Hòa trong dòng người tuổi trẻ, có vị Đại tá già đạp chiếc xe đã cũ, trên giỏ xe là một bông hồng với mấy thẻ hương.Vị Đại tá lướt qua cổng trường rồi đạp xe thẳng về phía nghĩa trang của huyện.
Tựa xe vào gốc phi lao, ông cầm bông hồng cùng mấy thẻ hương thong thả bước đến ngôi mộ có ghi dòng chữ: “Thiếu úy đặc công Trần Trung hy sinh ngày... tại chiến trường...” Những tia nắng sớm lung linh chiếu lên hàng chữ vàng trên bia mộ làm ánh lên một màu hổ phách. Ông chậm rãi châm hương rồi cắm lên ngôi mộ Trần Trung ba nén, số còn lại chia đều cho những phần mộ xung quanh. Trong giây lát, cả nghĩa trang phủ một làn khói xanh mờ ảo. Hương rừng nồng cay quện với mùi trầm ngan ngát làm cho không gian trở nên tĩnh lặng, thâm nghiêm. Đoạn ông trở về bên mộ Trần Trung, hai tay nâng bông hồng trước mặt, miệng lầm rầm: “Hôm nay là ngày Hai Mươi tháng Mười Một, Hoàng Cương thắp nén tâm hương tưởng nhớ Trần Trung, người học trò, người đồng chí và cũng là sư phụ của Hoàng Cương, đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh quên mình vì...”. Giọng ông thì thầm, đứt đoạn như vọng về từ cõi xa xăm, bỗng ông nghẹn ngào đọc mấy vần thơ:
Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung...
Ông đặt bông hồng cùng chiếc mũ sĩ quan lên mộ Trần Trung rồi từ từ ngồi xuống giang vòng tay gân guốc, khô gầy ôm ghì lấy ngôi mộ. Hai giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên đôi gò má phong sương. Vị Đại tá già như hóa thân trong cái không gian cô tịch ấy để rồi từng lát cắt thời gian cứ hiện về như những thước phim...
Một ngày đầu hạ, tán phượng nơi sân trường vừa nhú những nụ hồng nhỏ xíu. Sau ba tiếng trống, thầy Hoàng Cương bước lên bục giảng, cả lớp đứng dậy, thầy cúi chào rồi khẽ nói: “Hôm nay chúng ta phân tích bài thơ "Viếng bạn" của nhà thơ Hoàng Lộc”. Thầy bước nhẹ từ bục giảng xuống cuối lớp, rồi lại từ cuối lớp đi lên, giọng thầy trầm ấm mà âm vang, lắng sâu mà hào sảng:
... Đứa nào bắn anh đó
Súng nào ngắm trúng anh
Khôn thiêng xin chỉ mặt
Gọi tên nó ra anh...
Thầy chưa dứt lời, bỗng phía cuối lớp một tiếng “ái” ré lên. Hơn bốn chục cặp mắt đổ dồn về phía Thu Vân. Thu Vân gục mặt xuống bàn. Thầy Hoàng Cương đưa ánh mắt về phía Trần Trung khẽ hỏi: “Có phải là em? Em nhắc lại mấy câu thơ tôi vừa đọc”. TrầnTrung đứng lên, miệng lắp bắp:
... Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ...
Cả lớp lặng đi. Thầy Hoàng Cương nghiêm nét mặt: “Em ngồi xuống”. Trần Trung cúi đầu lặng lẽ, lớp học trầm hẳn xuống. Có ai biết với Trần Trung, tiết học văn hôm nay là tiết học cuối cùng. Trung nhận giấy báo nhập ngũ đã ba ngày nay, nhưng vì muốn thêm một lần đến trường để được gần thầy, gần bạn, gần mái trường thân yêu mà chưa biết đến khi nào gặp lại.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đệ tứ chiến khu Đông Triều, cha Trung là một nghĩa quân đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp lúc anh vừa tròn năm tuổi. Mẹ anh tần tảo lần hồi nuôi ba con nhỏ. Khi mới hơn mười tuổi, ngoài những buổi đi học, Trung thường vào rừng hái nấm, bẫy chim hoặc đốn củi để bán lấy tiền giúp mẹ. Cuộc sống nhọc nhằn, lam lũ đã tạo cho Trung một tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng tinh nghịch. Vốn có cảm tình với Vân nhưng chưa có dịp thổ lộ, sẵn cây bút chì trong tay, Trung kề đầu nhọn vào sát má Vân rồi một tay giật giật mấy sợi tóc, Vân bất chợt quay lại, đầu bút chì chọc vào má đau điếng làm cho Vân buột miệng kêu lên.
