Nhưng vài năm sau, khi nghe Khánh Vân hát “Bài ca hy vọng” của Văn Ký thì trái tim non nớt của tôi đã mách bảo rằng âm nhạc mới còn có gì đó lộng lẫy và thánh thiện khác với âm nhạc tiền chiến. Có lẽ lúc ấy, ở tuổi “tam thập nhi lập”, Văn Ký đã chín. Khi tôi kể lại điều này, cảm nhận từ ấu thơ này của tôi, Văn Ký đã rơm rớm. Tôi còn nói với ông: “Có lẽ cái bát ngát của cánh đồng Vụ Bản-Nam Định đã cho Văn Cao mở ra cái không gian khoáng đạt trong “Thiên thai” và cho Văn Ký cái không gian mơ mộng trong “Bài ca hy vọng”. Thật vinh hạnh cho miền đất Vụ Bản đã có nhạc sĩ Văn Cao tài danh rồi, lại có thêm nhạc sĩ Văn Ký tài năng theo bước. Văn Ký chỉ sinh sau Văn Cao 5 năm (1928).

Nhưng cái điều mà tôi chia sẻ thêm với Văn Ký không chỉ dừng ở “Bài ca hy vọng” được hát lên bằng những ca từ tuyệt mỹ của khao khát, mà nó còn được réo rắt lên những cung bậc cao diệu khi nghệ sĩ Hải Thoại chuyển soạn nhạc phẩm này cho đàn guitar cũng không kém phần tuyệt tác. Có thể nói, bộ ba Văn Ký-Khánh Vân-Hải Thoại đã tạo nên sự bất hủ của nhạc phẩm này. Chính bởi thế mà Văn Ký đã chia sẻ lại với tôi về thời gian ông viết “Bài ca hy vọng”: Năm 1958 là năm mà cách mạng miền Nam ở vào hoàn cảnh cực kỳ đen tối. Ông muốn chia sẻ với đồng bào trong đó niềm hy vọng chiến thắng để họ có thể vững tin trong tranh đấu. Lúc đó, ông nghĩ tới bậc thầy F.Chopin. Bản “Etude” của F. Chopin mà ta hay gọi là “Nhạc buồn Sô-panh” được viết khi đất nước Ba Lan cũng trong khung cảnh đen tối như miền Nam năm 1958. Âm nhạc của bậc thầy này đã khiến Văn Ký cảm nhận và thăng hoa thành “Bài ca hy vọng”. Giai điệu “Ôi réo rắt cung huyền trong lòng người/ Ôi luyến tiếc khôn nguôi nỗi đầy vơi cho khiến lòng ta tan nát cùng khơi gió” đã “nhập đồng” vào “Về tương lai, đàn chim ơi! Cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu”.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Văn Ký. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đúng là từ năm 1958, sau “Bài ca hy vọng”, Văn Ký thực sự thăng hoa. Ông chia sẻ thế. Tôi cũng thấy vậy. Khi người mến mộ âm nhạc đang còn chìm đắm với giai điệu “Bài ca hy vọng” thì Văn Ký lại vẽ ra một bức tranh âm thanh khác với tràn trề màu âm Tây Nguyên. Đấy là “Tây Nguyên bất khuất” do Trần Chất thể hiện. Lúc ấy, cả miền Bắc đã mê mẩn thứ âm nhạc của miền cao nguyên xa xôi với âm thanh cồng chiêng, đàn T’rưng... qua những sáng tác của Nhật Lai như “Con chim lạc đàn”, “Tiếng hát M’nông Tipri”, “Chim poong kle” ... Thế nhưng người mến mộ âm nhạc vẫn tiếp tục nồng nhiệt đón nhận “Tây Nguyên bất khuất”. Chính “Tây Nguyên bất khuất” đã cùng Trần Chất vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên những năm chống Mỹ, cứu nước; và giai điệu ấy đã làm nức lòng những người lính ở Tây Nguyên trong ác liệt, gian khổ khi phải đối đầu trực tiếp với đội quân Mỹ-ngụy. Văn Ký đã thực sự cảm động khi tôi kể rằng sau Chiến thắng Buôn Ma Thuột năm 1975, tôi được đơn vị giao nhiệm vụ thành lập gấp một đội tuyên truyền văn hóa để phục vụ Tây Nguyên giải phóng. Trong đội tôi có một chiến sĩ người Tày Cao Bằng tên là Triệu Ngọc Lâm hát giọng nam cao rất hay. Tôi tập ngay cho Lâm hát “Tây Nguyên bất khuất”. Và chính Lâm đã biến “Tây Nguyên bất khuất” thành “điểm vàng” cho chương trình. “Tây Nguyên bất khuất” luôn dào dạt trong sóng vỗ tay của người nghe.

