Đến phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội vào thời gian gần Tết Trung thu, bạn sẽ thấy vô vàn những khuôn bánh bằng gỗ được treo trên tường, trên các cánh cửa hoặc bày trên bàn để khách lựa chọn. Bởi ở đây có những người thợ cần mẫn hằng ngày gìn giữ nghề làm khuôn bánh Trung thu bằng gỗ theo lối thủ công xưa, rất độc đáo và tinh xảo. Có những gia đình đã duy trì nghề làm khuôn bánh gỗ truyền thống qua nhiều đời.

Nhiều lần trò chuyện với ông Phạm Văn Quang, một thợ làm khuôn bánh lâu năm tại cửa hàng 59 phố Hàng Quạt, tôi được biết nghề làm khuôn bánh bằng gỗ có gốc gác từ làng Thượng Cung (thời cổ có tên nôm là Kẻ Hống) thuộc địa phận xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, nay thuộc TP Hà Nội. Theo ông Quang: "Cái khó nhất của nghề này là phải thực sự hiểu được nhu cầu của khách để làm ra những chiếc khuôn bánh mà người làm bánh nhìn thấy ưng ngay và người mua bánh cũng thích”.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Những khuôn bánh Trung thu được làm từ bàn tay khéo léo của người thợ mộc đất Hà thành. 

Muốn có những chiếc bánh Trung thu đẹp và hấp dẫn cần có những chiếc khuôn bánh đẹp. Là người nhanh nhạy với thị trường nên các mẫu khuôn bánh của ông Quang rất đa dạng. Bên cạnh các mẫu truyền thống như: Cá chép, rồng, hoa hồng... ông còn chế tác cả các khuôn bánh hình nhân vật trong phim mà trẻ em yêu thích như: Trư Bát Giới, Doraemon...

Gia đình ông Trần Văn Bản là một trong số ít gia đình ở làng mộc Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín có nghề làm khuôn bánh Trung thu hơn 40 năm nay. Theo ông chia sẻ thì để làm ra một khuôn bánh Trung thu hoàn chỉnh, người thợ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và làm nhiều công đoạn như: Xẻ gỗ thành khuôn, xử lý độ ẩm, cắt phôi, bào nhẵn, kẻ mực, đục tạo hoa văn... Trước đây, khuôn bánh Trung thu thường được làm bằng gỗ thị, nhưng giờ gỗ này rất hiếm nên gia đình chuyển sang dùng gỗ xà cừ, loại gỗ này vừa dẻo, sánh, lại bền, ít cong vênh.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Văn Bản tỉ mỉ đục các khuôn bánh bằng gỗ. 

Xưa kia các cụ phải đẽo thành khuôn hoàn toàn thủ công, chỉ riêng việc làm phẳng phần bên trong của khuôn bánh cũng mất cả ngày, có khi còn bị hỏng. Nhưng hiện nay, nhờ sự giúp đỡ của máy móc nên chỉ cần từ 1 đến 3 tiếng đồng hồ là có thể hoàn thành một khuôn bánh tùy vào độ phức tạp của mẫu. Tuy nhiên, công đoạn cầu kỳ, quan trọng nhất là đục tạo hoa văn, đường nét trang trí cho khuôn thì vẫn phải làm hoàn toàn thủ công. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ để làm sao cho hoa văn sắc sảo, khuôn dóc không bị bám bột bánh, bánh làm ra mới đẹp mắt. Khuôn bánh dẻo phải được làm sắc nét, khô nét thì lên bánh mới đẹp. Còn khuôn bánh nướng cầu kỳ hơn, đường nét phải dày, đều và mềm mại.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của thị trường thì các xưởng sản xuất bánh thường dùng khuôn nhựa nên người làm khuôn bánh gỗ ngày càng ít dần. Thế nhưng gần đây, xu hướng người tiêu dùng quay lại với những giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy mà nghề làm khuôn bánh dẻo, bánh nướng bằng gỗ vẫn tồn tại như một cách lưu giữ những nét đẹp tài hoa, độc đáo của nghề thủ công truyền thống ở Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Bài và ảnh: LÊ BÍCH