Vấn đề xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học đang có nhiều ý kiến khác nhau, các cơ quan hữu quan cũng chưa có tờ trình cụ thể nào về vấn đề này. Để có một hệ giá trị chuẩn mực, con đường trao đổi trên các phương tiện truyền thông có lẽ sẽ hữu ích cho những cá nhân và cơ quan được giao trọng trách về vấn đề này. Tôi rất cảm ơn các đồng nghiệp đã quan tâm trao đổi trực tiếp với tôi về 3 bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề chiến lược xây dựng con người Việt Nam của Đảng trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

leftcenterrightdel
“Tương thân tương ái” là phẩm chất truyền thống của người Việt Nam (Trong ảnh: Thầy thuốc Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Văn Chung

Trước tiên, xin được làm rõ thêm khái niệm người Việt Nam hiện đại được hiểu là người Việt Nam đương đại, người Việt Nam thời kỳ hiện đại, không có ý khu biệt với người lạc hậu. Bởi vậy, chuẩn mực được hiểu là của tất cả người Việt Nam. Những phẩm chất theo chuẩn mực này có tính phổ quát cho mọi người, đồng thời là những phẩm chất cần có của mỗi người Việt Nam hiện nay. Từ hệ giá trị chuẩn mực này, đối với từng nhóm người với vị trí xã hội khác nhau, giới tính, tuổi tác, vùng miền... khác nhau có thể được cụ thể hóa ở các mức độ khác nhau sao cho phù hợp và dễ triển khai trong hoạt động thực tiễn. Trong xã hội phong kiến, khi đạo Khổng thịnh hành, người ta đề cao phẩm chất quân tử “thực vô cầu bão”, “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” là những phẩm chất người thường không có được. Người ta cũng định ra các chuẩn mực tam cương, ngũ thường cho nam giới và công, dung, ngôn, hạnh cho nữ giới... để mọi người trong xã hội tùy theo giới tính và địa vị xã hội mà tu dưỡng, hành xử sao cho phải đạo. Tất nhiên, những chuẩn mực ấy không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Nhưng vấn đề là phải có cái chuẩn có thể hình dung được, đánh giá được làm mực thước để mọi người có thể nương theo đó, khuôn theo đó mà tu dưỡng, rèn luyện. Có như vậy con người mới đỡ chơi vơi trong một xã hội năng động với nhịp sống gấp gáp hơn, nhiều cơ hội và cũng nhiều rủi ro hơn. Yếu tố phổ quát và cần có của các chuẩn mực làm cho nó được khả thi trong thực tiễn xây dựng con người Việt Nam hiện nay.

Nhà thơ, nhà báo Hồng Vinh cho rằng, con người Việt Nam thượng tôn pháp luật, tự trọng, trung thực là chưa đủ mà cần có dũng khí phân biệt đúng-sai, dũng cảm đứng lên bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, tẩy chay cái xấu, cái không đúng. Thói cơ hội, xu nịnh, “ngậm miệng ăn tiền” phải bị đả phá. “Dũng khí” có thể là biểu hiện cụ thể hơn, thái độ rõ ràng, mạnh mẽ hơn và cần có đối với cán bộ, đảng viên. Phẩm chất trung thực của con người mới là nền tảng phân biệt cái đúng, cái sai, cái xấu và cái tốt, chứ chưa thể hiện rõ thái độ dứt khoát đứng về phía cái tốt, đả phá cái xấu. Thật là một ý kiến cần trao đổi thêm trong tình hình thực tế hiện nay!

Một số đồng nghiệp có trao đổi về sự thiếu yếu tố “đức, trí” trong chuẩn mực thứ hai: Khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần, có năng lực thích ứng với cuộc sống hiện đại. Đạo đức đang là vấn đề nan giải hiện nay. Tuy nhiên, nếu đạt được 4 tiêu chí trong hệ chuẩn mực thì con người là có đạo đức. Đạo đức được đong đếm trong các biểu hiện cụ thể. “Có năng lực thích ứng với cuộc sống hiện đại” trong đó có “trí” và có cả “đức”.

Vấn đề xây dựng con người Việt Nam thời đại mới quả còn nhiều điều cần trao đổi, thảo luận. Không thể có một hệ giá trị chuẩn mực đầy đủ theo mọi góc nhìn, cho tất cả người Việt Nam. Tuy nhiên, sự cần thiết phải có những chuẩn mực để “quy chiếu” làm thước, làm cái “tay vịn” cho con người xã hội hiện nay là điều hết sức cần thiết. Trao đổi, tranh luận trên tinh thần ấy ngõ hầu cho ra một kết quả hữu dụng chăng?!

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC