Sự kiện đặc biệt

Theo dấu tư liệu trên, đầu năm 2022, chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Nguyễn Tân Chính, sinh năm 1941, ở xã Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội). Minh mẫn và hào sảng, ông Chính nói: Dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” trên núi ở Sóc Sơn xuất hiện từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), nhân dân xã Lạc Long, huyện Đa Phúc (nay là các xã: Phù Linh, Tiên Dược và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn), dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng đã tạc vào sườn 5 ngọn núi trong cùng dãy núi, kéo dài từ thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược đến thôn Đạc Đức, xã Phù Linh (bên cạnh tượng đài Thánh Gióng) 5 chữ in hoa. Bắt đầu là chữ "Hồ" nằm ở khu Đồng Trại, thôn Dược Thượng (sát với Sư đoàn 371 ngày nay). Tiếp theo là chữ "Chí" ở khu vực Trại Ổi, cạnh hồ Đồng Quan. Chữ "Minh" ở khu SK2 thuộc xã Phù Linh, những năm chống đế quốc Mỹ xâm lược có trận địa pháo 37mm của bộ đội phòng không. Chữ "Muôn" cũng ở khu SK2. Chữ "Năm" nằm kề núi Đá Chồng và tượng đài Thánh Gióng.

Khi hoàn thành, tự công trình ấy thấm vào cảm xúc của nhân dân sở tại. Bà con gọi là dãy núi Chữ Hồ, nói tắt: "Núi Chữ Hồ"! Cái tên đặc biệt giản dị mà thấm đậm tình cảm của người dân Sóc Sơn đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, đến nay vẫn được lưu giữ trong cư dân địa phương.

Bốn người trong ban điều hành, trực tiếp tổ chức thi công dòng chữ này đều ở xã Lạc Long. Ông Tin và ông Du là chi ủy viên chi bộ xã. Ông Lịch, Xã đội trưởng và ông Đoan, du kích (ông Tin về sau đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy Đa Phúc, nay là huyện Sóc Sơn). Các ông truyền lại rằng: "Việc tạc dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” trên vùng núi quê hương xuất phát từ lòng tôn kính Bác Hồ của nhân dân địa phương, cũng như niềm tin vào đường lối “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của Người.

Dưới sự tổ chức của ban điều hành, nam-phụ-lão-ấu ở các thôn, xóm thi nhau thu nhặt đá ở khắp các núi đèo, vườn tược, lòng sông, ngọn suối, đưa lên địa điểm làm chữ. Bà con quét vôi nước vào các sợi dây thừng, mang phơi khô rồi nối với nhau, căng ngang sát vào sườn núi. Cứ 20m dây lại buộc kèm một miếng vải trắng rộng nửa mét vuông. Chọn những người “khéo tay hay mắt” tổ chức thành hai hàng. Một hàng ở trên sườn núi đỡ dây. Hàng kia đứng cách chân núi khoảng 300m. Mỗi người cầm một cờ đuôi nheo ra hiệu để người trên sườn núi chỉnh độ cao của dây thừng. Định vị để bộ phận làm chữ đánh dấu và thi công.

Đầu tiên, làm chữ "Minh" để lấy cữ chuẩn. Sau đó, căn cứ cữ chuẩn ấy làm các chữ còn lại. Chiều cao và chiều rộng của mỗi con chữ là 5m. Nét chữ đậm 1m. Sau một tháng thi công, dòng chữ hoàn thành. Từ Quốc lộ 3 nhìn sang, hàng chữ sừng sững, rõ mồn một trên dãy núi xanh.

leftcenterrightdel

 

Ông Nguyễn Tân Chính (bên phải) kể chuyện về lịch sử núi Sóc, đầu năm 2022.

Quân Pháp cũng trân trọng

Qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là 5 năm sống ở vùng tạm chiếm (1949-1954), nhân dân trong huyện coi khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm” là kim chỉ nam cho mọi hành động, cổ vũ, động viên, củng cố niềm tin hướng về Đảng, Bác Hồ kính yêu. Kỳ lạ thay, khẩu hiệu đó chỉ cách bốt của Pháp bằng một tầm súng bộ binh nhưng không hề bị kẻ địch quấy phá. Nó vẫn tồn tại đến đầu thập niên 1970.

Sáng 4-7-1954, Hội nghị quân sự Trung Giã khai mạc. Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân Đa Phúc tập trung cờ hoa, biểu ngữ, kéo dài suốt mấy cây số từ phố Nỉ theo Quốc lộ 3 vào thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã. Khoảng 8 giờ, chiếc máy bay trực thăng 3 càng của Pháp đáp xuống sân bay dã chiến Lương Châu (thuộc xã Tiên Dược). Viên quan năm, Đại tá Lennuyer cùng phái đoàn quân sự Pháp rời máy bay để đến địa điểm hội nghị.

