Mặt trận chiến lược
Sau nhiều lần hẹn gặp, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện rất tâm huyết. Nói về công tác ngoại giao phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, giọng ông Vũ trầm lắng: “Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác PCD, trong đó có triển khai chiến lược vaccine, gồm 3 nhiệm vụ chính: Tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; tổ chức nghiên cứu và tiến hành sản xuất vaccine trong nước”.
Trong nửa đầu năm 2021, do Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh nên không được ưu tiên phân phối vaccine, trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Sự việc bất ngờ diễn biến xấu, khi đợt bùng phát dịch thứ tư lan rộng và gây hậu quả trầm trọng đối với mọi mặt đời sống xã hội. Đứng trước thách thức mới, Việt Nam không ngần ngại đối diện với khó khăn, đề cập thẳng thắn vấn đề vaccine với các quốc gia bạn bè, đối tác trên thế giới.
|
|
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn liên tục tổ chức những cuộc họp cùng các bộ, ban, ngành về phòng, chống Covid-19. Ảnh: BNG |
Trong cuộc họp ngày 24-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: "Khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vaccine, đặc biệt là việc cung ứng, sớm thực hiện tiêm vaccine diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh". Nhằm đẩy mạnh triển khai ngoại giao vaccine, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cảm ơn sự quan tâm và hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Việt Nam trong thời gian qua và đề nghị EU hỗ trợ tối đa cho Việt Nam thông qua các hoạt động viện trợ, nhượng lại vaccine, chia sẻ công nghệ, cung cấp trang thiết bị y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với đại dịch. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có thư gửi bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, mong muốn EU xem xét hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vaccine cho Việt Nam và các nước ASEAN trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay trong khu vực.
Nhằm nhanh chóng tiếp cận với nhiều nguồn vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Việc thành lập tổ công tác cũng khẳng định quyết tâm rất cao và sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chiến lược vaccine để mở rộng tiêm chủng cho toàn dân. Bên cạnh việc tạo mọi thuận lợi để đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trước mắt cần đẩy mạnh ngoại giao vaccine để tiếp cận nhanh nhất, đưa vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19 về nước nhiều nhất và sớm nhất có thể.
Trong chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine là một mũi nhọn quan trọng, là giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa lâu dài nhằm bảo đảm nguồn vaccine để bảo vệ sức khỏe nhân dân; đồng thời, tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh bình thường, nhất là trong tình hình thiếu hụt vaccine và tiếp cận bất bình đẳng về vaccine trên toàn cầu. Để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao vaccine, Bộ Ngoại giao xác định vận động cấp cao có ý nghĩa quyết định. Bộ kiến nghị lồng ghép nội dung vận động vaccine trong tất cả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao. Các kiến nghị đó đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các hãng sản xuất để có thể tiếp cận các nguồn vaccine.
Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc trong và ngoài nước, không có cuộc làm việc đối ngoại nào của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà không đề cập đến hợp tác về vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác. “Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Ban Đối ngoại Trung ương đã bố trí, phục vụ 8 cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong các cuộc điện đàm ấy, Tổng Bí thư đều nêu các vấn đề liên quan đến hợp tác, PCD Covid-19, nêu rõ chính sách của Việt Nam trong công tác PCD và đề nghị các đối tác có hình thức phù hợp để hỗ trợ cả về tri thức, cả về tiếp cận vaccine và công nghệ cho Việt Nam”, ông Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho biết.
Lực lượng trên tuyến đầu
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các hoạt động đối ngoại cấp cao qua kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai hết sức thần tốc, khẩn trương, quyết liệt.
- Việt Nam có thể nhận vaccine từ những nguồn nào? - Chúng tôi băn khoăn.
- Trước hết, chúng ta nhập vaccine viện trợ qua Cơ chế COVAX, cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine Covid-19. Cơ chế này bảo đảm cho 20% dân số các quốc gia tham gia được tiếp cận vaccine trong năm 2021. Việt Nam là thành viên và đã đóng góp 500.000USD cho Cơ chế COVAX, là một trong số ít các nước đang phát triển đóng góp tài chính cho COVAX. Thứ hai, mua trực tiếp từ các hãng sản xuất vaccine như Pfizer, AstraZeneca, hoặc mua từ các nước có tiềm năng sản xuất vaccine, như: Cuba, Trung Quốc, Nga... Thứ ba, thương lượng để chuyển nhượng, vay quota vaccine dôi dư của các nước trong Cơ chế COVAX. Thứ tư, vaccine được các nước viện trợ, tặng. - Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Như vậy, nhiệm vụ của ngoại giao vaccine là tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương để vận động, nhằm khơi thông, thúc đẩy những nguồn cung trên cũng như mở ra các nguồn cung mới, làm sao có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất về Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Ngoại giao đã huy động nguồn sức mạnh tổng lực, chỉ đạo sát sao các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai chiến dịch tìm kiếm, vận động các nguồn vaccine. Triển khai chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Ngoại giao, với tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, nhân dân, các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán đã phát huy hiệu quả vai trò đại diện của Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài để đóng góp cho công tác PCD trong nước. Trên mặt trận ngoại giao vaccine, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng tuyến đầu trong phát hiện, tìm kiếm, kết nối, vận động tiếp cận các nguồn cung vaccine và hợp tác sản xuất vaccine, các nguồn thuốc điều trị, trang thiết bị y tế để kịp thời thông tin về nước, triển khai đàm phán, mua sắm, tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời công tác tiêm chủng, PCD và điều trị bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện liên tục thông tin, tìm tòi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về PCD Covid-19, triển khai các mô hình, biện pháp ứng phó hiệu quả, tham mưu cho Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng PCD trong nước để sớm kiểm soát dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: "Sau khi thành lập tổ công tác, các cơ quan đại diện của chúng ta ở khắp thế giới chia sẻ thông tin về trong nước. Bộ Ngoại giao là đầu mối sẽ phối hợp, chia sẻ để thông tin với các bộ, ngành liên quan. Khi có thông tin một số nước bạn bè truyền thống của chúng ta có nguồn dôi dư về vaccine, lập tức tổ công tác vào cuộc xử lý nhanh, xử lý quyết liệt, quy trình xử lý nhanh gọn, trong thời gian ngắn đưa vaccine về Việt Nam”.
Trong cuộc chiến "chống dịch như chống giặc", các “chiến sĩ” trên mặt trận ngoại giao phải đương đầu với nhiều thử thách. Trong nhiều hoàn cảnh, tình thế khó khăn, giá trị văn hóa con người Việt Nam, vị thế đất nước là “chiếc phao cứu sinh” để hoạt động ngoại giao vaccine thành công. Mời bạn đọc theo dõi bài tiếp theo về những câu chuyện cảm động như thế.
HẢI LÝ - PHẠM TUẤN
(còn nữa)