Tiếng trống tan trường đã điểm, mọi người ào ra khỏi lớp. Vân lùi lại đợi Trung rồi hai người sánh bước bên nhau, chỉ có hàng cây hai bên đường là lắng nghe được tiếng thì thầm của họ.
Hai ngày sau, mới tám giờ sáng mà trước cửa UBND huyện đã đông nghịt người. Kẻ đưa, người tiễn trong tâm trạng buồn, vui lẫn lộn. Những tân binh mặt mày hớn hở xúng xính trong bộ quân phục màu lá cây còn nguyên nếp gấp. Và hình như khuôn mặt ai cũng sáng lên bởi ngôi sao lấp lánh trên mũ. Người tiễn đưa không khỏi ngậm ngùi. Ai đó quay đi thấm hai hàng nước mắt.
Tiễn Trung hôm nay có đông đủ các thầy, cô giáo và toàn bộ học sinh của lớp 10A, tất cả xếp thành hàng dài trong sân UBND huyện. Chợt nhìn thấy, Trung chạy ào đến như một cơn lốc, anh giang tay ôm lấy mọi người. Thầy Hiệu trưởng nắm chặt vai Trung lắc lắc: “Nhớ lập công đầu nghe em!”. Đến lượt thầy chủ nhiệm Hoàng Cương, thầy ôm ghì lấy Trung rồi nói câu gì vào tai rất khẽ, khi thầy buông ra, mắt Trung ngân ngấn lệ. Cả lớp xúm lại quanh Trung. Những cái nắm tay thật chặt và có cả những quả đấm thân tình. Khi đám đông giãn ra, Trung đảo mắt tìm. Vân đứng tách ra một bên. Trung tiến lại gần, bốn mắt nhìn nhau như hờn, như tủi. Vân dúi vào tay Trung một phong thư, miệng thì thầm rất khẽ: "Trung đi mạnh khỏe, Vân chờ”; “Hẹn ngày chiến thắng”, Trung đáp.
Đoàn xe lao đi trong nắng sớm, cuốn theo một đám bụi hồng, để lại phía sau những cặp mắt nhìn theo đăm đắm...
Thấm thoát đã hơn bốn năm kể từ ngày nhập ngũ. Vốn sinh ra ở vùng sơn cước, Trần Trung có cái nhanh nhẹn của mèo rừng, cái tinh quái của loài chồn, cái ranh mãnh của loài cáo. Chính cái đặc tính trời cho ấy đã làm nên một trinh sát đặc công mưu trí, gan dạ, mỗi lần xuất kích là một lần lập công.
Chẳng bao lâu, Trung trở thành Trung đội trưởng đặc công dày dạn kinh nghiệm. Qua bốn năm lăn lộn trên chiến trường, nhiều chiến sĩ đã trút hơi thở cuối cùng trên tay anh. Mỗi lần bổ sung binh lực là một lần anh trăn trở, bởi hình ảnh những chiến sĩ hy sinh cứ lần lượt hiện về. Chẳng biết những chiến sĩ sắp bổ sung rồi đây ai còn, ai mất.
