Dũng gãi đầu, gãi tai:

- Dạ, phải là "bình rượu mơ" chứ ạ!

- Ôi dào, mơ với mận gì, anh mà ưng tôi trao cả bình lẫn rượu.

Bao nhiêu chuyện tán gẫu giữa bố và Dũng, Nụ đều nghe thấy hết. Những khi ấy gương mặt cô lại bừng bừng lên. Vì thế, nếu có vô tình gặp mặt, Nụ không dám nhìn thẳng vào mắt Dũng. Còn với Dũng, anh lại mến nét dịu dàng của cô gái miền quan họ vừa đảm đang, vừa hát hay. Một buổi tập văn nghệ, Nụ ngân nga câu quan họ trong bài “Còn duyên”: “Có yêu nhau sang chơi cửa chơi nhà. Cho thầy là thầy mẹ biết, để đuốc hoa, chứ đuốc hoa định ngày...”.

Ngoài hát, Nụ còn tham gia cùng với các anh bộ đội đóng tiểu phẩm. Buổi tập chuẩn bị cho đêm giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân diễn ra tại sân nhà văn hóa thôn, Dũng được giao vai anh bộ đội công tác xa nhà, còn Nụ đóng vai người vợ. Tiểu phẩm có những cảnh diễn nội tâm rất tình tứ. Dù đã tập mấy hôm nhưng hai người vẫn còn ngượng ngùng.

Đứng cạnh Nụ, Dũng bắt đầu thủ thỉ:

- Anh đi công tác xa, em ở nhà gắng giữ gìn sức khỏe!

- Đợt này anh đi có lâu không? Em cũng sắp đến ngày sinh con rồi.

- Anh cũng không rõ nữa, tùy vào nhiệm vụ của đơn vị. Để xem tình hình thế nào, anh sẽ xin nghỉ sau.

- Em... em nhớ anh!

leftcenterrightdel
Minh họa truyện vui: QUANG CƯỜNG 

Hai người đang diễn khá mùi mẫn thì tiếng đồng chí Chính trị viên vang lên:

- Dừng... dừng lại. Lúc này cô Nụ phải khóc nấc lên rồi gục đầu vào vai chồng. Còn cậu Dũng, sao cái tay lại để thừa thãi thế kia, ôm chặt cô ấy chứ.

Nghe vậy, Nụ liền chống chế:

- Dạ, anh ơi, em đã có chồng con gì đâu mà nức với nở được cơ chứ.

- Đã là diễn thì phải sâu, phải như thật chứ. Nào mọi người tập tiếp đi.

Sớm hôm sau, đơn vị và địa phương tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Nụ và Dũng cùng làm một vị trí. Các chiến sĩ thấy vậy liền đùa vui:

- Cứ tưởng vợ chồng chỉ trên sân khấu thôi chứ, thủ trưởng còn đưa “vợ” đi đào mương xẻ rãnh nữa hả?

Nghe vậy, Nụ tủm tỉm đáp lại:

- Thì “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Nhà em định dẫn nước về làm vài sào ruộng khoán cuối năm còn thu hoạch.

Dũng nhìn Nụ mỉm cười. Thế rồi anh dùng cào vớt bèo, xắn quần lội mương khơi dòng chảy. Do mải bốc bùn và đưa cỏ lên bờ nên Dũng bị trượt chân ngã bổ nhào vào người Nụ. Đôi bàn tay đầy bùn in rõ trên lưng áo Nụ. Cả hai đều luống cuống đứng dậy. Dũng mặt mũi đỏ nhừ, ấp úng nói xin lỗi rồi dìu Nụ lên bờ. 

Thế rồi đợt hành quân dã ngoại ở thôn Trần cũng kết thúc. Đêm trước chia tay, chương trình văn nghệ có tiểu phẩm nhận được những tràng pháo tay tán thưởng nhiệt liệt của đồng đội và bà con. Ngày lên đường trở về đơn vị, Dũng dậy thật sớm, cùng cả nhà ăn bữa cơm sáng để chia tay. Nụ cứ bịn rịn y như cái cảnh trong tiểu phẩm. Khi tiễn Dũng ra đầu ngõ, cô trao cho anh tấm hình chụp chung hôm biểu diễn văn nghệ với lời đính kèm “Người ơi câu đợi câu chờ...”.

Giờ chia tay, Nụ cùng các cô thôn nữ đồng thanh cất lên khúc hát: “Người ơi người ở đừng về”. Dũng bước đi mà lòng vấn vương. Anh thầm hứa sẽ trở lại để cùng cô gái làng quan họ kết sợi tơ hồng, cùng hát khúc giao duyên...

Truyện vui của MINH KHÔI