Văn Ký luôn làm người mến mộ âm nhạc bất ngờ. Tôi hỏi thế và Văn Ký cười. Nụ cười thật hiền. Quả có vậy. Năm 1960, kỷ niệm 15 năm Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa những âm thanh hoành tráng của hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” của Hồ Bắc, “Hồi tưởng” của Hoàng Vân, “Miền Nam anh dũng và bất khuất” của Phạm Tuyên, Văn Ký đã mừng đất nước bằng một ca khúc đậm đặc dân dã ở thể một đoạn đơn ngắn gọn đến không thể ngắn hơn và giai điệu đã đi thẳng vào lòng người và ở lại mãi mãi. “Reo lên muôn lời ca/ Như chim trong rừng hoa/ Toàn dân ta xây dựng nước ta/ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ A! Tương lai Tổ quốc/ Đẹp như ngàn mơ ước/ Bàn tay ta xây dựng nước ta/ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Tôi kể với Văn Ký rằng nhờ hát bài này của ông, tôi đã được bố tôi thưởng cho một cốc bia “Trúc Bạch” (lúc ấy giá hai hào rưỡi một chai) và thế là tôi nghiện luôn bia rượu từ đó tới giờ. Văn Ký lại cười. Ông đâu biết giai điệu của mình đã sống trong cuộc sống một cách tự nhiên như thế nào.

Câu chuyện đến đoạn này nữa thì Văn Ký cứ ngớ người ra. Năm 1963, vào mùa thu khai trường, sau ít ngày tôi vào học lớp 8C Trường cấp III Thái Phiên thì được thầy chủ nhiệm Thanh Tùng phân công làm quản ca. Nghe nói tôi biết xướng âm, thầy giao cho tôi dạy lớp bài hát “Bài ca thanh niên xung phong” của Văn Ký in trên nhạc bướm. Tôi cầm tờ nhạc bướm mà run hết cả người. May quá, tôi mở ra thì thấy bài hành khúc này không có hóa biểu. Vậy là dễ thở rồi, nhất là với người mới biết xướng âm tọ tẹ như tôi. Lấy hết bình tĩnh, tôi cất tiếng hát câu đầu sau khi nhẩm nốt nhạc: “Nghe vang khắp nơi như mùa xuân đang hát ca”. Tôi hát 3 lần và bắt nhịp cả lớp tập theo. Cuối cùng cũng trót lọt. Nhờ bản hành khúc này, năm 1965, tôi đã viết cho trường “Bài ca tự vệ trường Thái Phiên”, đến bây giờ trường vẫn coi là “Thái Phiên ca”. Còn vì sao Văn Ký ngớ ra, bởi có lẽ giai đoạn đó Văn Ký viết nhiều đến nỗi không nhớ hết. Để anh em vui vẻ, tôi ký âm lại tặng Văn Ký như một kỷ niệm của đàn em tặng lại đàn anh kính mến, giống như tôi đã từng ký âm lại “Bài ca sau tay lái” tặng lại Hoàng Vân.

