Thành ngữ "Cầm kỳ thi họa" đã được người Việt sử dụng một cách khá phổ biến trong đời sống từ xưa tới nay.
Về ý nghĩa của các chữ trong câu thành ngữ như sau: Cầm là đàn, kỳ là cờ, thi là thơ, họa là vẽ. Đánh đàn, đánh cờ, biết làm thơ và biết vẽ tranh là 4 thú giải trí thanh nhã của người xưa. Từ đó, người xưa thường căn cứ vào sự tinh thông, giỏi giang về cầm, kỳ, thi, họa của một người để phân biệt người có tài hay không. Như nhà thơ Nguyễn Công Trứ từng viết: “Cầm kỳ thi tửu/ Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay"...
Ngôn ngữ của thi ca là tinh hoa của nghệ thuật. Những âm thanh thiết tha, trầm lắng của âm nhạc giúp tâm hồn con người thư thái, sống lạc quan, yêu đời. Màu sắc, nét vẽ trong các bức họa chính là biểu hiện cảm xúc của người họa sĩ về phong cảnh thiên nhiên, đất trời, cây cỏ, động vật, chân dung cuộc sống thường ngày...
Nói “Cầm kỳ thi họa" là để nói lên sự đa tài, tinh thông mọi thứ của một người. Chính là người mà chơi đàn giỏi, chơi cờ giỏi, viết chữ làm thơ và vẽ tranh đều thông thạo. “Tứ nghệ” đó không chỉ là cách để người xưa tu thân dưỡng tính, bồi dưỡng phẩm hạnh mà còn là một mối liên thông giữa trí tuệ của con người và trời đất. Bí ẩn của các vị thần cổ đại chứa đựng trong kho tàng đó, cũng là tinh hoa của văn hóa nghệ thuật xuyên suốt lịch sử.
CỬ NGUYỄN