Giờ ngồi hình dung lại quãng đường đi xuyên qua thành phố để rẽ vào khu rừng u tịch, yên tĩnh ấy, tôi vẫn có cảm giác là mình đã từng rời khỏi hiện tại, để buông mình vào một đời sống khác, một thế giới khác. Trong thế giới ấy, mặc cho vật đổi sao dời, mặc cho cả thế giới đang ngày càng ở trên một mặt phẳng và con người cách nhau nửa vòng trái đất có thể nhìn thấy nhau chỉ sau một hồi chuông... mọi thứ vẫn đứng yên. Một cơn mưa ào tới, lất phất, lộp độp, rồi nổi thành những bong bóng chi chít trên mặt ao sen. Mưa như phần đuôi của cơn bão số 5 vừa quét qua miền Trung, dai dẳng, day dứt, không có dấu hiệu dừng lại. Trong cơn mưa ấy, dưới tháp chuông, bên cạnh quả chuông lớn im lìm, mấy thầy chùa trẻ tuổi đang ngồi uống trà. Sau lưng họ là những tán cây xanh biếc, ướt sũng. Tôi đứng sững từ xa, ngắm nhìn khung cảnh trong màn mưa giăng ấy mà lòng dạ thấy ngập tràn một cảm giác hạnh phúc. Chẳng phải sự yên bình luôn mang tới hạnh phúc hay sao? Hay nói cách khác, khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc, tự nhiên lòng dạ sẽ thanh bình, như mặt hồ.

Thực tế thì tôi vừa ngang qua một nỗi ám ảnh tột bậc: Những ngôi mộ của các thái giám triều Nguyễn. Đúng là vậy. Sau hàng thế kỷ, họ vẫn đang nằm lại trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.

leftcenterrightdel
Một góc khi lăng mộ các thái giám. 

Ở nước ta, trung bình, mỗi đời vua nhà Nguyễn có khoảng 200 thái giám. Đến tận thời Vua Bảo Đại mới bỏ hẳn chế độ thái giám ở trong cung. Gốc tích của các thái giám theo một số tài liệu thì thường là có hai hệ, đó là “giám sinh” và “giám lặt”. “Giám sinh” là những người con trai khi sinh ra đã bị khiếm khuyết mà dân gian thường gọi là “ái nam, ái nữ”. Theo quy định, gia đình nào sinh ra một người con như thế phải lập tức báo cáo với quan chức ở trong làng, rồi từ làng báo trên. Đứa trẻ ấy sẽ được ghi tên vào sổ theo dõi cho đến lúc cai sữa thì được đón vào cung nuôi nấng. Đến tuổi trưởng thành, Bộ Lễ sẽ đưa vào nội cung để làm thái giám, phục vụ những công việc thường ngày trong chốn hậu cung.

Theo quy định, làng nào có gia đình sinh được “giám sinh” thì cả làng ấy được miễn thuế đến 3 năm và đương nhiên khi đứa con đó đã trở thành thái giám thì cha mẹ, anh em ruột thịt sẽ nhận được rất nhiều đặc ân của triều đình.

Ngoài những thái giám có nguồn gốc là “giám sinh” thì trong hàng ngũ thái giám còn có những ông “giám lặt”. Họ là những thiếu niên bị “thiến” từ khi còn nhỏ rồi sau đó đưa vào cung nuôi. Sau khi bị “thiến”, bộ phận bị cắt bỏ sẽ được sao tẩm để cất giữ lâu dài, khi được thăng chức sẽ đưa ra để trình làm vật chứng và đến khi chết thì “bảo vật” ấy sẽ được chôn theo thi thể.

Các thái giám sẽ sống suốt đời trong cung, đến cuối đời, họ sẽ nằm chờ chết tại tòa nhà phía bắc Hoàng thành, gọi là Cung giám viện chứ không được chết ở trong cung. Nhìn thấy kết cục bi đát ấy, nhiều thái giám đã dành dụm tiền từ lúc còn trẻ khỏe để tìm nơi chôn cất cho chính mình. Khu nghĩa địa thái giám triều Nguyễn ở chùa Từ Hiếu ra đời trong hoàn cảnh ấy, với sự khởi xướng của một thái giám nhà Nguyễn có tên Châu Phước Năng.

Theo đó, vị thái giám này đã kêu gọi các thái giám trong triều quyên góp mở rộng Thảo Am Đường để sau này có nơi yên nghỉ và việc làm này được Vua Tự Đức chấp thuận. Do có công đóng góp xây dựng chùa nên khi chết các vị thái giám này được chôn cất tại một quả đồi nhỏ nằm cạnh chùa Từ Hiếu. Vì sự hiện diện của khu lăng mộ này mà chùa Từ Hiếu còn có một tên gọi khác là chùa Thái giám.

