Khác với bài thơ "Núi Đôi", đã được phổ biến, đưa vào sách giáo khoa Văn phổ thông, thì bài thơ "Ngang dốc núi" có lẽ được ít người biết đến hơn. Tuy nhiên, giống như chén rượu sóng sánh màu hoa tím, bài thơ này sẽ khiến ai từng một lần nhấp vào một chút thì sẽ chếnh choáng say.

Vẫn là phong cách rất riêng của Vũ Cao, thơ bắt đầu từ những ngôn từ mộc mạc, "Ngang dốc núi" mở đầu giản dị như lời kể chuyện đời thường:

Tôi đi bữa ấy

Đã nửa ngày đường

Chiều hôm mới thấy

Nhà dân ven nương.


Cũng bằng cách ấy, nhà thơ đã kể cho độc giả về một câu chuyện vừa tình cờ, ngẫu nhiên, vừa ấn tượng:

Tôi chào cô gái

Cô rót liền tay

Trao tôi sóng sánh

Một bát rượu đầy.

Cô cười rất tươi:

- Uống đi bộ đội

Uống mừng mùa xuân

Đường xa đỡ mỏi.

Tôi nhìn bát rượu

Tím màu hoa cà

Lại nhìn cô gái

Rạng ngời như hoa.

Uống vừa một ngụm

Tôi chào xin đi

Quên không kịp hỏi

Tên cô là gì.

Đến ngang dốc núi

Mới biết mình say

Người ơi hoa tím

Đầy rừng hoa bay.

Đó là câu chuyện về một lần hành quân của anh Bộ đội Cụ Hồ, đi đến nửa ngày đường, mới tìm được nhà dân để tạm nghỉ chân. Chủ nhà là cô gái trẻ, tươi vui, hiếu khách. Ngay sau màn chào hỏi, chủ vui vẻ mời khách bát rượu đầy để mừng xuân và đỡ đường xa mỏi chân. Khách nể tình uống một ngụm, rồi vội vã chào xin đi, không kịp cả hỏi han danh tính. Nhưng đến ngang dốc núi, khách biết mình say... Một câu chuyện nghe qua có vẻ tình cờ, vu vơ, kết cấu đơn giản. Lời kể chuyện, tình tiết cũng không cầu kỳ, làm dáng. Trước hết, là câu chuyện hành quân, đó có lẽ cũng như bao lần hành quân khác của các anh bộ đội. Cảnh vật được mô tả không có gì đặc sắc, vẫn là cảnh vắng vẻ, dân cư thưa thớt, đi đến nửa ngày đường mới thấy lác đác nhà dân ven nương... là cảnh sắc chân thực ở nhiều tỉnh vùng cao nước ta. Rồi chuyện cô gái chủ nhà, ngay sau màn chào hỏi, đã “liền tay” rót rượu, không phải một chén, hay từng chén mà là “một bát rượu đầy”, thì cũng vẫn là chuyện bình thường, bởi đây là mỹ tục của người vùng cao vốn chân tình, mộc mạc, hiếu khách.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Nói là kể chuyện, nhưng thực sự người kể rất kiệm lời, người đọc vừa đọc vừa tưởng tượng và cứ thế, mọi thứ được diễn ra, qua lời kể tự nhiên, không hề cầu kỳ, nhưng sao cứ dẫn dắt độc giả vào một thế giới vừa quen thuộc vừa mơ hồ-thế giới của cõi tình, cõi thơ và cõi mộng. Bởi trong cách kể của nhà thơ, dường như luôn ngầm hé lộ một chút gì đó thật lý thú, mà người đọc phải đọc thật chậm, lắng thật sâu mới có thể nhận ra. Và cái duyên của bài thơ cũng nằm ở đó.


Bắt đầu là sự xuất hiện của chủ nhân ngôi nhà. Trong cảnh đìu hiu, thưa vắng bóng người ở nơi sơn cước, trong hoàn cảnh hành quân xa mệt mỏi của người chiến sĩ, sự xuất hiện, mà là xuất hiện đồng thời, của cô gái và rượu, đã làm thay đổi màu sắc không gian, bừng sáng bức tranh thơ, làm ấm lòng người lữ khách. Với hồn thơ, đó là “tác nhân” đặc biệt, là sự gợi hứng, gợi tứ không hề bình thường-điều này sẽ được thú nhận ở khổ cuối bài thơ.

