Ông Thanh năm nay ngót nghét 80 tuổi mà người còn gân guốc, khỏe mạnh, đặc biệt là đôi mắt lúc nào cũng sáng. Quán nước là cách gọi cho sang chứ thực ra căn nhà nhỏ xíu bằng gỗ, lợp mái lá của ông nằm dưới bóng mát của hàng si già được kê thêm mấy cái bàn ghế bằng tre trước cửa. Ông đặt trên bàn ấm nước chè tươi, mấy lon nước ngọt xanh đỏ. Ông chủ quán cũng lạ lắm. Ông thường bỏ nhà, bỏ quán để lúi húi với mấy sào đất ngoài đồng. Ai mỏi chân cứ ghé quán ngồi, khát nước cứ lấy nước chè uống miễn phí, còn uống nước ngọt thì cứ nhét tờ tiền dưới cái ấm nước cho ông. Nhiều người hỏi, bộ bỏ quán như vậy không sợ trộm cắp hả. Ông cười ha ha, vài ba chai nước có đáng là bao mà sợ này, sợ nọ.
Đợt bùng dịch giá sả cao ngút trời. Hồi đó, nghe nói người trên thành phố lùng mua sả nấu với tắc để uống, nấu sả để xông mũi họng cho mau khỏi bệnh. Mấy người buôn rau củ, tìm đến từng nhà mua tận gốc từng bó sả. Nhà ai trồng sả coi như kiếm mớ tiền. Vậy mà ông Thanh lại lúi húi cắt từng bó sả, cột lại gọn gàng, gửi theo xe tặng bà con thành phố. Đám rau muống mơn mởn, cả mấy luống rau mồng tơi đến độ cắt bán được rồi ông cũng gửi tặng nốt. Mọi người bảo ông gàn, tính ra cả tiền triệu chứ ít ỏi gì. Ông tặc lưỡi, người ta đang lay lắt, khổ sở bởi dịch bệnh, mình tính toán chi tiền ít, tiền nhiều.
Cái quán nước của ông Thanh mỗi chiều vui tề thiên ông địa. Đó là khi tụi thằng Nghi đi học về. Đạp xe lạch cạch đi ngang, kiểu gì tụi nhỏ cũng dựng chân chống, chạy ào vào quán xin nước uống. Thường tụi nhỏ chỉ xin lấy lệ, đứa nào đứa nấy cứ tự nhiên mà chạy ào đến cái lu bằng sành hứng nước mưa từ mái lá. Múc từng gáo nước, tranh nhau ngửa cổ tu ừng ực rồi lấy tay quẹt ngang. Nhiều khi chúng còn vô tư xin đá lạnh trong thùng xốp thả vào gáo nước mưa, đợi một xíu đá tan rồi chia nhau uống. Ông Thanh thường can, bảo vào nhà mà rót nước sôi, uống như vậy có ngày bị tào tháo rượt. Tụi nhỏ cười khúc khích, uống vậy suốt mà chưa bị tào tháo rượt bao giờ ông ơi!
Tụi thằng Nghi khoái ông lắm. Xin nước xong còn nán lại xem ông Thanh chẻ tre, chuốt nan để đan rổ, đan rế, đan sàng... Bàn tay ông khéo léo uốn từng nan tre, biến chúng thành những vật dụng nhỏ xinh. Ông còn chỉ tụi nó cách chọn tre, cách bắt từng cái nan sao cho vừa khít lại đẹp mắt. Tụi nhỏ căng mắt nhìn ông làm, căng tai nghe ông kể chuyện. Ông hay kể chuyện xa chuyện gần, chuyện mới chuyện cũ. Kiểu như nhớ đến đâu thì kể đến đó chứ chẳng có lớp lang văn võ gì. Ông nói hồi xưa nghèo lắm, làm gì được bưng chén cơm trắng mà chê ỏng chê eo như tụi nó bây giờ. Cái thời của ông, vừa học vừa ngó chừng máy bay bay vèo vèo trên đầu. Hễ nghe báo động là co giò chạy đi nấp. Bao nhiêu bận nhà cháy, lớp học cháy, chỉ thèm được yên bình mà học hành như tụi nó bây giờ thôi... Tụi nhỏ nín thinh nghe. Có đứa hoài nghi y như thể ông lôi những câu chuyện ấy ra từ trong phim vậy. Nhưng thằng Nghi thì tin sái cổ. Chuyện ông kể nhất định không thể là chuyện bịa được.
