Khi đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam, cả nước ta đoàn kết thành một khối "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" (Tố Hữu). Chưa bao giờ "không khí sử thi" lại hào hùng, mạnh mẽ như bấy giờ. Từ ngoài xã hội lan vào rồi bừng sáng trong văn chương. Những tiểu thuyết sử thi nguyên khối, tinh chất, không pha tạp ra đời như là một sự tất yếu: "Vào lửa" (năm 1966), "Hòn Đất" (năm 1966), "Cửa sông" (năm 1967), "Gia đình má Bảy" (năm 1968), "Ở xã Trung Nghĩa" (năm 1969), "Rừng U Minh" (năm 1970), "Đường trong mây" (năm 1970), "Vùng trời" (năm 1971), "Đất Quảng" (năm 1971), "Dấu chân người lính" (năm 1972), "Mẫn và tôi" (năm 1972), "Thôn ven đường" (năm 1973)... Nhà nghiên cứu Niculin (người Nga) nhận xét về cách xây dựng nhân vật (Nguyệt) trong truyện ngắn "Mảnh trăng cuối rừng" của Nguyễn Minh Châu là "đã bao bọc nhân vật trong bầu không khí vô trùng". Thực ra nhận xét ấy đúng với cả các nhân vật tiểu thuyết tiêu biểu của thời kỳ này: Chị Sứ (trong "Hòn Đất"), Lữ (trong "Dấu chân người lính"), Mẫn (trong "Mẫn và tôi"), Hảo (trong "Vùng trời")...
Cảm hứng sử thi hào sảng đã tạo ra những nhân vật đậm chất lý tưởng. Như vầng hào quang trên bầu trời sử thi, nhân vật tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng. Ngoài sự thành công xây dựng những điển hình anh hùng thời chống Mỹ, cứu nước (Kinh, Lữ trong “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu), văn chương còn thể hiện được tinh thần của thời đại cả dân tộc một lòng đứng dậy đánh giặc: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành...” (Tố Hữu). Con người sử thi thời đó sống vì cái chung hơn vì cái riêng. “Cái tôi” như nhỏ bé trước “cái ta” cộng đồng: “Anh không cảm thấy cô đơn vì trên đầu anh là cả một trời sao và dưới cánh anh là những trời sao của đất nước”. Ngày nay, bạn đọc trẻ tuổi thật khó tưởng tượng đó là lời của một chàng trai (Quỳnh) nói với người yêu. Lời văn như thế không chỉ có trong “Vùng trời” của Hữu Mai mà có thể tìm thấy ở bất kỳ tiểu thuyết nào thời đó.
Là con người của lý tưởng, của niềm tin, rất khó tìm thấy ở nhân vật một chút gì riêng tư cho cá nhân mình. Tình yêu trai gái hòa vào tình yêu đất nước, tình yêu nhỏ nằm trong tình yêu lớn. Thật dễ hiểu các cặp đôi như Lữ-Hiền (trong "Dấu chân người lính"); Quỳnh-Hảo (trong "Vùng trời"); Thiêm-Mẫn (trong "Mẫn và tôi"); Ngạn-Quyên (trong "Hòn Đất"); Tâm-Thành (trong "Dưới đám mây màu cánh vạc")... đều là những nhân vật của sử thi, từ suy nghĩ đến “yêu đương” cũng rất “sử thi”. Dễ hiểu ngôn ngữ trong bức thư của người vợ (vợ chính ủy Kinh trong "Dấu chân người lính") gửi cho chồng cũng có thể tìm thấy ở bất kỳ lá thư nào của những người vợ trẻ: “... Ở nhà mọi người đều bình yên và đang tích cực sản xuất để góp phần cùng tiền tuyến chống Mỹ, cứu nước”. Vì họ đã xác định rõ không chỉ gửi thư cho chồng mà còn cho cả đồng chí của chồng. Người ngoài mặt trận cũng tương tự, lá thư không chỉ của riêng mình mà còn là của chung đồng đội. Tất cả, những người nơi hậu phương, nơi tiền tuyến đều coi nhau như trong một nhà, tất cả vì mục tiêu đuổi giặc.
Cũng rất logic, khi đồng chí coi nhau như anh em thì anh em, cha con ruột thịt lại coi nhau như đồng chí. Thậm chí khi yêu nhau, người ta cũng coi nhau như đồng chí. Một câu thơ của Tố Hữu đã nói rất đúng cái tình thời đó là tình đồng chí: “Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí”. Thế nên hai cha con Kinh-Lữ gặp nhau ngoài mặt trận thì người bố không nói bằng giọng người bố mà nói với giọng cấp trên (chính ủy): “Chốc nữa anh hãy báo cáo với tôi công việc anh đã làm từ ngày đi bộ đội. Quyết tâm thư khi đi chiến trường anh viết ra sao?” (Dấu chân người lính). Cũng rất tự nhiên, trước cái chết, chị Sứ cũng chỉ nghĩ về Đảng, về cách mạng: “Bữa nay, có lẽ mình chết. Nhưng mình chỉ thấy tiếc chớ không ân hận mắc cỡ gì cả... Tới phút này đối với Đảng, mình vẫn y nguyên, như chị Minh Khai, như Võ Thị Sáu...” (Hòn Đất). Cái chết của con người sử thi là cái chết “gieo mầm” (tên một truyện ngắn của Nguyễn Thiều Nam), cái chết của sự cao cả: “Người chiến sĩ điện thanh ấy trước khi hy sinh còn ngẩng cao đầu lên một lần cuối cùng: Trên nền trời cao, rất cao và xanh, lá cờ đỏ mỗi lúc một thắm tươi đang bay, lá cờ mỗi lúc càng tiến dần đến trước mặt. Rồi anh nhắm mắt...” (Dấu chân người lính). Đó chẳng phải là sự quên mình vì cộng đồng một cách tuyệt đối sao?
