Tôi giật mình. Sao giống em đến thế, từ khuôn mặt, lời nói đến cử chỉ. Cả dáng di chuyển nhanh nhẹn, duyên dáng cũng không thể trộn lẫn với ai. Cái nhìn như xuyên suốt, như ngạc nhiên, như dò hỏi của tôi khiến cô hướng dẫn viên lúng túng, vấp váp, đôi chỗ quên mất một vài sự kiện dù đã thuyết minh hàng chục, hàng trăm lượt mỗi ngày.
Tôi bước về cuối phòng. Lòng cuộn lên. Ôi! Sa Nha... Sa Nha của tôi.
*
- Theo thông báo của đài kỹ thuật, địch truy lùng đồng bào ta đang ẩn nấp trên dãy núi Dài lớn. Nhiệm vụ của đại đội các đồng chí phải tìm ra trước và đưa họ về nơi an toàn. Phải thật khẩn trương, tránh đụng độ. Chỉ đánh khi không còn phương án khác. Tiểu đoàn tăng cường cho các đồng chí một tiểu đội trinh sát và một khẩu đội cối 82. - Tiểu đoàn trưởng vừa nói vừa chỉ vào một khu vực trên bản đồ được khoanh đỏ bằng chì màu, nơi có những đường bình độ dày sít thể hiện dốc cao, vực sâu. “Gay go đây!”. Là cán bộ đã qua nhiều trận chiến, Đại đội trưởng Tuấn không bất ngờ với bất cứ tình huống nào. Gần 50 tay súng, được tăng cường trinh sát và hỏa lực dư sức ngăn một tiểu đoàn địch, vậy mà phải tránh đối đầu nên khó tránh khỏi lấn cấn trong lòng. Một cuộc họp chi bộ, mời đến tiểu đội trưởng và chỉ huy các đơn vị tăng cường nhanh chóng được tiến hành.
Những ý kiến trong hội nghị chủ yếu xoay quanh phương án tác chiến và giải cứu đồng bào đang bị kẹt lại trên dãy núi Dài lớn. Đại đội trưởng kết luận:
- Nhiệm vụ chính của chúng ta lần này là đưa được nhiều nhất đồng bào về. Rất có thể nhiều ngày nay họ không có lương thực và nước uống, sẽ có một số không thể tự đi được nên chuẩn bị thêm võng và đòn khênh. Cố gắng tránh đụng độ. Nếu bất khả kháng, tôi cùng Trung đội 1, khẩu đội cối sẽ làm nhiệm vụ chốt giữ, ngăn chặn. Tiểu đội trinh sát và lực lượng còn lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Hoàng đi cùng bộ phận của tôi. Lần này chắc có nhiều đồng bào Khmer, cũng cần những người thông thạo ngôn ngữ và am hiểu phong tục tập quán của đồng bào.
Mệnh lệnh phát ra. Trăng hạ tuần mờ tỏ. Đoàn quân như đàn kiến lầm lũi men ngược trên triền núi. Càng đi dốc càng cao, đường càng khó. Mây quấn dưới chân, đè qua mặt, ầng ậng nước. Rồi gió. Rát rạt, lạnh lẽo. Tiếng bước chân rậm rịch. Tiếng thở nặng nhọc. Tiếng cỏ cây gãy đổ răng rắc. Suốt một đêm, nhìn lại, ngọn cây chọn làm mốc như vẫn ngay sau lưng. Trên cao nhìn xuống, thấy quân địch co cụm. “Bây giờ có một cụm pháo binh chiến dịch, hoặc một phi đội máy bay cường kích bom thì lũ kia ra bã, khác gì lũ kiến trên chảo rang và chắc ba đời sau chúng vẫn còn kinh hãi” - Đại đội trưởng Tuấn nói như chỉ với riêng mình. Tôi biết anh đã phải kìm chế lắm mới không ra lệnh “giã” xuống đó vài quả cối.
- Truyền xuống cho các trung đội, không được bỏ sót một hang hốc nào. Chỗ nào có hơi nóng tỏa ra là có người ẩn nấp. Tìm được người nào phải lập tức di chuyển về hậu cứ. Lấy tổ chức trung đội làm cơ bản, nếu ít hơn thì giao cho các tiểu đội. - Tuấn giao nhiệm vụ cho liên lạc phổ biến đến các phân đội.
Luồn lách qua các mỏm núi và cụm dây leo, từ sáng sớm cho đến khi mặt trời đứng bóng, cả đại đội cần mẫn vạch từng khóm lá. Mạng nhện đan kín các cửa hang chứng tỏ chưa có người ra vào. Nắng như thiêu. Lượng nước cá nhân mang theo cạn khô. Mệt bã nhưng không ai dừng nghỉ. Mỗi phút trôi qua là mạng sống của người dân ngắn đi một chút.
- Mời đồng chí Hoàng phái viên về ngay gặp Đại đội trưởng. Tôi nhận lệnh khi đang đu lủng lẳng trên sợi dây leo trước cửa hang.
