Hiện nay, trong QĐND Việt Nam, các đoàn văn công được tổ chức ở các quân khu, quân chủng và tương đương với đội ngũ nam, nữ diễn viên, nhạc công được đào tạo bài bản. Công việc chính của các đoàn văn công là luyện tập và biểu diễn phục vụ bộ đội và các sự kiện do đơn vị, địa phương, Trung ương... tổ chức.
Lịch sử ra đời của văn công Quân đội gắn với lịch sử phát triển và trưởng thành của Quân đội ta. Ngay từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, văn công Quân đội đã được hình thành và đồng hành với bộ đội các đơn vị chủ lực trong những chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ được biên chế ở các đại đoàn với số lượng nhỏ, nhưng lại quan trọng, được ví như binh chủng đặc biệt, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu, ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta.
Ngày theo học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tôi được nghe Đại tá Phạm Thanh Tâm, nguyên Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội kể lại câu chuyện xúc động về văn công biểu diễn cạnh càng pháo trong hầm pháo ở Điện Biên Phủ sau khi khai hỏa ít lâu.
Chuyện là, sau ít ngày chiến đấu, Đoàn Văn công Đại đoàn 351 cử 5 cô gái trẻ cùng với các anh: Minh Tiến, Trọng Lanh, Vinh, Viện... mang theo nhị, sáo và cây đàn banjo alto đến hầm pháo của bộ đội đang chiến đấu để biểu diễn. Sàn diễn của họ là khoảng đất bé tẻo teo giữa hai càng pháo... Các nữ văn công mặc áo tứ thân với bồ tượng xanh hoa lý, yếm đỏ, dải lụa hoa hồng và hát, múa đã làm dịu bớt căng thẳng và xua tan mùi khói thuốc khét lẹt trong hầm pháo.
|
|
Nữ diễn viên của Đoàn Văn công Hải quân hát phục vụ đồng bào. Ảnh: TRẦN HÙNG
|
Đại tá Phạm Thanh Tâm còn cho biết thêm, cùng thời điểm ấy, văn công Đại đoàn 312 đứng hát ở ngã ba chiến hào động viên bộ đội xuất kích đi qua. Các chiến sĩ hứa sẽ tiêu diệt địch, đoạt chiến lợi phẩm làm quà tặng văn công. Trước đó, sau trận đánh đồn Him Lam, bộ đội thu được cây đàn accordion, đã tặng lại văn công Đại đoàn 312 và nó được giao cho nghệ sĩ Thanh Phúc kéo, phục vụ bộ đội.
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trường Sơn chia thành nhiều tốp nhỏ, trang bị ba lô đựng trang phục biểu diễn, vai đeo đàn và tăng âm loa đài, hành quân dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ để biểu diễn phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công... Theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hạp, nguyên diễn viên văn công Trường Sơn, nay ở Hà Nội, thì trong thời kỳ kháng chiến, ông được về đội múa Đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần (sau này là Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trường Sơn). Một lần trên đường đi biểu diễn, khi xe ô tô chở nhóm đi đến barie 1 gần ngầm Binh trạm 41, ông bất ngờ phát hiện một chiếc máy bay bám theo bắn rốc két vào xe. Ông chỉ kịp hét lên thì xe đã bị dính đạn, lái xe bị thương. Lập tức, tất cả mọi người trên xe nhảy xuống, vào ngay hầm trú ẩn ven đường. Một tiếng nổ rất to... Sau này ông mới biết, các anh em trong hầm đều hy sinh, còn ông thì bị thương nên được cứu sống.
Theo tìm hiểu của tôi, ngày đó, bên cạnh văn công Trường Sơn chuyên nghiệp thì tỉnh đội các tỉnh cũng thành lập các đoàn ca múa và đi vào chiến trường biểu diễn phục vụ bộ đội. Một lần đi biểu diễn ở Quảng Bình, tôi gặp và trò chuyện với bà Đoàn Thị, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình. Bà kể, tháng 5-1968, Tỉnh đội điều động 2 xe tải (loại 3 cầu) chở phông màn, nhạc cụ, ba lô, lương thực, thực phẩm và 17 diễn viên cả nam lẫn nữ vào Trường Sơn biểu diễn. Đến Binh trạm 9, lãnh đạo Binh trạm đã cử anh em ra trước để giúp mang vác, vận chuyển trang bị cho đoàn về nơi tập trung. Khi biểu diễn, sân khấu là một khoảnh đất tương đối phẳng nằm dưới các gốc cây săng lẻ cổ thụ, rộng khoảng 50m2, đã được bộ đội dọn sạch sẽ.
