tại các báo và tạp chí nhằm giúp đội ngũ phóng viên, biên tập viên củng cố, phát huy năng lực về sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo, có ý thức. Cần phối hợp giữa các cơ quan báo chí, xuất bản với các viện nghiên cứu xây dựng những đề tài nghiên cứu về “chuẩn” tiếng Việt trên báo chí, xuất bản để kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại về lỗi ngôn ngữ; xây dựng các bộ sách cẩm nang về sử dụng tiếng Việt cho phóng viên, biên tập viên.

Ngoài ra, mỗi người dân Việt Nam cũng cần có ý thức trách nhiệm trong việc rèn luyện cách nói, viết hằng ngày, trong mọi hoàn cảnh để góp phần bảo vệ ngôn ngữ quốc gia.

PGS, TS NGUYỄN HỮU ĐẠT