Gần ba chục phút tôi mới có mặt. Ba người dân đang nhắc đi nhắc lại: “Rôm phnum nâu khang crom” (Hang ở dưới kia) và huơ tay chỉ trỏ.
- Khoảng vài chục người đang nấp ở hang phía dưới. - Tôi nói với Đại đội trưởng sau khi hỏi kỹ họ.
- Liên lạc! Mời các trung đội trưởng, khẩu đội trưởng cối về đây - Tuấn ra lệnh.
- Khả năng cửa hang ở dưới kia-Tuấn nói khi thành phần triệu tập đã có mặt, chỉ tay xuống dưới, chỗ có các lùm cây xanh xanh. "Nhưng hình như quân địch cũng đang tập trung ở đó. Vì vậy, chúng ta phải cường tập đẩy chúng xuống. Khẩu đội cối bố trí sau tảng đá nhô ra kia, bắn rải dần từ trên rồi tăng tầm xuống dưới. 12,8mm bắn quét hỗ trợ bộ binh xung phong. Tới cửa hang, tôi cùng trung đội một chốt lại ngăn địch. Đại đội phó chỉ huy số còn lại nhanh chóng đưa nhân dân vượt dốc. Cố gắng càng nhanh càng tốt thoát khỏi tầm sát thương của đạn thẳng. Chú ý tản ra thật nhanh tránh đạn cối rồi tự tìm đường về hậu cứ".
Trong hang, đồng bào nằm rải rác, hoàn toàn không có phản ứng khi chúng tôi vào. Mỗi người lính bế một người dân lao lên sườn núi, bỏ lại đằng sau tiếng nổ liên hồi chát chúa của các loại hỏa khí. Đại đội trưởng trao đổi nhanh với đại đội phó:
- Các trung đội báo cáo toàn bộ nhân dân đã được đưa ra ngoài. Bây giờ rút quân thì cũng được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng... hang rộng, nhiều ngõ ngách, tình hình lại rất khẩn trương, e rằng còn sót ai đó. Đồng chí chỉ huy khẩn trương đưa đồng bào về cấp cứu bảo đảm an toàn. Tôi và Tiểu đội 1 ở lại tìm kiếm kỹ lần nữa. Đề nghị anh Hoàng giúp chúng tôi.
Chúng tôi chia nhau đi khắp các nơi. “Còn ai không?”... “Mean neak Na tê” (Có ai không). Một giọng nói yếu ớt vọng tới từ góc hang sâu: “Chouy... chouy phorng” (Cứu... cứu với). Tôi chạy tới, bế xốc một người nằm thiêm thiếp, chạy ra vừa lúc tiếng súng cùng tiếng hò hét man dại của lũ người mang trang phục màu đen đang từng lớp, từng lớp xông lên.
- Không còn ai nữa. Anh đưa ngay người này về sau, chúng tôi ở lại chặn địch. Nhờ anh báo cáo với cấp trên-giọng anh như nghẹn lại: "Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ".
Thấy tôi ngần ngừ, anh gắt: "Đi nhanh lên. Không kịp bây giờ".
Người phụ nữ trên tay tôi nhẹ bỗng, tím tái. Cỏ tranh quấn lấy chân. Chạy vài bước, tôi lại ngã dúi dụi. Cứ như thế... Tiếng súng đã thưa dần. Lòng tôi thắt lại. Linh tính báo chuyện chẳng lành. Đặt cô gái lên vạt cỏ thưa, tôi xoài người, thở dốc.
- Me... a... ơi... tuk (Mẹ ơi... nước)
Tiếng nói thì thào đứt quãng. Tôi giật mình. Có ai đó đã nói “Khi người ta sắp chết, câu đầu tiên thốt ra là tiếng gọi mẹ”. Con người có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn uống. Sự chịu đựng của con người đã đến ngưỡng. Dốc ngược bi đông, vỗ vỗ vài lần cầu mong có chút gì đó chảy ra. Tiếng kêu loong coong giữa cái nắng khủng khiếp của mùa khô cứa vào tai, nhói buốt. Phải tìm ra nước. Tôi thầm ra lệnh cho mình. Đưa mắt nhìn: Tất cả phủ một màu vàng chết chóc.
- Mea... - Cô gái lại thì thào.
Cơ thể tôi, những vật dụng tôi mang theo đều khô khốc, bỏng rát. Tôi chép miệng, cố nghĩ đến vị nào đó chua chua, một chút nước dinh dính, dùng lưỡi đẩy chút âm ẩm đó vào miệng cô gái. Cô gồng lên mút chặt. Lưỡi tôi đau rát tứa máu. Máu. Phải rồi. Máu. Đó là thứ chất lỏng duy nhất hiện giờ tôi có. Rạch một nhát thật sâu vào đầu ngón tay, một dòng máu đen thẫm rỉ ra. Dường như máu cũng đã đông lại. Chiếc lưỡi cô đưa đi đưa lại, môi mím chặt đầu ngón tay tôi, hai má tóp lại như trẻ con khát sữa ôm bầu vú mẹ. Tôi cảm nhận dòng máu của mình đang lan dần trên khuôn mặt tím khô của cô gái. Tới lúc này tôi mới có thời gian nhìn kỹ: Một thiếu nữ mỏng manh, xinh đẹp trong thân xác trẻ thơ. Không còn nhiều thời gian, chẳng bao lâu nữa tôi cũng sẽ lâm vào tình trạng hôn mê vì lượng nước trong cơ thể dường như cạn dần như ngọn đèn đang hút những giọt dầu cuối cùng. Ở rất xa dưới thung lũng, chợt thấy một vệt xanh thâm thẫm, tôi bừng tỉnh, xách súng lao vội xuống. Theo kinh nghiệm, nơi đó có thể có nước. Nhưng càng đi, càng đuối và vệt xanh như càng xa hơn. Phải đến. Bằng mọi giá phải đến. Tôi nghiến răng cố lê từng bước... từng bước, rồi gục xuống, không biết bao lâu. Bầu trời đen thẫm, vài ngôi sao nhấp nháy. Cổ họng khô cháy kéo tôi về thực tại. Trận đánh... Cô gái... khát... Dùng toàn bộ sức lực còn lại, tôi bò, trườn, nhích. Mùi lá mục hăng hắc, hơi ẩm mơn man. Nghe đâu đây tiếng róc rách rất nhẹ thoảng tới. Bằng tất cả sức lực, tôi vùng dậy, đổ ập xuống khe nước. Trước khi ngất đi, tôi cảm thấy dòng nước âm ấm bò qua cổ họng mình.
Có nước, cô gái hồi tỉnh rất nhanh, mở to đôi mắt nhìn tôi đang nấu cháo trên chiếc ăng-gô. Những hạt cơm khô khốc từ nắm cơm buổi sáng gặp nước nở ra rất nhanh, sôi lục bục.
- Đây là đâu? Bố mẹ em, các em của em đâu rồi? - Cô bật khóc dấm dứt.
- Cô yên tâm, mọi người đã được cứu thoát.
Càng về khuya, trời càng lạnh. Cô gái run lên từng chập. Tôi ôm lấy em, truyền hơi ấm sang em. Em khoanh tròn trong vòng tay tôi. Tin cậy.
Trận đánh sắp bắt đầu. Toàn sư đoàn như sôi lên bởi không khí chiến trận... Những người dân được chúng tôi đưa về phải giữ lại để bảo đảm bí mật và cũng là tăng cường sức khỏe cho họ. Tôi có dịp gần em. Trước hôm bước vào trận đánh, tôi cùng em ngồi trên bờ suối vắng. Trăng sáng vằng vặc. Em nhìn ngón tay bị băng của tôi, băn khoăn:
- Tay anh, sao thế?
- Không sao đâu, anh vô ý bị vật nặng đè vào. Em ngước mắt nhìn tôi, vẻ nghi ngờ:
- Hình như hôm trước em đã mút cái gì như ngón tay.
- Em lại mơ rồi. - Tôi khỏa lấp.
Em ôm lấy tôi: “Bòn, ôun srolanh bòn” (Anh, em yêu anh). Tôi cũng muốn thốt ra: “Bòn kor srolanh ôun đer” (Anh cũng yêu em) nhưng kìm lại được. Đời lính chiến không biết thế nào, nhất là chỉ nay mai thôi sẽ bước vào cuộc chiến thảm khốc. Em sẽ thế nào khi... Tôi giục em về. Em lặng nhìn tôi. Cái nhìn như chứa chất bao yêu thương, hờn giận, trách móc. Hãy tha lỗi cho anh...
Giờ G đã điểm. Tất cả loại pháo đủ các cỡ nòng của cụm pháo binh chiến dịch, của sư đoàn trút bão lửa. Giặc chạy đen đồng. “Anh Tuấn ơi, mơ ước của anh đã thành hiện thực. Bọn chúng đang phải trả nợ máu”. Tôi thầm gọi tên anh giờ đã ở rất xa. Đúng như anh nói, địch như lũ kiến trên chảo rang đỏ rực khi bị tiến công chính diện, bị chốt chặn vu hồi...
*
Sau trận đánh ấy, tôi cùng đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế. Gần 10 năm trên đất bạn, bỏ lại một phần da thịt khi họa diệt chủng bị diệt đến tận gốc. Trên bước đường người lính, thời gian cũng xóa bớt đi những thương đau nhưng trong lòng tôi vẫn đau đáu về một người. Quay lại nhìn cô thuyết minh trước khi đi, tôi thốt lên:
- Sơn Thị Sa Nha, có phải là em...?
Truyện ngắn của TRƯƠNG NGỌC HÙNG