Một bữa trời nóng, ông Thanh cởi trần ngồi dưới hàng si già chẻ tre. Thằng Nghi sửng sốt khi thấy một vệt sẹo to tướng ngay chỗ thắt lưng của ông. Thằng Nghi hỏi chứ hồi xưa ông đánh lộn dữ lắm hả? Ông cười, chỉ cho nó thấy thêm một vết sẹo nơi bả vai, một vết sẹo khác nơi bắp đùi. Ờ ông đánh dữ lắm, nhưng là đánh kẻ địch xâm lược để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê mình đó mấy đứa. Rồi ông kể sự tích từng cái sẹo này là trận năm 1954, cái này là trận năm 1962... Ông nói mấy cái sẹo to đó không sợ vì mảnh đạn đã được lấy ra rồi. Còn duy nhất cái sẹo ngay bả vai khiến ông mỗi đợt trái gió trở trời là đau nhức không tả được vì một mảnh đạn còn sót lại trong đó.
Tụi nhỏ sửng sốt khi nghe rằng trong vết sẹo đó có đạn. Thằng Nghi hỏi, vậy chứ sao ông không lấy ra? Ông nói hồi xưa lấy khó vì mảnh đạn ăn sâu lại nhỏ quá, bác sĩ giữa rừng thiếu thuốc men, dụng cụ. Còn giờ đủ hiện đại ông lại không muốn lấy nó ra nữa. Để nó lại làm kỷ niệm. Thằng Nghi trề môi, sẹo mà cũng làm kỷ niệm. Ông cười, ngó ra cánh đồng rười rượi gió chiều. Ừ, thỉnh thoảng nó cộm lên đau nhức để nhắc nhớ mình về đồng đội, về anh em, về những người đã ngã xuống hôm qua. Kỷ niệm về một thời oai hùng, đau thương. Bao nhiêu đồng đội đã phải đánh đổi mạng sống, mất đi một phần thân thể, còn ông, thỉnh thoảng chỉ đau có chút xíu thôi thì nhằm nhò gì...
*
* *
Thằng Nghi phục ông Thanh sát đất từ cái dạo ông bày tụi nó làm mô hình đất nước Việt Nam. Dịp đó, cả trường chuẩn bị hoạt động chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các thầy cô phát động mỗi lớp tự làm và trang trí bản đồ Việt Nam. Có lớp nghĩ ra vẽ bản đồ trên tấm xốp, cắt ra rồi gắn lên mớ hoa bằng giấy màu sặc sỡ. Có lớp thì mua giấy kaki, mua màu nước, màu sáp về lúi húi làm. Còn lớp Nghi thì vẫn vò đầu bứt trán. Buổi chiều đó, Nghi không chạy ào vào quán xin nước uống mà mặt nhăn nhăn, thở dài. Ông Thanh hỏi, nó bảo nghĩ mãi không ra nên làm bản đồ kiểu gì để tuần sau nộp cho trường. Cô giáo phân công Nghi vì nó khéo tay nhất lớp. Đợt đó, đang vào mùa, cả cánh đồng đang cày bừa tấp nập để vào vụ mới. Thỉnh thoảng có người lại gánh từng gánh thóc giống đã ủ ra đồng vãi. Ông Thanh nghĩ ngay ra ý tưởng rồi gợi ý cho Nghi.
Bản đồ hình đất nước Việt Nam của Nghi được giải nhất toàn trường. Nghi học lớp 7, đạt giải cao hơn cả những anh chị lớp 9 làm nó phổng mũi. Mấy thanh tre mỏng được kết lại với nhau khéo léo. Trên bề mặt được quết một lớp bùn non mỏng tạo hình bản đồ đất nước. Rồi trên lớp bùn ấy, Nghi rải một lớp hạt thóc đã ủ mầm xin của mẹ. Chỗ Hoàng Sa, Trường Sa thêm vài nhúm nhỏ xíu nữa. Chỉ một tuần sau, mạ bật mầm lên xanh mơn mởn. Nghi dựng tấm nan tre lên, ai cũng bất ngờ vì tấm bản đồ quá đẹp. Hôm chở tấm bản đồ đến trường dự thi, ngay chỗ Thủ đô Hà Nội, Nghi ra vườn bứt một bông hoa đỏ chót cắm vào. Lúa non mượt làm những đường nét trên bản đồ mềm mại, sống động. Nghi đứng lên trình bày về tấm bản đồ của mình. Màu xanh là hy vọng, là bình an, là tuổi trẻ. Cây lúa tượng trưng cho sự ấm no, là hạnh phúc... Ai nấy say mê nghe. Các thầy cô không tiếc chấm cho Nghi điểm cao nhất.
