Cái thời ấy, cách đây hơn 20 năm, viết tay vì chưa có máy vi tính, gửi bưu điện vì chưa có email, nhuận bút cũng nhận qua bưu điện chứ chưa biết chuyển khoản là gì. Văn chương hình như có một diện mạo khác, một hơi thở khác. Nó chậm chạp và đơn độc. Ai ai cũng lầm lũi viết, lầm lũi gửi đi, may ra thì được in. Và biết tên của nhau hầu như qua mặt báo. Tôi với Nguyễn Đình Tú y như vậy. Anh em đọc truyện của nhau, biết tên nhau chán chê rồi mới gặp bên ngoài. Cùng lứa với chúng tôi dạo ấy đông lắm. Giờ mà kể sơ sơ cũng phải mất nửa ngày. Chúng tôi đều viết chăm chỉ và miệt mài. Từ Nam ra Bắc, thuộc tên nhau làu làu. Nhớ luôn cả giọng văn của nhau, nhớ cả bút danh lẫn tên thật, nhớ luôn cả trích ngang của mỗi người. Ham viết và ham đọc. Yêu quý nhau khi chưa gặp mặt. Ngưỡng mộ nhau qua từng truyện ngắn. Thật hồn nhiên và mê say. Phải chăng văn chương thời trẻ nó cũng khác?

Nguyễn Đình Tú học luật, rồi nhập ngũ, làm việc tại Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 3. Tôi thì đi học muộn, lúc anh Tú đi làm rồi, tôi vẫn đang học đại học. Thời ấy, Nguyễn Đình Tú nổi như cồn, oách nữa. Lứa tôi còn đang lọ mọ, người làm báo, kẻ viết văn tàng tàng, thì Nguyễn Đình Tú đã mặc quân phục thẳng nếp, quân hàm sĩ quan sáng choang, truyện ngắn in đĩnh đạc trên Văn nghệ Quân đội. Tôi còn nhớ như in cái lần anh bảo tôi: "Thúy định làm trẻ con đến bao giờ nữa? Hai mấy tuổi rồi. Giờ phải viết cho Văn nghệ Quân đội, cho Báo Văn nghệ, chứ cứ Hoa học trò với Sinh viên thì bao giờ mới trưởng thành được?". Anh chỉ hơn tôi đúng một tuổi, nhưng câu nói ấy làm tôi mở mang hẳn đầu óc ra. Quả có vậy. Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc bấy giờ, in được một tác phẩm ở đấy chẳng khác gì được cấp... hộ chiếu văn chương. Vẫn chưa hết, Nguyễn Đình Tú bảo tôi: "Văn nghệ Quân đội đang có cuộc thi truyện ngắn và thơ đấy, Thúy tham dự đi". Tôi nghe đến cuộc thi thì phát hoảng. In còn chưa chắc, nói gì thi. Tuy vậy, anh nói thêm: "Cứ gửi bừa đi. Đừng có nhát. Văn nghệ Quân đội là nơi rất quan tâm tới các tác giả trẻ, yên tâm là bài của em họ sẽ đọc kỹ. Nếu dự thi thơ thì gửi chú Nguyễn Đức Mậu, truyện ngắn thì gửi chú Trung Trung Đỉnh nhé!".

Vì được khích lệ nên tôi cũng liều, viết truyện ngắn gửi đi. Sau này, cuộc thi kết thúc, cả hai anh em đều đoạt giải. Tôi nói với Nguyễn Đình Tú: "Nếu không có anh bảo dự thi thì chẳng bao giờ em dám gửi". Tú cười: "Thì cũng là cái duyên thôi. Duyên văn chương đến thì nhận, mà nó không đến thì... thôi".

