Sau bữa cơm tối, bố Thanh nói chắc nịch: “Vậy là bà đã nhất trí chuyển lên ở hẳn với Thanh rồi nhé. Con sắp sinh nở, chồng đi vắng, bố mẹ chồng thì ở xa, bà lên ở cùng đỡ đần bầu bạn cho vui. Hằng tháng, dì Kha sẽ chuyển vào tài khoản của Thanh hai triệu đồng để chi phí thuốc thang cho bà...”. Dì Kha hình như nén tiếng thở phào, xởi lởi rót thêm cho mỗi người một lượt trà nấm linh chi. Chỉ ngửi hơi trà mà Thanh thấy đắng nghét nơi cánh mũi.

Thanh dìu bà lệt bệt đi về phía căn phòng nhỏ nép chân cầu thang, mắc màn trải chăn mà tay cứ rối lại bởi tiếng ho khô khốc khó nhọc của bà. Thanh nằm xuống cạnh bà. Bàn tay gầy guộc của bà khẽ khàng đặt lên lùm bụng cô. Tay bà khô mà ấm. Đứa bé dường như cảm nhận được cử chỉ âu yếm ấy, cuộn lên khe khẽ.

Buổi sáng hôm sau, Thanh định đưa bà đi cùng mình luôn nhưng dì Kha bảo: “Thanh cứ đi trước, bụng to như thế đi xe máy chở bà không ổn, chiều dì đưa bà lên sau. Lát nữa cho bà qua xóm Thượng hàn huyên với mấy chị em gái, vì chuyến này bà lên ở với Thanh chắc còn lâu mới về quê”. Thanh thấy dì Kha nói có lý nên dặn dì đầu giờ chiều đưa bà lên. Nhưng mãi đến nhá nhem tối dì mới đưa bà tới, thanh minh rằng chưa quen đường đến chỗ ở mới của Thanh, cậu lái taxi thì chưa thuộc đường trong phố nên bị lạc. Dì ấn vào tay Thanh chiếc túi vải đựng mấy bộ quần áo của bà rồi quày quả ra về.

leftcenterrightdel

Minh họa PHẠM HÒA 

Nghe giọng nói ráo hoảnh ấy, Thanh biết dì Kha cố ý đưa bà đi lúc nhập nhoạng tối để bà không nhớ đường mà về. Tội nghiệp. Hồi chưa lấy chồng, đã mấy lần Thanh đón bà lên ở cùng mà chỉ được hơn tuần bà lại nằng nặc đòi về. Có lần bà lựa lúc cháu vắng nhà lén mở cổng đi. Bà cứ nghĩ chỉ cần đi bộ hết con phố đông nườm nượp, qua cây cầu cũ bắc ngang sông rồi rẽ lên đê, đi một quãng đường đê, khi nào trông thấy cây gạo cổ thụ ngay dốc đê ấy là đã về tới làng. Bà đâu biết “một quãng” ấy của bà là hơn chục cây số. Bà thập thững đi qua cầu thì gặp mấy anh cảnh sát giao thông giữ lại hỏi han. Bà một mực đòi về nhà ở quê vì bà không nhớ nổi địa chỉ số nhà, số ngõ loằng ngoằng nhà Thanh. Bà nói rằng làng mình ở ven đê, có nghề làm miến dong. Anh cảnh sát đưa bà về tận nhà. Lần đó, dân làng xì xào bàn tán mãi. Bố gọi điện mắng Thanh xối xả rồi giữ rịt bà ở nhà, dặn dì Kha khóa cổng thật chặt. Bà cứ đi ra đi vào quanh những gốc bon-sai, nói chuyện vọng ra với người hàng xóm, có khi rì rầm với con mèo đen. Dì Kha bậm bịch ra lườm vào nguýt, hễ bà chỉ hắt hơi xổ mũi hay lỡ miệng than đau lưng mỏi gối chút thôi là dì gọi taxi đưa thẳng bà lên bệnh viện, làm thủ tục nhập viện cho bà xong thì mới gọi điện báo cho Thanh, để lại mấy bịch sữa trên chiếc tủ bệnh nhân rồi nhanh chóng ra về. Thế nên nhiều lần trái gió trở trời, cái chân, cái lưng đau răng rắc như cành củi khô mà bà đành nín nhịn chẳng dám kêu ca vì sợ lại phải đi viện. Bà chỉ muốn ở nhà, lụi mụi trong căn phòng nhỏ nép chân cầu thang, mỗi ngày tập thể dục bằng cách leo lên tầng ba để thắp hương. Với bà, một ngày còn ngắn hơn cả tiếng thở dài. Và bà sống bằng mớ ký ức hỗn độn nhiều hơn bằng cơm gạo. Có khi bà ngồi ở phòng thờ cả ngày, rỉ rả trò chuyện với đứa con gái và đứa cháu ngoại xấu số thiệt phận. Bà không muốn lên thành phố với Thanh vì sợ hương lạnh khói tàn, vong hồn của mẹ Thanh và em Phước sẽ tủi.

