Cuộc cách mạng vĩ đại, nhân văn ấy đã cởi trói, đã giải phóng hoàn toàn năng lượng của một dân tộc bị dồn nén suốt hàng nghìn năm bởi mọi kẻ thù, bởi sự tự ti của chính mình: "Dân hai lăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con" (Tản Đà).
Cuộc cách mạng ấy thể hiện tài năng kiệt xuất của Bác Hồ khi Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 5-1941 ra nghị quyết: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được". Trên nền tảng tư tưởng ấy, Mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội) được thành lập “liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật-Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sự liên hiệp, đoàn kết toàn dân tộc.
Bởi là thắng lợi chung, thắng lợi vĩ đại, là sự thỏa lòng dân nên cuộc đời, nên mỗi lòng người, mọi tầng, mọi giới đều cất lên những bài ca bất tuyệt mà dấu ấn còn ghi lại đậm nét trong các tác phẩm nghệ thuật: "Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời" (Tố Hữu).
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử nghệ thuật Việt Nam chính là lòng yêu nước. Nghệ thuật Việt Nam từ bài thơ “Nam quốc sơn hà” về sau chính là một tráng ca không dứt về tinh thần yêu nước, quyết tâm giữ nước và ca ngợi tình yêu thương gắn bó con người với con người; con người với quê hương đất nước, với các dân tộc anh em. Tuy nhiên, trước năm 1945, khi nước ta còn nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp, để tránh sự đàn áp, tiếng nói yêu nước trong nhiều văn nghệ sĩ phải ẩn mình, Thế Lữ đã phải hóa thành con hổ ở vườn bách thú “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt”, Huy Cận còn vô định “Củi một cành khô lạc mấy dòng”, Xuân Diệu cô đơn, lạnh lẽo trong thế giới “Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da”...
Cách mạng Tháng Tám không chỉ giành lại quyền độc lập cho một nước mà còn giành lại quyền làm người thiêng liêng mà tạo hóa đã ban cho, giành lại tinh thần độc lập và phát triển lành mạnh của nền văn học-nghệ thuật dân tộc.
Ngay sau Quốc khánh 2-9, nhà nước cách mạng non trẻ đã tổ chức Tuần lễ Văn hóa bắt đầu từ ngày chủ nhật (7-10-1945), bắt đầu từ triển lãm hội họa, sau đó một ngành một ngày. Ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất được tổ chức, Bác Hồ đến dự và phát biểu những quan điểm cơ bản về vai trò, đường hướng phát triển của văn hóa Việt Nam như: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt thì ta học. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ.
Như một phản ứng nhiệt hạch, Cách mạng Tháng Tám đã làm bùng nổ những năng lượng mới.
Nhận rõ âm mưu tái chiếm nước ta của thực dân Pháp, kết thúc "Tuyên ngôn Độc lập" đọc tại Quảng trường Ba Đình sáng 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Quyết tâm sắt đó đã được phổ vào trái tim chiến sĩ qua bài hát “Đoàn Vệ quốc quân" của Phan Huỳnh Điểu: "...Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/ Dù có gian nguy nhưng lòng không nề/ Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui!".
    |
 |
Tái hiện niềm vui Ngày Độc lập của người dân Thủ đô Hà Nội tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám trong Chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt". Ảnh do Ban tổ chức cung cấp
|
Trước, trong và sau cách mạng, còn vang lên những bài hát "Chiến sĩ Việt Nam", "Tiến quân ca" của Văn Cao; "Cùng nhau đi hồng binh" của Đinh Nhu; "Tiếng gọi thanh niên", "Lên đàng" của Lưu Hữu Phước; "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi hừng hực khí thế: "Đồng bào tuốt gươm vùng lên/ Đã đến ngày trả mối thù chung/ Diệt phát xít giết bầy chó đê hèn của chúng/ Tiến lên nền dân chủ cộng hòa/ Giành lại áo cơm tự do/ Dưới ánh cờ đỏ ánh vàng sao".