Tôi cũng đã không giấu lòng mà nói với Văn Ký, tôi nể phục nhất trong các bài hát nổi tiếng của ông chính là “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”. Nể phục về việc làm chủ chất liệu dân ca sli, lượn trong giai điệu. Nể phục về việc làm chủ nhịp điệu kép 3/4, 2/4 thay đổi một cách uyển chuyển giữa các ô nhịp. Thậm chí có lúc để nhấn mạnh, ông đã sử dụng đến 4 ô nhịp 1/4: “Từ bàn tay cô dựng lên ngôi trường mới đấy”. Nhưng nể phục hơn cả là nhìn văn bản thì phức tạp như thế, song khi đã uyển chuyển giai điệu vào lòng thì mọi sự phức tạp đều biến mất, chỉ thấy một vẻ đẹp tràn đầy sương mờ vùng cao trong một nhạc phẩm độc đáo không dễ gì lặp lại được.

 Năm 1971, tôi nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học, bản hành khúc “Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh” của Văn Ký là một trong những bản hành khúc dẫn bước chúng tôi đến chiến trường Quảng Trị mùa hè 1972. Tôi thích bài hát này vì hành khúc đã sử dụng chất liệu “Trống cơm” của quan họ Bắc Ninh đưa vào giai điệu rất nhuần nhị. (Tiếc là trong tuyển tập ca khúc ông tặng tôi thì hành khúc này khi in đã bị rơi mất dòng nhạc cuối). Làm sao không hát hành khúc này được khi Trường Sơn cứ mở ra như đúng lời bài hát: “Ta băng qua lửa đạn/ Tiến về những chiến trường/ Suối ngàn đèo dốc cheo leo/ Cây rừng tỏa bóng chim reo...”. Điều này cũng khiến Văn Ký ngỡ ngàng.

Sau ngày thống nhất, khi những giai điệu rộn rã mừng chiến thắng dần lắng, người nghe tuy chưa biết đến “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao vì nhiều lý do, nhưng họ đã được đón nhận những ngẫm nghĩ sâu lắng từ “Nha Trang mùa thu lại về”. Văn Ký đã tâm sự rằng, khi đến biển Nha Trang đẹp đến nao lòng, ông thấy những mùa thu mà tuổi tác đã đi qua thì riêng mùa thu ở Nha Trang năm 1977 lại là mùa thu của cả đất nước như mùa thu năm 1945, những mùa thu đã làm thay đổi số phận của mỗi con người, thay đổi số phận của cả dân tộc. “Nha Trang mùa thu lại về” qua giọng ca mỏng manh của Ái Vân lại rất đúng tâm trạng Văn Ký khi viết giai điệu tuyệt đẹp này.

Viết về Nha Trang rồi, Văn Ký lại quay về với đề tài Hà Nội năm 1979. Ông chia sẻ với tôi rằng khi nghe “Gửi nắng cho em” của Phạm Tuyên (phổ thơ Bùi Văn Dung), ông có ý định tạo ra một cái tứ khác để viết về Hà Nội. Cái tứ là một cô gái miền Nam tâm tình với người yêu là chàng trai Hà Nội từ quê dừa nơi xa. Bởi thế, “Hà Nội mùa xuân” đã ra đời: “Gửi về anh người trai Hà Nội/ Từ nơi xa xôi quê dừa em đã hẹn”. Quê dừa là Bến Tre, Văn Ký cười và nói vậy.

Nhưng phải đến năm 1983, Văn Ký mới thực sự góp vào kho tàng những bài hát hay về Hà Nội bằng “Trời Hà Nội xanh”. Ông nói với tôi rằng ông nghĩ mãi thì chưa thấy ai đặc tả cái màu xanh của bầu trời Hà Nội. Và thế là ông viết “Trời Hà Nội xanh”. Ở bầu trời thân thuộc ấy, người Hà Nội đã từng chứng kiến cờ đỏ sao vàng tung bay trong Cách mạng Tháng Tám, rồi lại trở thành “trời Điện Biên” những ngày đêm chiến thắng B-52 mùa đông 1972 và những đêm pháo hoa tưng bừng nao nức bao dịp kỷ niệm. Văn Ký nói thêm, có lẽ sau “Nha Trang mùa thu lại về”, ông đã dùng chất nhạc nhẹ khá thành công trong “Trời Hà Nội xanh” và sử dụng khúc thức ba đoạn đơn (A-B-Á) rất đắc địa mặc dù ông rất ít khi dùng.