Tham gia đón phái đoàn của Pháp có Đại đội 472 thuộc Huyện đội Đa Phúc, được bố trí một xe con mui trần chở chỉ huy và một xe quân sự chở tiểu đội vệ binh dẫn đường. Trên đầu các xe đều cắm cờ đỏ sao vàng. Đoàn xe lăn bánh từ sân bay Lương Châu vòng qua chân Núi Đôi... Khi cách huyện lỵ Đa Phúc chừng 200m, toàn bộ chiến sĩ ta đứng trên xe bồng súng đánh mặt về phía bên trái (hướng tây), đưa tay lên vành mũ, cùng nhân dân chào và hô vang khẩu hiệu "Hồ Chí Minh muôn năm" (3 lần), trước sự ngỡ ngàng của phái đoàn quân sự Pháp.

Với lòng ngưỡng mộ, tôn kính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh từng nhiều năm tham gia hoạt động tại Pháp; và như một phản xạ có điều kiện, phái đoàn quân sự Pháp và lính lê dương trên các xe đồng loạt đứng nghiêm, đưa tay lên mũ kính cẩn chào dãy núi hùng vĩ mang dòng chữ thiêng liêng ấy. Khi đoàn xe tiến đến địa phận thôn Phù Mã cách vài trăm mét, họ mới thôi chào.

Đại tá Lennuyer trên đường đến địa điểm Hội nghị quân sự Trung Giã đã thốt lên: "Thật kỳ diệu về sự kính trọng và tin yêu của người Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

leftcenterrightdel

Hình ảnh phía sau dãy núi mang dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm”, phía trước đã bị cây rừng che phủ.

Mong ước của nhân dân

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ trên miền Bắc, Đảng ta chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm cất giấu vũ khí, khí tài quân sự, bảo đảm cho không quân ta kịp thời xuất kích, đánh thắng kẻ thù. Dãy núi mang dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” lại ôm gọn trong lòng một vùng keo nhiên liệu xanh tươi. Trên ngọn núi khắc chữ “Minh”, một trận địa pháo cao xạ 37mm đã chiến đấu nhiều trận ngoan cường, dũng cảm với không quân Mỹ như biểu tượng “đảo Cồn Cỏ” ở Sóc Sơn.

Ngày 19-12-1966, từ trận địa đặc biệt này, nhiều đợt đánh trả máy bay địch diễn ra vô cùng quyết liệt. Khi cả trận địa pháo cao xạ chìm trong khói bom, thương vong nặng nề thì những dân quân của hai xã Phù Linh và Tiên Dược đã kịp thời bổ sung lực lượng chiến đấu, tải đạn, cứu thương... giữa bom rơi đạn nổ. Không hổ danh với lớp cha anh đi trước.

Có thể nói, dãy núi Sóc mang dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” xứng đáng là một địa chỉ di tích lịch sử-văn hóa, tồn tại qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nên rất cần được trân trọng và bảo tồn. Trong hoàn cảnh trước đây, do chưa có điều kiện đầu tư khôi phục, tôn tạo nên tạm để cây xanh phủ kín, ẩn đi một di tích lịch sử quý giá.

Ông Nguyễn Tân Chính ngừng giây lát, đôi mắt nhìn xa xăm rồi nói: “Ngày nay, khi bước vào công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước ta chủ trương khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử-văn hóa. Những năm gần đây, huyện Sóc Sơn đã thực hiện một số dự án có kết quả tốt như: Trùng tu khu di tích đền Sóc; xây dựng tượng đài Thánh Gióng, di tích Hội nghị quân sự Trung Giã, đài tưởng niệm Núi Đôi và tượng đài Chiến thắng không quân (do Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng); tạo nên quần thể di tích lịch sử-văn hóa mang tính giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và cả mai sau”.

Có thể nói, nhân dân, nhất là người dân ở các xã Phù Linh, Tiên Dược và thị trấn Sóc Sơn, hơn ai hết rất mong có cuộc tổ chức khôi phục di tích lịch sử-văn hóa có một không hai này. Giả thiết là xây dựng nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trên đỉnh của quả núi mang tên Người (chữ "Minh"), kề với tượng đài Thánh Gióng, để nhân dân muôn nơi có dịp đến thành kính dâng hương hoa lên Người. Trong quần thể di tích này có sa bàn với tỷ lệ thích hợp để mọi người đến tham quan hiểu rõ toàn bộ bối cảnh sự kiện dãy núi ở Sóc Sơn mang dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” từ hơn 75 năm về trước.

Nếu việc đó trở thành hiện thực thì trên vùng đất Sóc Sơn sẽ xuất hiện biểu tượng anh hùng dân tộc Thánh Gióng có công đánh đuổi giặc Ân cứu nước khi xưa và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc. Thế chẳng những là nơi di tích lịch sử-văn hóa có tính giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, mà còn là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG