Sao la là một trong những loài thú quý hiếm nhất trên thế giới, hiện sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn của Việt Nam và Lào, được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Sao la được xếp hạng ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thế giới và trong Sách đỏ Việt Nam. Việc phát hiện loài sao la lần đầu tiên tại Việt Nam năm 1992 và tìm thấy một cá thể loài này khi nó có nguy cơ tuyệt chủng, được coi là sự kiện quan trọng về động vật trên thế giới trong hơn 50 năm qua.

Mảnh đất Vũ Quang từng nổi tiếng trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược từ cuối thế kỷ 19. Nơi đây có đại bản doanh kháng chiến của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng dựng cờ khởi nghĩa cứu nước. Đặc biệt nơi đây có cơ sở quân giới của nghĩa quân Phan Đình Phùng dưới sự chỉ huy của dũng tướng Cao Thắng đã tự chế ra súng trường kiểu Tây để đánh Tây. Mới đây, chúng tôi được mời về tham dự Hội thảo khoa học “Hào khí Cần Vương và khát vọng Vũ Quang” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức tại thị trấn Vũ Quang. Trước hôm khai mạc hội thảo, chúng tôi được tham gia chuyến du khảo Khu căn cứ của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Đó là một vùng rừng núi hiểm trở, cách trung tâm thị trấn Vũ Quang và Đường Hồ Chí Minh khoảng 25km về phía Tây. Trước đây, lên “đồn tiền tiêu” của căn cứ Phan Đình Phùng có thể đi ô tô theo tỉnh lộ 5, nhưng từ khi xây dựng hồ Ngàn Trươi, thì chỉ còn cách di chuyển bằng thuyền, sau đó “tăng-bo” bằng xe máy. Nếu may mắn thì được đi nhờ ô tô của Đồn Biên phòng Hương Quang, được đưa vào đây từ hồi chưa xây hồ.

leftcenterrightdel
Du khách trải nghiệm hái chè cùng nông dân Vũ Quang. 

 

Sau hơn một giờ “lướt sóng” bằng thuyền du lịch, thỏa thuê ngắm cảnh nước non hùng vĩ, chúng tôi lên xe ô tô của đồn Biên phòng ra đón, đi tiếp chừng 20km nữa, qua những con đường đèo dốc khúc khuỷu thì đến “đồn tiền tiêu”, nơi đặt nhà bia tưởng niệm Phan Đình Phùng và nghĩa quân Hương Khê. Bà con địa phương thường gọi đây là “miếu thờ cụ Phan”. Ngay lối vào miếu thờ có hai cây cổ thụ tọa đối xứng nhau, uy nghi lẫm liệt, ước chừng vài trăm tuổi. Ngôi miếu nhỏ bé, có kiến trúc giản dị, bên trong là tấm bia kỷ niệm khởi nghĩa Hương Khê và chiến thắng Vũ Quang bằng đá xanh. Mặt trước tấm bia khắc bài văn quốc ngữ tóm tắt cuộc khởi nghĩa Hương Khê, mặt sau là bản dịch bằng Pháp ngữ.

Khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn trong phong trào Cần vương chống thực dân Pháp xâm lược, do Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng và các văn thân, chí sĩ khởi xướng, đại bản doanh đặt ở vùng rừng núi Hương Khê, nay thuộc huyện Vũ Quang. Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam-đi cùng đoàn, nói với chúng tôi: “Nếu như cụ Phan Đình Phùng là linh hồn của cuộc khởi nghĩa, thì Cao Thắng là cánh tay phải đắc lực để làm nên sức mạnh của nghĩa binh. Ông là một thủ lĩnh nông dân giàu chí khí và bản lĩnh; một nhà quân sự tài ba được thể hiện trên các lĩnh vực xây dựng căn cứ, cầm quân đánh giặc và chế tạo vũ khí”. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hương Quang bổ sung thêm: Hồi mới thành lập đồn cách nay hơn 60 năm, cán bộ và chiến sĩ đi tuần tra còn bắt gặp dấu tích những “lò rèn quân khí” của nghĩa quân Hương Khê. Ngày nay, trong nhân dân vùng Hương Khê-Vũ Quang-Đức Thọ... còn lưu truyền nhiều giai thoại về tài chỉ huy và nhất là tài chế tạo “súng Tây” của tướng quân Cao Thắng