Mải suy nghĩ mông lung, binh trạm giao liên đã hiện ra trước mặt. Dưới tán cây rừng của đại ngàn Trường Sơn, những túp lều nhỏ núp mình bên bờ suối. Trung sải những bước dài đến trước vọng gác. Qua trao đổi mật khẩu, chiến sĩ cảnh vệ dẫn anh đến lều chỉ huy binh trạm. Phụ trách binh trạm là một Đại úy đã đứng tuổi, ông nhìn Trung từ đầu đến chân rồi tấm tắc: “Ừ! Trinh sát đặc công có khác, hèn nào cấp trên điều cho cậu những tay không chê vào đâu được và tất thảy đều là dân “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Nói rồi, ông mở cặp, trao bản danh sách cho Trần Trung. Lướt qua danh sách, người đứng số một có tên Hoàng Cương. Trung sửng sốt, phải chăng trùng họ, trùng tên? Anh chào đồng chí Đại úy rồi lao thắng xuống lán trú quân của các chiến sĩ. Vừa đi được mấy bước, anh khựng lại. Một ý nghĩ lóe lên; Không! Nếu đúng là thầy, cũng phải giữ nghiêm quân luật. Đoạn anh quay lại lán chỉ huy, lát sau cả năm chiến sĩ đã có mặt đầy đủ. Vị Đại úy trịnh trọng giới thiệu; “Đây là Thiếu úy đặc công Trần Trung, Trung đội trưởng Trung đội trinh sát mũi nhọn của Sư đoàn. Kể từ giờ phút này, năm chiến sĩ có tên trong danh sách sau đây chịu sự chỉ huy của Thiếu úy”. Không đợi cho vị Đại úy đọc tên, Trần Trung ôm chầm lấy Hoàng Cương, miệng thì thầm rất khẽ: “Thầy... Hoàng Cương!”...
Một chiều mùa hè, trên bãi tập, cái nóng hầm hập cộng với hơi ẩm của rừng già làm cho không khí đặc quánh đến ngột ngạt. Chẳng mấy chốc, người nào, người nấy mình trần bóng nhẫy mồ hôi. Hoàng Cương đã thấm mệt. Trần Trung lạnh lùng: “Đồng chí Cương ra đòn chưa kiên quyết, thiếu lực. Đồng chí cần cố gắng hơn, nào chuẩn bị”. Nói rồi, nhanh như cắt, Trung nhảy phốc lên phi thẳng hai chân như hai gọng kìm sắt quặp chặt lấy cổ Hoàng Cương rồi vặn mình quật ngã Hoàng Cương. Khi cả hai cùng tiếp đất, Trần Trung khẽ xoay người giáng một cùi chỏ đánh “hự” vào ngực Hoàng Cương. Đến lượt Hoàng Cương ra đòn, Trần Trung khẽ ngửa người về phía sau rồi nghiêng mình né tránh làm cho Hoàng Cương mất đà quăng người xuống đất. Cứ như thế, hết lượt này đến lượt khác cho đến khi Cương quật ngã được Trung mới thôi.
Hai người cùng nhau ra bờ suối, dòng nước mát thấm vào da làm cả hai cảm thấy sảng khoái. Trần Trung nói với Hoàng Cương: “Thầy gắng luyện thêm võ thuật, thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu”. Cương cười xòa: “Ở trường mình là thầy, còn ở chiến trường Trung vừa là chỉ huy, vừa là sư phụ, mình sẽ phục tùng mệnh lệnh một cách nghiêm túc”.
Cả hai nằm dài trên phiến đá, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Bỗng Trung nhổm người với chiếc áo Tô Châu đã bạc màu, thận trọng móc trong túi áo ngực một gói nhỏ đưa cho Hoàng Cương. Hoàng Cương khẽ khàng mở hai lần ni lon, sau lần giấy bạc, hiện ra tấm ảnh 4x6. Thu Vân với vành môi trái tim khẽ mím, cặp mắt xa xăm như phảng phất buồn, mái tóc vắt sang bên phủ kín một bờ vai như dòng suối màu mun chảy dài đến vô tận. Sau tấm hình ghi dòng chữ: “Cầu cho Trung vạn sự bình an, hẹn ngày chiến thắng, Vân chờ!”.
Cánh rừng yên tĩnh đến lạ thường, chỉ có tiếng suối chảy róc rách, lanh canh như tiếng cung đàn của bản tình ca huyền bí vọng về từ sâu thẳm... xa xăm...!
* * * *
Mong mỏi, đợi chờ, cái gì đến cũng sẽ đến. Đêm nay đơn vị Trung hành quân ra trận. Vượt qua mấy thung lũng và một con suối cạn, đến bìa rừng, Trung giơ tay làm hiệu cho đơn vị tạm dừng. Xốc lại khẩu AK báng gấp bên sườn, Trung thì thầm vào tai Cương: “Thầy cố gắng bám sát em”.