Nhưng lần này thì bà tình nguyện lên ở với Thanh khiến cô vừa mừng vừa phập phồng lo lắng. Cũng may khu tập thể nơi vợ chồng Thanh mới chuyển đến có mấy bà già cùng cảnh quê lên chăm cháu. Lối vào khu tập thể lại có cổng chắn và bảo vệ trực nên Thanh cũng yên tâm. Buổi chiều, Thanh dẫn bà đi làm quen với mấy bà trong xóm, cũng là để dặn dò gửi gắm, hy vọng lần này bà sẽ không đòi bỏ về quê như trước nữa.

Buổi tối, ti vi phát lại một chương trình tọa đàm của bác sĩ và nhà tâm lý học về chứng trầm cảm của phụ nữ sau sinh, bà chăm chú xem. Hết chương trình, bà bùi ngùi: “Chương trình này tuần trước bà xem ở nhà rồi. Đúng cô bác sĩ tóc xoăn mặc áo trắng kia. Mẹ cháu bị cái chứng bệnh ấy mà cả nhà chẳng ai biết. Khổ thân... Cháu có chồng là bác sĩ mà lúc vợ sắp sinh nở lại đi vắng... Nhưng có bà đây rồi, cứ yên tâm nhé...”. Thì ra lần này bà tình nguyện lên ở với Thanh vì lo lắng cô có thể sẽ mắc chứng trầm cảm giống mẹ. Ký ức buồn thương lại dội về khiến Thanh thấy nghèn nghẹn nơi lồng ngực...

Ông bà ngoại chỉ có một mình mẹ Thanh. Ông hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Bà ở vậy một đèn một bóng nuôi con. Bố mẹ Thanh học chung lớp ở trường nông nghiệp. Quê bố mãi mạn ngược, tình nguyện về đây ở rể. Bà xin cho bố mẹ vào làm ở hợp tác xã nông sản. Được mấy năm, bố sang làm ở Ủy ban xã rồi phấn đấu lên chức Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện. Mẹ Thanh có bầu ba lần nhưng đều không giữ được dù đã uống hết bao nhiêu thang thuốc lá mà ông bà nội gửi xuống... Thanh lên mười tuổi, mẹ mới sinh được em Phước. Cả nhà mừng lắm. Nhưng em Phước lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Bà phải bán mảnh vườn sau nhà để chạy chữa cho cháu. Mẹ nghỉ hẳn công việc ở hợp tác xã. Tháng nào bố mẹ cũng đưa em lên Hà Nội khám và lấy thuốc. Mẹ cứ gầy rạc đi, cả ngày chẳng nói lời nào ngoài những tiếng hát ru khẽ khàng, lúc thì réo rắt da diết, lúc lại rời rạc như hụt hơi. Bố sinh ra cáu gắt vô cớ, hay ngủ lại cơ quan. Những ngày tháng ấy, không khí gia đình lúc nào cũng ủ dột u ám. Thanh sống rón rén như một con mèo lạ, một tiếng càu nhàu của bố hay tiếng gắt gỏng của mẹ cũng khiến cô co rúm người lại. Sau ngày sinh nhật tròn hai tuổi, Phước đột nhiên bệnh trở nặng, mẹ tất tả bế em ra dốc đê bắt xe ôm lên viện. Hôm ấy bố phải đi công tác. Chiều muộn mẹ vẫn chưa về, bà cứ ra trông vào ngóng, giục Thanh đến các nhà họ hàng tìm mẹ. Tối khuya, có người chạy đến báo thấy mẹ và em Phước trẫm mình dưới ao sen chùa làng... 

Chỉ sau giỗ đầu của mẹ và em Phước, bố đưa dì Kha với em Bim về. Bố bảo rằng đó là con riêng của dì. Ngắm nhìn Bim, bà có chút hoài nghi nhưng vẫn lẳng lặng chấp nhận. Bà bảo nếu rũ tung mọi chuyện cũng chẳng để làm gì. Người xấu số thiệt phận đã xanh cỏ. Chi bằng cứ nhân hậu bao dung coi người dưng như người thân để mong có chỗ nương tựa tuổi già. Nhưng một lần vô tình bà xem được giấy khai sinh của Bim, thấy nó chỉ kém em Phước chưa đầy ba tháng, bà nằm ốm bệt suốt mấy tuần liền. Rồi khi bà khỏe lại thì hóa lẫn cẫn, nhớ nhớ quên quên, cứ rỉ rả nói một mình cả ngày. 