Tương ứng với cảm hứng sử thi hào sảng và con người sử thi lý tưởng là một không gian sử thi hoành tráng. Đó là kiểu không gian mang tính xung đột căng thẳng: Xung đột giữa nhân dân thôn Hòn Đất với tụi Mỹ-Diệm (Hòn Đất); giữa bộ đội và du kích Làng Cá với quân Mỹ-ngụy (Mẫn và tôi); giữa quân dân xã Hòa Thanh với cha con tên ác ôn Hứa Xâng, Hứa Min và bè lũ tay sai (Đất Quảng); giữa Đoàn không quân Sao Vàng với bọn không lực “Huê Kỳ” (Vùng trời)... Thường là xung đột không cân sức, bên ta người ít, vũ khí thô sơ; bên giặc quá đông cùng vũ khí hiện đại. Không gian sử thi được biểu hiện cụ thể qua hình tượng con đường, hình tượng trận đánh. Đó là con “đường vui”, là “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”... cũng là trận tuyến “đẹp”: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Con người tìm niềm vui, nguồn vui trong những trận đánh giặc: “Đánh Tây sướng bằng tiên chớ cực gì” (Người mẹ cầm súng); “Bỗng dưng tôi bắt gặp một bông hoa vui đang nở ngập ngừng trong tôi, tỏa hương... Tôi nhận ra rồi. Nó là niềm vui được đánh giặc” (Mẫn và tôi). Đấy không chỉ là tâm trạng của nhân vật chị Út Tịch hay của Thiêm mà còn là tâm trạng chung của hàng vạn, hàng triệu con người thời đó.
Đặc trưng của không gian con đường “ta đi đánh giặc” là luôn đông đúc, chật chội: “Dọc con đường giao liên bấy giờ, khu rừng hai bên có những quãng dòng thác người tự nhiên cứ quẩn lại, phình to ra, đông đúc và ồn ào như dòng nước lũ chảy qua một cái xoáy lớn... Không ai có tài nào mà phân biệt hoặc đếm được có bao nhiêu đơn vị, cũng không thể biết đây là đường rừng hay quảng trường, là rừng cây hay là rừng người và rừng súng đạn” (Dấu chân người lính). Trong không gian này, tất cả như hòa lẫn vào nhau, con người lẫn vào thiên nhiên, người lẫn vào thác, người lẫn vào rừng, rừng lẫn vào súng đạn... Không chỉ con người đi đánh giặc mà cả không gian đi đánh giặc. Điều này càng tăng cường chất sử thi, đẩy hình tượng người lính luôn vượt lên trên cái bình thường để trở thành cái phi thường.
Ngày hôm nay nhìn về văn chương thời chống Mỹ, cứu nước sẽ thấy có hiện tượng này: Vì được đẩy vượt lên quá mức giới hạn thông thường nên các phạm trù văn học cũng bị phá vỡ, vượt khỏi khung khái niệm. Nhân vật trở thành siêu nhân vật; không gian trở thành siêu không gian... rồi siêu kết cấu, siêu ngôn ngữ, siêu giọng điệu... Không còn là kết cấu của tiểu thuyết thông thường mà đi theo kết cấu, bố cục của các trận đánh, các chiến dịch; không còn là ngôn ngữ con người bình thường mà trở thành ngôn ngữ của lương tri, của trách nhiệm, của lý tưởng, chính nghĩa; không còn là giọng điệu cá nhân đơn lẻ mà là giọng điệu của thời đại... Đó là lẽ tự nhiên. Chiến tranh là hiện tượng bất thường. Cuộc chiến vệ quốc của chúng ta phải chống lại và đánh thắng một siêu cường đế quốc. Nền văn học cách mạng đã cố gắng miêu tả, phản ánh cuộc chiến vĩ đại ấy. Phải khẳng định giá trị và ghi công nền văn học nhân đạo này đã điêu khắc hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thành một tượng đài tỏa sáng các giá trị văn hóa về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong bầu trời tự do, hòa bình của nhân loại ở thế kỷ 20.
Sau năm 1975, một chính khách nổi tiếng người Mỹ ngậm ngùi thú nhận Mỹ thua là do chưa hiểu văn hóa Việt Nam. Ông ta nói đúng. Đọc lịch sử văn hóa Việt Nam, văn chương Việt Nam thời chống Mỹ, ông ta sẽ hiểu hơn Việt Nam chiến thắng là tất yếu vì truyền thống yêu nước đã kết tinh cao nhất ở hình tượng Bộ đội Cụ Hồ để rồi họ tự nguyện bước vào trận đánh giặc bằng cả sức mạnh văn hóa giữ nước mấy nghìn năm. Văn hóa Việt trọng người, quý người: “Người ta là hoa đất”, “Người sống đống vàng”... Nhưng khi kẻ thù đến xâm lược, họ sẵn sàng hy sinh cái quý giá nhất là thân thể mình để đuổi giặc. Đó chẳng phải là sự hy sinh tuyệt đối sao?
Thế nên cho đến hôm nay, thế giới, cụ thể là các trung tâm Việt Nam học ở các trường đại học lớn, vẫn chưa hết ngạc nhiên nên vẫn đang chăm chú nghiên cứu, tìm hiểu.
Giá trị sẽ thay đổi theo thời gian nhưng phẩm chất “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” của Bộ đội Cụ Hồ sẽ bất biến vì nó đã trở thành hằng số của văn hóa Việt Nam!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