Bỗng vạt mây đen che khuất mảnh trăng đầu tháng. Trung khoát tay, cả trung đội vượt qua con lộ trống rồi nhanh chóng lẩn vào những bụi cây lúp xúp bên đường. Mọi người căng mắt nhìn. Phía trước đã thấy lờ mờ những ụ lô cốt dã chiến xếp bằng bao tải cát, mấy hôm nay bọn địch tăng cường để làm lá chắn cho tuyến phòng thủ phía sau. Không để cho địch kịp củng cố lực lượng, đơn vị Trung được lệnh xuất kích, tiêu diệt cụm cứ điểm tiền phương.
Cách phòng tuyến chừng hơn trăm mét, người nào người nấy dán mình xuống mặt đất, trườn đi như những con thằn lằn. Tổ trinh sát mũi nhọn tiếp cận hàng rào dây thép gai bùng nhùng rải vội có gắn pháo sáng và mìn định hướng. Bằng những thao tác điêu luyện, các chiến sĩ trinh sát đã nhanh chóng vô hiệu hóa pháo sáng và những quả mìn. Những ống bộc phá được luồn sâu vào hàng rào. Trong tích tắc, những tia chớp xé màn đêm. Những tiếng nổ đinh tai. Những loạt AK bắn găm chát chúa. Trung thét đến lạc giọng: “Xung phong!”, cả trung đội cùng thét: “Xung phong!”.
Những bóng đen lao vút qua cửa mở. Quả đồi rung lên trắng bệch dưới làn pháo sáng lơ lửng trên không. Bọn địch co cụm chống trả quyết liệt. Những luồng đạn AR15 đan chéo tạo nên lưới lửa đỏ lừ. Những tiếng nổ ùng ục của đạn M79.
Đơn vị Trung ào đến mép hào. Những loạt AK bắn găm. Những tia chớp lóa mắt. Tiếng bọn địch la hét, kêu rên thảm thiết.
Cương bám sát Trung. Hai người lao đi như hai mũi tên. Vừa xung phong, Cương vừa thay băng đạn thứ ba. Đến cuối đường hào, bỗng từ góc khuất, một họng súng đen ngòm chĩa về phía Cương, Trung chỉ kịp hét lên: “Thầy!” rồi anh vươn mình chắn đạn cho Cương. Sau tiếng nổ khô khốc, Trung đổ gục dưới chân Cương, tên địch chồm tới. Cương hét lên. Như một chiếc lò xo bị nén, anh bật người phi hai gọng kìm thép quặp chặt cổ tên địch. Cả hai đổ xuống mặt hào. Cương xoay người cắm phập lưỡi dao găm vào ngực kẻ thù. Đoạn anh lảo đảo lao về phía Trung. Dưới ánh sáng của những loạt đạn, mặt Trung tái nhợt, máu đẫm một vùng ngực. Cương ôm Trung vào lòng. Trung dúi vào tay Cương một gói nhỏ bọc trong lần giấy bạc của vỏ bao thuốc lá, Cương thì thào: “Thầy... đưa... lại cho... Vân”!
Dưới ánh chớp chập chờn của lửa đạn, đôi tròng mắt Trung rực lên nỗi khát khao, xoáy vào cặp mắt thất thần, man dại của Cương. Rồi đột nhiên, anh ngả đầu sang bên, buông cái nhìn lạnh lùng, lơ đãng vào khoảng trời đêm... vô định!...
Cương cắn chặt vành môi đến bật máu, anh trao Trung cho đồng chí cứu thương rồi lao đi như một con mãnh thú. Khẩu AK trong tay anh lóe lên những tia chớp căm hờn...
* * * *
Một làn gió nhẹ lướt qua. Vị Đại tá già như bừng tỉnh. Hai bàn tay ông run run rờ rẫm trên nấm mộ rêu phong. Ông từ từ đứng lên, bỗng có một bàn tay nồng ấm nắm chặt tay ông. Ông nhận ra Thu Vân...
Không gian tĩnh lặng. Hàng phi lao rì rào vi vút gió. Dưới ánh nắng trong suốt như pha lê của buổi sớm đầu đông, bóng hai người đổ dài lên ngôi mộ một màu tím thẫm.
Truyện ngắn của NGUYỄN ĐÌNH BẮC