Hơn mười năm, bà thay mẹ nuôi nấng Thanh ăn học bằng bạn bằng bè. Bà tôn trọng cuộc sống riêng của bố và dì Kha. Sống cùng nhau dưới một mái nhà nhưng như hai bờ của một dòng sông, bề ngoài phẳng lặng mà bề sâu chất chứa những xoáy ngầm nhưng nhức. Nhiều lúc Thanh xa xót nghĩ, bà cứ lẩn thẩn lúc nhớ lúc quên như thế chưa chắc đã là chuyện không hay...

Giờ bà dành những ngày tháng cuối đời lên ở với Thanh đâu phải chỉ để tìm nơi nương tựa sau những đắng đót bi thương mà vì những dự cảm ám ảnh khôn nguôi đã hằn sâu trong tim. Đêm, Thanh nằm nghiêng, ôm lấy tấm thân gầy guộc của bà, cảm giác thật bình yên. Bà đặt tay lên bụng Thanh, giọng trầm ấm: “Cháu lấy chồng, có thai luôn, lại khỏe mạnh thế này, bà mừng lắm”. Bà lại rỉ rả chuyện trò. Cả một miền ký ức với những câu chuyện bà kể đi kể lại khiến Thanh tưởng như đã thuộc lòng mà vẫn muốn nghe. Và Thanh thầm hiểu bà vẫn còn minh mẫn lắm, bà đâu có quên chuyện gì. Chỉ có cái chết của mẹ và em Phước là bà tránh nhắc tới. Sau những câu chuyện xa lắc xa lơ ấy, bà thểu thảo hứa rằng lần này sẽ ở hẳn đây với Thanh, không bỏ về ngang chừng nữa. Lời hứa của người già như chắt từ máu thịt, nhệu nhạo quắn quéo đến tội nghiệp. Thanh toan hỏi bà lên đây thì có yên tâm giao việc hương khói cho dì Kha hay không, nhưng cố nén lại. Bà như đọc được ý nghĩ của cháu, giọng trầm xuống da diết: “Con đâu cha mẹ đấy. Giờ cháu đi lấy chồng, gắng thưa chuyện với nhà chồng cho phép đặt bát nhang thờ mẹ, thờ em ở đây. Rồi mai kia đặt cho cả bà nữa. Dẫu cháu chẳng phải là máu mủ của bà, nhưng mong cháu nghĩ đến câu cha sinh không bằng mẹ dưỡng...”.

Tim Thanh nhoi nhói. Chẳng phải bây giờ Thanh mới biết mình không phải là con ruột của mẹ. Mẹ Thanh lận đận đường con cái, nghe người ta mách phải nhận một đứa con nuôi, bà và mẹ đón Thanh từ trại trẻ mồ côi về nuôi lúc cô mới được hơn một tuổi. Bao năm qua, sự chăm chút của bà và mẹ khiến cô luôn cảm thấy có nơi nương tựa, chở che.

Người ta cứ bảo “máu chảy ruột mềm”. Thanh có máu mủ gì với bà đâu mà sao bà vẫn thương Thanh như thế. Bao nhiêu năm nay và cả bây giờ nữa, bà vẫn là chỗ dựa vững chãi nhất của Thanh.

Bàn tay khô gầy của bà xoa xoa lên bụng Thanh. Đứa bé lại cuộn trồi lên như phấn khích. Miên mải, ấm áp, yêu thương...

Có loại truyện ngắn cốt truyện đơn giản, ngôn ngữ giản dị, tình huống truyện không kịch tính, nhân vật bình thường như ta vẫn gặp hằng ngày, nhưng vẫn làm người đọc rưng rưng nước mắt.

Truyện ngắn “Dự cảm yêu thương” của Tạ Thanh Hải là một minh chứng bởi người đọc như đang nhìn thấy chính bản thân mình, người thân quen của mình trong tác phẩm. Những éo le buồn đau ấy ở xóm làng nào, dòng họ nào cũng có... Nếu truyện chỉ vậy thì lấy gì để hấp dẫn bạn đọc? Nhưng vẻ đẹp nhân cách của người bà như dòng suối ngọt lành làm dịu khổ đau, hàn gắn những đổ vỡ. Có những người phụ nữ cao quý như thế thì bi kịch gia đình mới dần được hóa giải. Yêu thương, nâng đỡ con người và cứu vớt thế giới. Đây cũng là thông điệp nghệ thuật được nhà văn gửi gắm trong truyện ngắn giản dị này. (PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẠNH) 

Truyện ngắn của TẠ THANH HẢI