Tại một điểm chốt nơi đoàn đến phục vụ, do thiếu thực phẩm nên sau buổi biểu diễn, để "chiêu đãi" văn công, anh nuôi đơn vị nảy ra sáng kiến: Lấy lương khô cho vào mũ sắt, giã vụn ra để nấu chè. Một món ẩm thực độc nhất vô nhị: Chè lương khô.
Thời bình, các đoàn văn công trong Quân đội bận rộn với những chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc. Đối với anh chị em nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Hải quân, việc đi lưu diễn phục vụ bộ đội trên tàu, đảo, điểm đảo, nhà giàn là nghĩa vụ, trách nhiệm và là niềm vinh dự, tự hào. Chúng tôi hát, múa... phục vụ cán bộ, chiến sĩ, đại biểu các đoàn công tác ngay trên mặt boong khi tàu đang trong hải trình đến các đảo. Gần Tết năm 2015, tôi hát tặng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/15 qua hệ thống máy bộ đàm cầm tay vì sóng lớn khiến tàu không thể thả xuồng và tiếp cận. Khi viết những dòng này, hình ảnh chiến sĩ nhà giàn đu sóng để nhận hàng nằm sâu trong ký ức của tôi trỗi dậy. Lúc đó, nhìn những hình ảnh ấy, cô ca sĩ đồng nghiệp đi cùng tôi vừa hát vừa khóc. Rất đông cán bộ trong đoàn công tác đã rơi nước mắt. Hát trong hoàn cảnh như thế với chúng tôi thật nhiều cảm xúc.
Câu chuyện hát trên phố đi bộ ở Hà Nội dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân vừa qua với chúng tôi không có những khó khăn như sóng to, gió lớn ở ngoài biển, ngoài đảo và trên nhà giàn. Chúng tôi hát trong sự yêu mến và tình cảm vô cùng ấm áp, nồng hậu của nhân dân bên biểu tượng mốc chủ quyền. Có hôm, chúng tôi diễn liên tục từ 17 giờ đến hơn 21 giờ.
Nhớ nhất là chiều 19-12. Sau khi biểu diễn phục vụ các đại biểu dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, chúng tôi đưa phương tiện về phố đi bộ gần Tượng đài Lý Thái Tổ để sắp xếp, phục vụ biểu diễn. 15 giờ 30 phút, tôi cùng anh em ra sân khấu để test thử âm thanh cũng như chuẩn bị cho buổi tối biểu diễn phục vụ đồng bào, du khách. Ấy nhưng khi thấy chúng tôi xuất hiện và nghe chúng tôi hát thử, người dân đến xem vây kín vòng trong vòng ngoài và yêu cầu chúng tôi hát tiếp. Nhiều người đề nghị chụp ảnh kỷ niệm với các ca sĩ của đoàn. Có em nhỏ chạy tới đưa cho tôi một chiếc kẹo và nói rằng: "Nhân Ngày thành lập Quân đội, cháu tặng chú món quà". Tôi cúi thấp để nhận, cảm ơn cháu bé rồi tiếp tục hát. Thế là kế hoạch test âm thanh dự kiến 30 phút trở thành buổi biểu diễn chính thức. Và đêm ấy, chúng tôi thay nhau biểu diễn tới tận hơn 21 giờ, bất chấp gió lạnh mùa đông Hà Nội.
Cùng biểu diễn trên phố đi bộ với chúng tôi đến hết tối 22-12 còn có các đoàn văn công khác, cả ban nhạc của Trường Sĩ quan Chính trị cùng hoạt động của các đoàn quân nhạc trong khuôn khổ giao lưu quân nhạc. Phố đi bộ Hà Nội những ngày đó giống một bữa tiệc văn hóa của lòng yêu nước, của hào khí cách mạng và tình yêu hòa bình, trong đó đậm đặc là những nhạc phẩm về người lính mang giá trị, cốt cách, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Những tình cảm mà đồng bào, du khách dành tặng chúng tôi thật mặn nồng, sâu lắng, khó có thể phai mờ.
Tôi từng đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới, được giao lưu với khán giả nhiều địa phương, nhưng có lẽ hát trên phố đi bộ ở Hồ Gươm trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam những ngày qua là sự kiện thật đặc biệt. Thế nên, tôi ước ao sẽ tiếp tục được hát phục vụ đồng bào, du khách ở nơi hồn thiêng sông núi. Bởi hát phục vụ đồng bào chẳng biết bao nhiêu cho đủ...
Ca sĩ THANH TRÚC, Đoàn Văn công Hải quân