Câu hò đã không quá xa lạ với dân tôi, thế mà mỗi khi tôi nghe ai đó cất cao giọng hò, thì y rằng say sưa quên mất cả thời gian.
Tôi nhớ lại ngày còn bé, theo chân mẹ ra đồng cắt cỏ, cái nắng ban trưa như đổ lửa, mồ hôi làm cay cả mắt. Cái nhọc nhằn, cơ cực hằn sâu trong da dẻ. Từ đâu, một câu hò vang lên rất ngọt, làm tôi nhớ mãi đến hôm nay:
“Hò ơ ơ ơ...
Chiều nay ra đứng dựa đình
đình bao nhiêu ngói...hò...ơ ...
đình bao nhiêu ngói nhớ mình bấy nhiêu...”
Vừa nghe, tôi vừa ngẩng đầu lên tìm người hát, xung quanh tôi ban nãy ai cũng cặm cụi lấm lem mà giờ đều nhìn về một hướng, miệng tấm tắc khen hay. Hóa ra đó là bà Chín. Bà Chín làm nghề nông, có chất giọng trời cho rất ngọt. Câu hò bâng quơ của bà vừa rồi như một cơn gió thổi mát mẻ tận trong tâm hồn, hay dường như ông trời cũng khen cho câu hò ngọt lịm đó mà ban cho làn gió lướt qua thật. Tôi chăm chỉ ra đồng hẳn lên từ độ ấy, mặc cho ngày hè nắng nóng hay trời gió bấc tím môi, điều tôi khát khao là lắng nghe câu hò trong phút ngẫu hứng của những người làm nông nơi đây.
Nào giờ, khi nhắc đến hò, tôi vẫn nghĩ chỉ có người lớn mới làm được, bởi người lớn có hơi dày, giọng tốt, có kinh nghiệm trong luyến láy để ngâm vang. Nhưng mấy đứa nhóc cũng có thể hò nhé. Đôi lúc, tôi ghen tỵ với mấy đứa nhóc mò cua lắm. Chân ngâm trong nước vào mùa gió bấc, tay thì run run mò từng con cua, con ốc. Thế mà nó cũng hò được mới hay, tài thật! Mấy đứa nhỏ đã được thấm nhuần từ chất giản dị, dễ hiểu của câu hò, được nghe ngày này qua ngày khác rồi tập hò theo. Biết bao nỗi nhớ, niềm xúc động được người dân Nam Bộ thông qua câu hò tiếng hát. Sông nước mênh mông và trù phú góp phần đưa câu hò thêm hào sảng hơn, mềm mại hơn như con nước lớn, nước ròng.
Những câu hò đối đáp qua lại cũng đã tạo nên một nét đẹp văn hóa miền Tây độc đáo, bộc lộ trí tuệ sắc bén, am hiểu truyền thống ông cha và thỏa mãn niềm ca hát trong lao động. Dân quê lam lũ học hết lớp 5, cao lắm lớp 9 nhưng tôi thật nể phục sự ứng đối nhanh nhạy của những người hò đối đáp ở trên sông. Có mấy cô, cậu dù nghỉ học từ lớp 3 vậy mà trong đầu là cả kho ca dao, nhờ nghe từ nhiều người hò mà học được. Giọng nữ hò thì trong trẻo như loài chim nào đó nghe cứ mê mẩn, nhẹ nhàng, còn giọng nam thì khỏe khoắn, trầm trầm, tới những phần luyến nghe thật đã lỗ tai. Đó có thể là các anh phu kéo, thợ hồ, có thể là các chị bán hàng rong, tạp hóa... Không cần phải trang phục điệu đà, một sân khấu hoành tráng mà chỉ cần bến sông ngồi giặt áo làm nơi hội ngộ ca hát, ơi hò là đủ.
Nhưng có lẽ vì hò rất điệu nghệ nên cũng kén người hát. Hay đúng hơn là giới trẻ nhiều người lạnh nhạt với hò mất rồi... Hơn chục năm tôi học từ thành phố về, thèm lắm khi nhắc về ngày xưa theo mẹ ra đồng để được nghe hò. Buổi sáng mùa gió bấc thổi rì rào, trời se se lạnh, tôi vẫn chạy ra đồng tìm nghe điệu hò nhưng không còn ai như bà Chín nữa, mấy đứa nhỏ mò cua cũng không thấy. Tôi đợi cả buổi rồi cũng hụt hẫng trở về. Trong cơn gió bấc lành lạnh, tôi như được sống trong từng hồi ức xa xưa, âm vang của câu hò lại vọng về trong tiềm thức:
“Hò ơ ...
Thật lòng lời nói thấm đau
ra đi biệt xứ dâng trào niềm thương
không đâu sánh với quê hương
nghe câu vọng cổ, hò ơ...
nghe câu vọng cổ muốn tìm đường về quê ...”
Tản văn của HUỲNH CHÍ THIỆN