Về hội họa, ngoài những tranh cổ động đóng góp như những người lính xung kích có mặt ở khắp ngõ xóm trên các trận tuyến từ diệt giặc ngoại xâm đến giặc đói, giặc dốt. Giới mỹ thuật sau tuần văn hóa, tiếp thu ý kiến của Bác Hồ: “Những bức tranh này tỏ ra các nghệ sĩ của ta lâu nay đều đã cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi dưới đất mà lại muốn vút lên trời: Chất thơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít”... đã tổ chức được Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 18-8-1946. Rất nhiều tác phẩm tươi nguyên màu mới, đối tượng phản ánh mới: Những chiến sĩ tự vệ Hà Nội đội mũ ca lô sao vàng, những nữ sinh áo trắng đi quyên tiền ủng hộ Tuần lễ vàng; những lớp "Bình dân học vụ", những cánh đồng xôn xao liềm hái mới... Những bức sơn mài "Đêm hoa đăng" của Tạ Tỵ, "Chải đầu bên hồ" của Nguyễn Tiến Chung, "Lớp Bình dân học vụ" của Dương Bích Liên, "Tự vệ Huế" của Nguyễn Văn Bình, các bức vẽ, tượng chân dung Bác Hồ của Tô Ngọc Vân, Phan Kế An, Nguyễn Thị Kim đã cho thấy sự chuyển biến tư tưởng, sức sống mạnh mẽ của một nền nghệ thuật mới.
Thơ ca vẫn thường là người đi trước. Ngoài những bài thơ cách mạng của Tố Hữu, các nhà thơ lãng mạn giai đoạn 1930-1945 như được tái sinh và nhuộm hồng màu cờ cách mạng. Xuân Diệu hoàn thành ngay tráng ca “Ngọn Quốc kỳ” thể hiện rõ sự tưng bừng, thể hiện bản chất cách mạng nhân dân: "Ôi lịch sử! Cùng mấy ngày Tháng Tám/ Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân/ Nên đâu đâu trong ngõ hẻm, đường gần/ Khắp kẻ chợ đến làng quê cũng vậy/ Chị bán củi ra thị thành đón lấy/ Anh kéo xe làm giấy dán trên mui/ Em bé con hì hục cố pha mùi"...
Chỉ một ngày, chỉ một tiếng tách lật trang của lịch sử, Cách mạng Tháng Tám đã đẻ ra một nhà nước kiểu mới đầu tiên ở Đông Nam Á, đẻ ra sự sống mới mà Xuân Diệu viết rất hình tượng “Những căn lều xơ xác cũng ra hoa/ Trên gốc cũ nảy một chồi sống mới”.
Nghệ thuật cách mạng từ đây được xác lập vững chắc, được uống nguồn sữa trực tiếp từ trái tim, từ hiện thực hào hùng, sinh động của nhân dân mà lớn lên khỏe khoắn và không ngừng thăng hoa, đồng thời là một vũ khí sắc bén, một đội quân đặc biệt trong hàng quân cách mạng. Nền nghệ thuật ấy thời kỳ nào cũng có những thành tựu, nhưng theo tôi, chân thành nhất, đáng yêu nhất là khi viết về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Không chỉ Vũ Hoàng Chương, ba năm sau từ Việt Bắc còn rung động: "Ba mươi sáu phố, ngày hôm ấy/ Là những nhành sông đỏ sóng cờ/ Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại/ Năm cánh hoa xòe trên năm cửa ô"; nhạc sĩ Bùi Công Kỳ còn nhớ về "Ba Đình nắng": "Gió vút lên, ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên, đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây, lắng nghe bao tiếng gọi/ Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao"... Hàng chục năm sau, Tố Hữu vẫn còn như đứng giữa Ba Đình, tự hào về cách mạng, tự hào và biết ơn Bác Hồ, vị cha già dân tộc, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người sẽ còn dẫn lối cho ta tiến bước để xây dựng một nước Việt Nam sáng bừng trước thế giới trong tương lai:
"Việt Nam, ta lại gọi tên mình
Hạnh phúc nào hơn được tái sinh
Mát dạ ông cha nghìn thuở trước
Cho đời, hai tiếng mới quang vinh!
Hôm nay sáng mồng Hai tháng Chín
Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình
Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!
Trời bỗng xanh hơn, nắng chói lòa
Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta
Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!
(Tố Hữu)
Nhà thơ NGUYỄN SĨ ĐẠI