Tôi vẫn muốn nói thêm về bát rượu màu hoa tím và nụ cười như hoa của cô gái. Tất nhiên vẫn là tả thực, là hình ảnh thực của màu rượu nếp cẩm quen thuộc ở vùng cao phía Bắc. Còn hình ảnh người con gái rạng ngời như hoa cũng không có gì lạ: Làn da trắng, đôi mắt trong, má ửng hồng rạng rỡ như bông hoa rừng vẫn luôn là biểu mẫu cho vẻ đẹp của nàng sơn nữ. Nhưng sự xuất hiện hình ảnh tả thực và cụ thể của rượu và cô gái đến đây sao mà có gì đó quá xao xuyến, quá nên thơ. Phải chăng cuộc đời đã hóa ra thơ, hay thi nhân đã thơ hóa cuộc đời? Màu rượu trầm của nếp cẩm đã tươi hơn thành sắc tím hoa cà mộng mơ. Còn người con gái thì tươi như màu hoa tím ấy, đã là một thứ hấp lực âm thầm, dịu nhẹ nhưng không kém phần nồng nàn, càng lâu càng thấm, càng say.

Sẽ không thấy hết cái duyên, cái thú vị, cái hấp dẫn đặc biệt của bài thơ nếu không nói về khổ kết. Bài thơ có 6 khổ, về hình thức, được tác giả kết cấu làm hai phần, phân biệt bằng 3 dấu sao, không cân xứng về số lượng. Phần 1 gồm 5 khổ, là câu chuyện được kể và tả thực. Phần 2 chỉ một khổ duy nhất, nghe qua cũng tưởng là tự sự, nhưng thực ra là trữ tình, bởi những gì được kể và tả không còn là thực nữa mà là hư cấu, là tưởng tượng, là ảo giác... và vì thế nó có khả năng mở ra biên độ vô cùng về không gian, thời gian, đặc biệt là thế giới huyền diệu của hồn thơ, tình người, có lẽ thế, nó đủ sức lập lại thế cân bằng với 5 khổ trước, một thế cân bằng rất thơ:

Đến ngang dốc núi

Mới biết mình say

Người ơi hoa tím

Đầy rừng hoa bay.


Khổ thơ là một cái kết bất ngờ. Có phải người lính này tửu lượng kém, nhấp có một ngụm mà đã say? Nhưng cái hay ở đây là không say vì rượu. Say vì màu hoa tím trong rượu, trong mắt của người mời. Để rồi trong cái chếnh choáng rộn ràng ấy, nhà thơ đã đưa người đọc lạc vào cõi mộng: “Đầy rừng hoa bay”.

Cuộc gặp gỡ quá tình cờ, ngẫu nhiên, cảm xúc đến cũng quá là bất chợt, như dải mây trắng vắt ngang qua đỉnh đèo nhưng vương vấn khôn nguôi. Có lẽ thế mà bài thơ được đặt tên là “Ngang dốc núi” chứ không phải là “trên dốc núi” hay “qua dốc núi”, cũng không phải là “ven nương”... Còn người gặp gỡ thoáng qua, chưa đủ gần để thân, chưa đủ quen để nhớ, có lẽ thế, bài thơ có nhiều dị bản, có bản thay đại từ “cô” bằng “em”, nhưng chỉ có xưng “cô” mới là hợp cảnh, hợp tình hơn cả.

Bài thơ nhỏ mà vẽ ra cả bức tranh về con người, cảnh vật, văn hóa của vùng cao. Tác phẩm là sự hòa quyện tuyệt vời giữa thực và ảo, giữa truyện và thơ, tự sự và trữ tình... Tình người, hồn thơ, tất cả hòa trong xúc cảm chớm nở mà mê say, đắm đuối mà trong trẻo như mùa xuân của đất trời. Đặc biệt, “Ngang dốc núi” là sự gắn bó tuyệt đẹp của hình tượng người lính Cụ Hồ: Chiến sĩ-thi sĩ. Anh bộ đội không chỉ là người anh hùng chỉ biết súng gươm ra trận mà còn là thi nhân với hồn thơ nhạy cảm, mộng mơ, yêu tha thiết cái đẹp của con người và cuộc đời. Sự giao hòa kỳ diệu hai con người trong một đó đã sinh ra sức mạnh tinh thần vô giá để người lính vững bước trên mọi nẻo đường hành quân, để chiến đấu và chiến thắng.

DIỆP TÂM NGA