Rồi Nguyễn Đình Tú rời Quân khu 3, tôi rời Báo Hà Giang, cùng về Tạp chí Văn nghệ Quân đội một thời điểm.

leftcenterrightdel
Nhà văn Nguyễn Đình Tú tại Đại hội Chi hội Nhà văn Quân đội năm 2020.  Ảnh do nhân vật cung cấp 

Nguyễn Đình Tú là trai Hải Phòng. Hải Phòng là mảnh đất phóng khoáng, hào sảng, chấp nhận mọi phong cách, lối sống. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ... đã chọn mảnh đất này làm nơi sinh sống, sáng tác. Nguyễn Đình Tú có cái chất "thị dân" đất cảng rất rõ, khác biệt hẳn với những người cùng lứa tỉnh lẻ như chúng tôi. Trong khi chúng tôi lam lũ, ngơ ngác, đôi khi hoang mang, thất thần giữa Thủ đô thì Nguyễn Đình Tú lúc nào cũng đĩnh đạc, tự tin, đàng hoàng. Tú giỏi thích nghi. Về cơ quan, giao việc nào anh làm việc nấy ngay, cứ băng băng đi, dường như chẳng có bỡ ngỡ, trở ngại gì. Tôi với anh được cơ quan cử đi thực tế ở đơn vị 10 ngày. 10 ngày ấy đối với tôi cái gì cũng ngỡ ngàng. Để mà làm quen thì cũng hết phéng 2/3 thời gian mất rồi. Nhưng anh thì thoăn thoắt, cả thâm nhập thực tế, phỏng vấn bộ đội, theo bộ đội ra thao trường, cả sinh hoạt cá nhân, cứ đâu vào đấy. Đã thế, cái chất "thị dân" nó lại cứ lộ ra. Chỉnh tề tinh tươm, vóc dáng thư sinh, nhưng vào việc thì đâu ra đấy. Tôi cứ lẽo đẽo đi sau Nguyễn Đình Tú xộc vào từng ngóc ngách của đơn vị, rồi các anh giao việc gì thì cũng túm Nguyễn Đình Tú mà giao, rồi Tú lại chỉ bảo tôi chi tiết làm gì trước, làm gì sau.

Nguyễn Đình Tú là người hoạt ngôn. Có lẽ sau thế hệ chống Mỹ, mà điển hình là nhà văn Chu Lai, thì Nguyễn Đình Tú là người hoạt ngôn nhất Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hoạt ngôn phải có năng khiếu, cái này rõ ràng rồi. Nhưng còn phải có một sự tự tin, chắc chắn, sự am tường điều mình sắp nói; đặc biệt, phải có một lối tư duy khoa học, sắc sảo, một khả năng tổng hợp dữ liệu nhanh nhạy, chính xác. Nguyễn Đình Tú có tất cả những thứ đó, trừ một nhược điểm rất hài hước, là chất giọng địa phương đặc Hải Phòng. Nhưng ngay cả cái nhược điểm ấy cũng mang tới một sự hồn nhiên, đáng yêu riêng biệt rất Nguyễn Đình Tú.

Thời mới về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh viết rất nhiều, rất khỏe. Anh khiến mấy anh em cùng lứa phát sốt ruột. Làm sao có thể không sốt ruột được khi mình còn đang ì ạch viết truyện ngắn thì "ông ấy" đã ra tiểu thuyết ầm ầm. Mà tiểu thuyết còn "hot", còn bán chạy, còn được dựng phim đình đám nữa. Văn chương của Nguyễn Đình Tú bộc lộ một sự thông minh đặc biệt. Tất nhiên, người viết văn nào cũng thông minh cả. Nhưng không phải ai cũng có cái tư duy thông minh trong một tác phẩm cụ thể. Nguyễn Đình Tú có cái sở trường thuộc hàng hiếm, đấy là lĩnh vực mà anh đã làm việc. Điều tra, tội phạm, tòa án, luật... anh cày xới những góc khuất trong đời sống, anh lật tung các câu chuyện tội phạm. Đó không đơn thuần là do sẵn có tư liệu, không đơn thuần là việc kết hợp giữa chuyên môn đã được học, được làm với lao động văn chương, mà nó là sự biến hóa một cách tài tình giữa tư liệu với sáng tạo nghệ thuật. Nguyễn Đình Tú cũng là nhà văn "7X" hiếm hoi viết về người lính và chiến tranh cách mạng. Thậm chí lao cả vào đề tài rất gai góc là chiến tranh bảo vệ biên giới-đề tài đòi hỏi bản lĩnh cao độ và sự tinh nhạy xuất sắc để giữ vững được sợi chỉ mỏng manh xuyên suốt cả một cuốn sách dày mấy trăm trang thuyết phục được bạn đọc. Tài sản của Nguyễn Đình Tú là cả một chồng tiểu thuyết: "Hoang tâm", "Hồ sơ một tử tù", "Phiên bản", "Nháp", "Bên dòng Sầu Diện", "Xác phàm, "Kín", "Cô Mặc Sầu"...

leftcenterrightdel

Bộ tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Đình Tú. 

Vẫn chưa hết, Nguyễn Đình Tú còn viết sách cho thiếu nhi. Từ bản thân mà tôi suy ra rằng, hễ nhà văn nào làm bố, làm mẹ rồi cũng có lúc muốn viết một cuốn sách như món quà tặng con cái, như một cách để giữ lấy cái cảm xúc thú vị khi trở thành một ông bố, bà mẹ. Nhưng Nguyễn Đình Tú thì không hẳn vậy. Sau "Ba nàng lính ngự lâm", "Thế gian màu gì", "Chú bé đeo ba lô màu đỏ", Nguyễn Đình Tú lao vào một series sách fantasy (kỳ ảo) dành cho bạn trẻ. Hai tập của bộ "Bãi săn" là "Giếng cổ" và "Phản đồ" đã kịp ra mắt bạn đọc. Một thể loại mới có rất ít người viết ở Việt Nam, nhưng nó là thể loại sách thuộc hàng ăn khách trên thế giới. Trước khi nói đến sự hấp dẫn của hai cuốn sách thì phải nói đến khả năng làm việc đáng kinh ngạc của Nguyễn Đình Tú. Anh xoay xở, tả xung hữu đột, xông vào mọi thể loại, lao vào một cách chắc chắn và tự tin, không loại trừ cả sự liều lĩnh. Bộ sách đầy những yếu tố huyền ảo, kỳ dị, lôi cuốn, kích thích trí tưởng tượng, cho thấy biên độ trí tưởng tượng của Nguyễn Đình Tú rất lớn.

Lặng lẽ lao động, nhưng sống hồn nhiên và vui vẻ, nói nhiều, làm nhiều, ở đâu có Nguyễn Đình Tú là ở đó ồn ào lên. Anh có cái khả năng “chiếm diễn đàn” rất tài tình, cho dù ở đó đang quan tâm đến vấn đề gì, miễn là có hứng thú, thì anh sẽ nói say sưa không ngừng nghỉ, phân tích chi tiết, lập luận chặt chẽ, cuối cùng thường chốt lại một câu gì đó để mọi người đều phì cười. Nguyễn Đình Tú là một người rất có đầu óc tổ chức, một tư duy lý tính và khoa học, một khả năng tổng hợp xuất sắc, ấy vậy mà anh lại là một nhà văn-cái “loại” người thường được xem là lơ mơ trong cuộc đời.

Tôi sẽ tóm lược về chân dung Nguyễn Đình Tú hiện tại sinh động thế này: Một Đại tá, nhà văn, thường hay mặc quần kaki xanh da trời phối với áo phông màu hồng phấn, thêm đôi giày đỏ, mũ phớt rong ruổi khắp nơi, rồi ngồi viết fantasy. Còn trong đầu anh đang ấp ủ những ý đồ gì khiến bạn bè làng văn kinh ngạc nữa, thì chỉ có anh mới biết.

Ký chân dung của ĐỖ BÍCH THÚY