Cũng phải thân lắm, ông mới cho tôi xem những tờ giới thiệu chương trình biểu diễn tác phẩm “Tổ khúc vũ kịch Kơ Nhí” của ông ở Nga, ở Cộng hòa Dân chủ Đức cuối năm 1972. Ở chương trình này, tác phẩm của Văn Ký được vang lên cùng tác phẩm của L.V. Beethoven, P.I.Tchaikovsky và S.S.Prokofiev. Đấy là niềm tự hào mà Văn Ký luôn giữ trong lòng.

Văn Ký rất hợp với việc luyện tập yoga. Có lẽ nhờ thế mà ông sống thọ hơn nhiều so với đàn anh đồng hương Văn Cao. Ông cũng có bảo tôi nên tập yoga. Nhưng tôi không làm theo được, chỉ cười, cảm ơn ông. Nhờ có sức khỏe, ông vẫn viết rất đều. Giữa năm 2017, tôi ra mắt 13 tập sách âm nhạc ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ông đến chúc mừng rất sớm và phát biểu rất chân thành về các ấn phẩm của tôi. Mới đây thôi, ông vẫn là trưởng lão cao niên nhất dự Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng ở đời, có ai tránh được mệnh.

Trưa 26-10-2020, khi tôi đang đi theo đường dẫn lên phi cơ để bay vào TP Hồ Chí Minh thực hiện chuyến đi tới đất mũi Cà Mau thì nghe tin ông đã tạ thế. Tôi thầm trách trời sao lại đặt tôi trong tình cảnh éo le thế này, để không thể hiện diện trong tang lễ ông. Nhưng mọi việc đã được sắp xếp, làm sao có thể thay đổi được. Song đến khi ra tới cái chòi rộng bằng đước dựng giữa biển đất mũi bao la, trong xúc động dâng trào, sau khi hát “Gửi Cà Mau” của nhạc sĩ đàn anh Thanh Trúc (Lâm Quang Măng), tôi đã hát “Cà Mau ơi, ta đã gặp nhau rồi” của Văn Ký viết năm 1980: “Ngày ra đi ta đã hẹn/ Dù xa nhau trăm sông hay ngàn núi/ Nơi đất mũi cuối cùng của Tổ quốc/ Một ngày vui ta sẽ gặp nhau...”, thì tôi không còn ân hận gì về việc không có mặt trong tang lễ của ông. Có lẽ ông đã thầm gửi qua tôi lời chào vĩnh biệt với miền đất cuối cùng của Tổ quốc mà ông từng đến và sáng tác từ 40 năm trước.

Nhiều năm nay, tôi đã nhiều lần phải làm một việc rất buồn là xóa số điện thoại của những người thân quen khi họ đi về cõi vĩnh hằng. Khi viết xong những kỷ niệm với ông, tôi cũng định làm công việc nói trên. Nhưng khi đọc số điện thoại của ông 0989125669 thì theo nhạc số, tôi nhận ra đấy là một giai điệu đặc biệt. Có thể đọc thành nốt nhạc là rế-đô-rế-đồ-rê-sol-la-la-rế. Tôi thấy hiện ngay ra lời vĩnh biệt ông theo giai điệu này. Đó là: “Tiếc thương quá người như ông Văn Ký”. Không biết ở nơi xa xăm, ông có cảm nhận được sự tiếc thương này của riêng tôi cũng như của cuộc đời đối với một tài năng âm nhạc như ông?

NGUYỄN THỤY KHA