Theo chân đoàn y sĩ, bác sĩ, y tá Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến phường Phúc Lợi khám, cấp thuốc miễn phí, tôi thấy ông Kiều Văn Đức, Tổ trưởng tổ dân phố số 6 nắm chặt tay Đại tá Chu Trọng Như, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Chuyện qua chuyện lại, tức cảnh sinh tình, ông Đức ngâm nga câu thơ tặng anh Như và đồng đội như thể với người thân lâu ngày gặp lại: “Quân y tài trí, nâng cao đức vì dân/ Thầy thuốc tâm hiền, lan tỏa phúc bệnh nhân”.

Bác sĩ Như cũng bồi hồi cảm động, khuôn mặt anh rạng ngời, cảm kích trước tấm chân tình của ông Đức. Trên xe, khi di chuyển đi khám cho bác thương binh nặng tại nhà ở tổ 9, ngồi gần tôi, anh cứ xuýt xoa: "Mới mà vẫn thấy xưa. Thật ấm áp!".

Tò mò với lời độc thoại lạ lẫm ấy, lân la tìm hiểu thì được biết câu chuyện thú vị. Anh Như sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Ngày bé, trong thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh đã chứng kiến tình cảm gắn bó của nhân dân các làng: Vo Thượng, Vo Trung, Vo Đông với cán bộ, chiến sĩ Đội điều trị 12 (Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần). Anh kể, sau những lần bom Mỹ đánh phá Hà Nội và vùng phụ cận, người dân Phúc Lợi lại gọi nhau nhanh chóng đi giúp y sĩ, bác sĩ, y tá cấp cứu nạn nhân bị bom giặc. Khi thì vận chuyển người bị thương từ bên kia sông Đuống sang, lúc lại đưa người bị thương từ mạn cầu Đuống về, rồi cả từ phía giáp sân bay Gia Lâm tới. Không chỉ giúp các y sĩ, bác sĩ chỗ ăn ở và thiết lập cơ sở khám, chữa bệnh mà trong những tình huống ngặt nghèo, nhiều người dân đã xung phong hiến máu để cứu thương binh, cứu những người dân bị thương nặng. Người dân Phúc Lợi hiền hòa đã trở thành “ngân hàng máu sống” một cách tự nhiên lúc nào chẳng hay.

leftcenterrightdel

Y tá, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát thuốc cho người dân phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP Hà Nội. 

Ngày nay, dù đã trở thành phường và lên phố 20 năm, dấu tích làng quê thuần nông không còn nhiều mà thay vào đó là hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ, nhưng truyền thống và tình người của dân Phúc Lợi xưa vẫn khá đậm nét. Đồng chí Chu Thị Huế, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi kể rằng, theo các cụ cao tuổi và trong thần tích còn lưu giữ, các thôn Nông Vụ Thượng, Nông Vụ Đông, Nông Vụ Trung nằm chủ yếu trên đất phường Phúc Lợi hiện nay trước kia vốn là một trang trại Nông Vụ. Do giao thông thuận tiện lại được phù sa màu mỡ của dòng sông Thiên Đức (sông Đuống) bồi đắp nên kinh tế phát triển, cư dân ngày càng đông đúc. Mấy năm lại đây, tốc độ di dân cơ học rất cao và Phúc Lợi trở thành “đất lành” của nhiều gia đình ở các địa phương khác đến cư trú.

Một điểm rất thú vị là qua các lần khảo sát và nắm bắt từ cơ sở, chị Huế và đội ngũ cán bộ, công chức của phường đều rất phấn khởi vì đa phần những người chọn Phúc Lợi làm quê hương thứ hai thường ấm lòng trước tình đất, tình người và hòa nhập nhanh với văn hóa, nếp sinh hoạt của địa phương. Cũng theo chị Huế, một trong những thành công nổi bật của Phúc Lợi những năm qua là công tác an sinh xã hội. Các hộ gia đình ở Phúc Lợi chẳng kể là người địa phương hay ở nơi khác tới đều nhiệt thành đóng góp công sức và kinh phí giúp đỡ các gia đình khó khăn, xây dựng khu phố văn minh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Phúc Lợi đã huy động được hơn 700 triệu đồng để thực hiện mục tiêu chăm sóc thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học và thân nhân liệt sĩ cũng như những hộ gia đình khó khăn...

Đến Phúc Lợi hôm nay, khi đi vào các khu dân cư, chúng ta dễ dàng bắt gặp những phố bích họa ẩn dưới những hàng cây xanh rất dài, tô vẽ nhiều hoạt động khác nhau. Trên những tuyến đường chính của phường, nhất là các khu dân cư, ở chợ hoặc các khu buôn bán, vào giờ cao điểm, chúng tôi ít khi thấy có hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Có lẽ, tình đất, tình người nơi đây dường như trở thành động lực mạnh mẽ để kích hoạt ý thức xây dựng văn minh đô thị. Có lẽ, không chỉ tôi mà rất nhiều người cũng có mong muốn được đến đây để hưởng cái tình đất, tình người bên dòng Thiên Đức này.

Bài và ảnh: THẢO TRANG