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Vũ Quang-Hương Khê là an toàn khu, có các cơ sở sản xuất vũ khí cung cấp cho các chiến trường Bình-Trị-Thiên và Liên khu V đánh thắng giặc Pháp. Tiếp đó, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Vũ Quang tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vừa sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập nên nhiều thành tích vẻ vang. Toàn huyện Vũ Quang hiện nay có gần 4.000 người có công với cách mạng; trong đó có 951 liệt sĩ, hơn 800 thương binh, có 3 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 20 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương cao quý...

Tháng 8-2000, Chính phủ ban hành nghị định thành lập huyện Vũ Quang, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của các huyện Đức Thọ, Hương Khê và Hương Sơn. Đây là cơ hội để đẩy mạnh hơn sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên vùng đất chiến khu xưa, một “vùng lõm” đặc biệt khó khăn ở phía Tây Hà Tĩnh. Những ngày đầu mới thành lập huyện, vùng quê Vũ Quang đứng trước muôn vàn khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt mức 1,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao; kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp; kết cấu hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại hết sức khó khăn...

Phát huy truyền thống cách mạng, vượt lên gian khổ, khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các LLVT huyện Vũ Quang từng bước làm nên những thành quả to lớn trên nhiều lĩnh vực. Thành tích nổi bật nhất là kết quả xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% số xã đã về đích nông thôn mới; toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Đức Lĩnh và Ân Phú. Thị trấn huyện lỵ Vũ Quang đang phát triển theo các tiêu chí của đô thị văn minh. Huyện Vũ Quang đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020. Đó là một kỳ tích, sự cộng hưởng sức lực, trí tuệ của nhiều thế hệ đã bền bỉ phấn đấu cho sự phát triển của vùng đất này. Đến nay, toàn huyện Vũ Quang đã có gần 2.000 mô hình kinh tế thuộc nhiều thành phần có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện Vũ Quang đạt gần 40 triệu đồng mỗi năm. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

leftcenterrightdel
Chiều về trên hồ Ngàn Trươi. 

 

Rừng núi Vũ Quang như quà tặng quý giá của thiên nhiên dành cho quân và dân Vũ Quang trong kháng chiến cứu nước trước đây và trong sự nghiệp phát triển kinh tế, với tiềm năng to lớn của ngành "công nghiệp không khói". Trên mảnh đất anh hùng và kỳ thú này có nhiều di tích lịch sử-văn hóa và sản vật cây trái 4 mùa. Nơi đây có Vườn Quốc gia Vũ Quang đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN, có hồ Ngàn Trươi trữ lượng lớn thứ ba Việt Nam, có 15 di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh cùng nhiều đặc sản nông nghiệp địa phương. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Vũ Quang có hệ sinh thái, hệ động thực vật đa dạng sinh học với gần 100 loài thú và gần 2.000 loài thực vật bậc cao. Nếu được quy hoạch, bảo vệ và tổ chức khai thác tốt, du khách trong và ngoài nước sẽ tìm về Vũ Quang để được nếm trải những đặc sản cây trái ngay tại các khu vườn nông nghiệp sạch, công nghệ cao; được khảo sát dấu tích của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng nổi tiếng trong những khu rừng đặc dụng với muôn vàn kỳ hoa dị thảo đang được bảo vệ theo công ước quốc tế; được nghỉ ngơi, thăm thú nước non và thưởng thức ẩm thực trên những hòn đảo lớn nhỏ trong lòng hồ Ngàn Trươi có diện tích hơn 4.000ha khi ẩn khi hiện giữa đại ngàn hùng vĩ...

Rừng núi Vũ Quang ngày nay không chỉ có sao la. Nơi đây thực sự là một “điểm sáng” giữa Trường Sơn huyền thoại, đang vẫy gọi, mời chào bè bạn gần xa về chứng kiến những đổi thay kỳ diệu trên chiến khu xưa, chung tay góp sức cùng Vũ Quang thực hiện khát vọng phồn vinh, hạnh phúc trong thời đại hội nhập và phát triển.

MAI NAM THẮNG