Cũng từ dạo ấy, vị thế của “ông già bao đồng” càng tăng lên trong mắt tụi nhỏ. Có gì không biết, cứ đến hỏi là ông cho ra cả mớ gợi ý hay ho. Như dạo trước, cả xã râm ran bàn luận đợt tuyển nghĩa vụ quân sự năm nay. Giấy gọi khám nghĩa vụ được gửi đến tay từng thanh niên trong xóm. Thằng Nghi nói, anh Hai của nó cũng có giấy gọi. Ba mẹ nó buồn rười rượi vì anh Hai vừa tốt nghiệp đại học loại giỏi, ba đang đánh tiếng nhờ người họ hàng xin được chỗ ngon trên thành phố. Anh Hai nó thì mấy ngày không nói năng gì, ra điều đăm chiêu nghĩ ngợi. Nó nghĩ ông Thanh kiểu gì cũng có cách hay nên nằng nặc kéo anh Hai chở xe đạp ra quán ông Thanh mua nước ngọt. Ngồi hút rột ly nước mát lạnh, thằng Nghi hỏi:
- Bộ đi bộ đội cực khổ lắm hả ông? Sao mà ba mẹ rồi anh Hai cứ rối hết cả lên?
- Đi bộ đội không rèn luyện vất vả thì làm sao gọi là đi bộ đội được? Khó khăn, vất vả, đổ mồ hôi nhưng vinh quang con ạ. Bao nhiêu thế hệ cha ông mình đổ xương máu để giành lại hòa bình, mình đi bộ đội hai năm, có thấm vào đâu cơ chứ... Ông nghĩ, đó là môi trường tốt để rèn luyện bản lĩnh của người đàn ông đó con ạ.
- Ông Thanh hồi xưa là bộ đội đó anh Hai. Ông từng cầm súng chiến đấu với địch nhiều trận, giờ trên người vẫn còn mảnh đạn nữa đó.
Nói rồi thằng Nghi nhanh nhảu chạy lại kéo vai áo ông Thanh, chỉ cho anh Hai thấy vết sẹo như để làm chứng cho những lời mình vừa nói.
Ông nói, đâu ai muốn chiến tranh, muốn ra trận. Nhưng có kẻ xông đến xâm lược thì mình phải đứng lên bảo vệ quê hương thôi. Hồi đó, lớp thanh niên hay hát bài “Lá xanh” mỗi khi lên đường. “Lá còn xanh như bao anh còn trẻ... Anh là lá trên cành ngại gì gió mưa”. Ông lên đường chiến đấu khi tròn 18 tuổi, đợt đó còn có hai đứa bạn thân từ thời cởi truồng tắm mưa nữa. Chỉ có điều, bạn ông đã không thể trở về nữa. Bao nhiêu đồng đội của ông cũng hy sinh khi chưa đầy hai mươi. Bao nhiêu thanh xuân gộp lại mới đổi được thanh bình hôm nay...
Hôm huyện làm lễ tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, thằng Nghi chạy về khoe với ông Thanh rằng anh Hai nó oách lắm, mặc quân phục, mang ba lô, đội nón (mũ) y chang chú bộ đội nó coi trên ti vi vậy. Anh Hai nó còn nói mong muốn được phục vụ lâu dài trong Quân đội. Ba má nó rưng rưng xúc động, ở đâu cũng được, miễn sao con trở thành người có ích, đóng góp cho đất nước. Mai mốt lớn lên nó nhứt định sẽ đi bộ đội, sẽ giống như ông, như anh Hai...
Ông Thanh nghe thằng bé thao thao kể chuyện mà cười khà khà. Nhấp ngụm trà xanh, ông đưa mắt nhìn ra cánh đồng. Trước mắt ông dường như đang hiện ra cảnh đoàn quân hành quân xuyên rừng năm nào. Từng chiếc áo màu xanh lẫn trong muôn triệu mắt lá màu xanh, ngút ngàn, trải tới tận chân trời...
Truyện ngắn của NHƯ HIỀN