Bởi nếu băn khoăn về giá cả sẽ mất đi sự linh thiêng. Hiểu được ý niệm này, người bán, người mua cả năm sẽ được “tấn tài, tấn lộc”, còn nói vui như các liền anh liền chị ở Kinh Bắc là “đầu năm mong được may được mắn”. Chợ Viềng còn mang sắc thái hội xuân bởi đến phiên chợ này, du khách được tham dự các trò chơi dân gian, nghệ thuật truyền thống như: Chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ tướng, đấu vật, múa rối, xin chữ... Các hoạt động mang sắc thái văn hóa, giá trị nhân văn về đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 Mua lưỡi cuốc để cầu mong mùa màng bội thu.

 

Tác giả (một người con lớn lên tại Nam Trực) năm nay đi chợ Viềng cảm thấy vui trong lòng, bởi câu chuyện của người bán hàng nước (ông lão tên Thành, tuổi thất thập) ở ngay đầu cổng chợ Viềng. Bác Thành giải thích cho tôi vì sao chợ Viềng còn được gọi là Viềng chùa vì chợ Viềng diễn ra ngay gần chùa Đại Bi, từ đó cái tên Viềng chùa đã gắn liền trong tiềm thức của mọi người khi gọi tên chợ. Lại có câu ca dao:

“Giàu nghèo cũng cứ chơi xuân

Thắp hương cầu phúc bước chân vui vầy

Thứ nhất thì hội Phủ Giầy

Vui thì vui vậy không tày chùa Bi”.

Ông lão bán hàng nước trầm tư nói với tôi: “Chợ ngày xưa và bây giờ khác nhau lắm con ạ!”. Xưa mọi người đi chợ đầu xuân, ghé qua chùa thắp hương, dành những lời khấn để cầu mong cho một năm làm ăn may mắn, thời tiết thuận lợi, người nông dân có một vụ mùa bội thu cũng như sức khỏe bình an. Chính vì thế các gian hàng cũng sơ sài, chủ yếu là những đồ làm nông như cuốc, liềm, dao, xẻng hay đồ dùng trong gia đình như giỏ đựng cá, chài bắt cá, mành tre trúc... Những năm qua, kinh tế phát triển giúp mặt hàng ở chợ Viềng trở nên đa dạng và phong phú hơn. Khi đã có kinh tế thì những thú chơi nhằm đáp ứng sự thỏa mãn về tinh thần cũng theo đó mà “thăng hoa”, từ đó những dãy bán cây cảnh, đồ cổ, đồ gỗ trở nên nhộn nhịp hơn hẳn.

 
Đồ cổ, giả cổ, thật-giả lẫn lộn.

 

Trên con đường nhựa dẫn vào chợ Viềng, những hàng dài sạp bán đồ cổ và hoa giấy, hoa nhựa khiến tôi lại nhớ về con đường đất quen thuộc cách đây độ 15 năm, mỗi khi đến tối mồng 7 hay sáng mồng 8 Tết tôi lại năn nỉ bố để được đạp xe xuống chợ Viềng.

leftcenterrightdel
 Hàng mây tre đan được mua nhiều ở chợ Viềng.

 

Những phiên chợ Viềng rét mướt, rồi có phiên chợ trời đổ mưa cứ thế hiển hiện trong tâm trí tôi. Có phiên chợ thèm ăn bát phở nhưng trong túi lại không có tiền, vì tiền mua cây đã hết, thế là tôi lại nhủ thầm, bát phở ăn lấy may này, mình sẽ để dành cho năm sau...

leftcenterrightdel
 Đồ gốm, sứ được du khách quan tâm.

 

Chợ Viềng có đặc trưng riêng đó là ẩm thực “ăn lấy may”. Thịt bò thui và phở bò gia truyền của người dân nơi đây vốn nổi tiếng cùng với khoai lang lim chợ Chùa (giống khoai lang lim của vùng chợ Chùa vỏ đỏ tím, ruột trắng, nhiều bột, khi luộc lên bở tung cả vỏ vốn nức tiếng gần xa bởi sự thơm ngon đặc biệt), kẹo lạc Thượng Nông và đặc biệt là phở bò Giao Cù. Với đặc trưng của thời tiết miền Bắc, trong ngày tháng Giêng mưa xuân lất phất, trong tiết trời se se lạnh có lẽ thật thú vị khi du khách đi chợ Viềng, cùng nhau sà vào quán thưởng thức món thịt bò thui tái nhúng, nhâm nhi chén rượu nồng cay, sau đó “đánh” thêm bát phở bò chính gốc Giao Cù. Nói như bác Thành thì sau đó du khách nên thưởng thức bát nước chè xanh (của làng Thanh Khê, xã Nam Cường), rồi vừa đi ngắm cây cảnh, đồ sành sứ vừa ăn kẹo lạc Thượng Nông.

leftcenterrightdel
 Các sản phẩm từ làng hoa cây cảnh Vị Khê tại chợ Viềng.

 

Những khuôn mặt háo hức của mấy cậu nhóc khi bố mẹ dắt qua cửa hàng đồ chơi, rồi những lời khấn và vẻ mặt thành tâm của các cô chú, ông bà khiến chợ Viềng như một bộ phim sống động đủ gam màu. Cảm giác hoài niệm về chợ Viềng xưa khiến tôi muốn đạp xe về nhà thay vì đi xe máy. Ngoài trời, cơn mưa xuân như đang thì thầm với tôi: Thế nào, đạp xe chứ?

Đang mơ màng hồi tưởng ngày còn bé đi chợ Viềng, cắn miếng kẹo lạc giòn tan trong miệng thì bác Thành lại than thở: “Xã hội phát triển thì càng tốt nhưng dường như làm mất cái mộc mạc, cái chân chất rồi cháu ạ”. Chợ Viềng trong tôi cũng ít nhiều mất đi cái vẻ đẹp vốn có. Chỉ riêng việc trà trộn đồ cổ thật-giả khiến đa phần du khách khó chịu, chứ không phải riêng tôi hay cá nhân bác Thành.

Dẫu vậy, chợ Viềng vẫn luôn là một điểm đến không dễ bỏ qua nếu mọi người có cơ hội ghé qua Nam Định. Bởi chợ Viềng không khác gì một cuộc triển lãm với sự hội tụ của nhiều làng nghề có hàng trăm năm tuổi, như: Làng hoa cây cảnh Vị Khê với hàng trăm các loài hoa quý, cây cảnh, cây thế được Thái úy Tô Trung Tự truyền nghề từ thời nhà Lý. Sản phẩm đồ sắt của Vân Chàng-một làng nghề truyền thống được lục vị tổ sư nghề rèn truyền dạy từ thời nhà Trần…

Có người năm nào cũng đi chợ Viềng lấy may. Như tôi, thật mừng khi vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã được du xuân bằng phiên chợ Viềng thật ý nghĩa. Sự kỳ lạ của phiên chợ chỉ họp một phiên vào tối mồng 7, sáng mồng 8 tháng Giêng cứ mãi thấm sâu vào trong tiềm thức của mọi người, phải chăng là vì:

“Chợ Viềng năm họp một phiên

Để cho trai gái tốn tiền trầu cau”.

Bài và ảnh: LÊ ĐỨC DƯƠNG