Trong khu mộ này cũng có một bia đá khắc nội dung nói về số phận hẩm hiu của các thái giám lúc về già: “Khi còn sống chúng tôi nương nhờ cửa Phật, mà khi chết thì biết nương nhờ vào đâu? Nhận thấy rằng phía tây thành có một miếng đất nên lấy gạch xây thành để có nơi thờ cúng về sau, gần với Phật mới là nơi thờ tự lâu dài, bằng hữu ốm đau có nơi chữa bệnh, ai nằm xuống có nơi để mà tống táng...”.

leftcenterrightdel
Dưới tháp chuông chùa Từ Hiếu. Ảnh: THANH AM

Cuối cùng thì, tuy không phải tất cả, nhưng một số vị thái giám cũng có được một nơi yên nghỉ vĩnh viễn, yên ổn, có người hương khói. Hàng thế kỷ đã trôi qua, khu mộ của các thái giám vẫn còn y nguyên trên ngọn đồi nhỏ kế bên chùa Từ Hiếu. Đi theo một lối mòn nhỏ bên phải chùa, sẽ thấy khu mộ nằm khiêm nhường với nhiều tấm bia vẫn còn rõ chữ. Trong cái lạnh lẽo của chiều tà màu xanh lam, trong cái tịch mịch của núi đồi cây cối, một phần của lịch sử như cựa quậy ngay trước mắt tôi. Dấu ấn của triều đại phong kiến cuối cùng, với những biến động lớn lao, với những nhân vật, sự kiện mà có lẽ sẽ còn tiếp tục gây tranh luận công tội trong suốt nhiều thế hệ sau này, dường như đang ẩn hiện ở ngay đây.

Có tài liệu nói rằng, khi thực dân Pháp tấn công Kinh thành Huế, nhiều thái giám không lo chạy trốn mà lo đi tìm cái hũ đựng một phần thân thể của mình với ý nguyện dù có chết cũng phải được chết cùng với cái phần ấy. Và nhiều người chưa kịp tìm thấy thì đã bị giặc giết. Cuộc đời của họ dừng lại, vĩnh viễn thiếu khuyết vì không ai biết cái phần còn lại của họ ở đâu, trong kho nào, hầm nào, phòng buồng nào, bình lọ nào.

Ông trời hình như không có ý định dứt cơn mưa trong cái buổi chiều tà ấy. Tôi đi xuống hồ sen. Hoa sen đã tàn hết từ lâu, những cái lá cũng gục đầu xuống mặt nước đang gợn sóng. Dưới hồ rất nhiều cá. Vài khách vãn chùa bẻ bánh quy thả xuống, hàng trăm con cá trèo lên lưng nhau để tranh ăn. Người ta nói, đấy đều là cá được người dân phóng sinh vào các dịp lễ trọng, có con to đến hàng yến và chúng cứ sống mãi ở trong cái hồ sen ấy. Phía ngoài, ngay sau cửa tam quan cũng có một cái hồ bán nguyệt rất đẹp. Trong một cuốn sách của một vị thiền sư, tôi nhớ có chi tiết ông nói rằng ngày xưa từng vặt mít non bên hồ, thái ra để làm món nộm.

Chùa Từ Hiếu, lăng mộ của các vị vua, khu kinh thành xưa... đều nằm ở bờ bắc sông Hương. Thành phố Huế có quy hoạch rất rõ ràng cho hai bên bờ dòng sông. Bờ nam là nơi thành phố trẻ trung, hiện đại, náo nhiệt, chộn rộn, tất bật từ sáng sớm cho tới đêm khuya; bờ bắc khác biệt tới mức trái ngược. Yên tĩnh, trầm buồn, thư thái, hoài cổ. Người như tôi, từng hình dung về một Huế “rất Huế” có lẽ đều muốn nói lời cảm ơn cách quy hoạch tuyệt vời ấy, để có thể đến tận hôm nay, những năm 20 của thế kỷ 21, sẽ vẫn có thể run rẩy cảm thấy linh hồn Huế ở đây.

leftcenterrightdel
Cổng vào chùa Từ Hiếu. Ảnh: THANH AM

Ai cũng nói Huế mà mưa thì buồn không tả xiết. Buồn như mưa Huế mà. Nhưng cơn mưa chiều này, đúng là đã khiến Huế buồn như là không thể buồn hơn, cũng khiến Huế đẹp như không thể đẹp hơn. Cái đẹp của sự an yên, bằng lòng, thương mến. Cho dù cơn bão số 5 vừa quét qua, chỉ trong khoảng 20 phút buổi sáng, nó đã khiến Huế tan tành bởi những gãy đổ của cây cối. Suốt dọc bờ sông Hương, đâu đâu cũng thấy gãy gục, cưa cắt, dọn dẹp, khuân vác.

Chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am do thiền sư Nhất Định lập nên vào năm 1843. Ngài vừa tu hành, vừa lo chăm sóc mẹ già. Cảm động về sự hiếu thảo của ngài, sau khi ngài viên tịch, Vua Tự Đức đặt cho chùa tên “Từ Hiếu tự”. Hiểu theo nghĩa của đạo Phật là đạo hiếu giữa bố mẹ và con cái.

Tôi là người cuối cùng rời đi. Mưa vẫn chưa dứt. Sau lưng tôi, ngay dưới một ô tam quan, thầy chùa chừng ngoài năm mươi đang đứng khoanh tay nhìn qua màn mưa ra mặt hồ bán nguyệt. Thầy đứng như một bức tượng, trong cái khoảng đối lập sáng tối còn lại của ngày. Nơi này, trong buổi chiều này, tất cả giống như khung cảnh một bộ phim, mà nó sống động và gợi cảm đến nỗi tôi cảm thấy khi mình rời đi, có lẽ mãi mãi sẽ có một phần cảm xúc còn ở lại, lẫn vào sỏi đá, cỏ cây.

Ở đây, tôi bị mất khái niệm thời gian. Hoặc là nó không tồn tại, hoặc là nó dừng lại, mặc cho bầu trời sẩm tối, mặc cho những hạt nước lạnh buốt rơi ướt hết ống kính...

Đây là nơi mà khi chưa đến thì tôi đã hình dung giống y như khi tôi đến. Thật là kỳ lạ.

Tùy bút của ĐỖ BÍCH THÚY