Mây. Mây giăng trên đỉnh núi, mây bay nhè nhẹ lưng lửng núi rồi sà thấp xuống thung lũng, ẩn vào những cánh rừng cây xanh, lá cây rừng bạc ánh trong mây bay. Núi lúc hiện lúc ẩn. Đá lúc hiện lúc ẩn, chiếc xe lượn theo mây theo núi, theo những tảng đá trồi lên, bọc lấy những khóm ngô già đã bẻ ngọn... Bên những nương ngô xen trong đá là những nương cỏ voi. Cỏ đối với người Hà Giang cũng không khác gì ngô nơi chỉ có núi và đá này.

leftcenterrightdel

 Tượng đài Tổ quốc ghi công những người hy sinh khi tham gia mở đường Hạnh Phúc (Hà Giang).

Chiếc xe thổi khói xì xì leo dốc. Dốc lên thẳng, dốc quanh hình chữ U, hình chữ Y. Những khúc dốc như vậy khi xe đi qua để lại đằng sau một góc cua nhọn gập gẫy. Ngồi trong xe, dù đã tin tưởng vào tay lái của tài xế Sơn, tin tưởng vì anh đã cùng chiếc xe ấy vượt cao nguyên Đồng Văn thường xuyên, vậy mà nhiều lúc cũng thấy giật mình khi đầu của chiếc xe ngoi lên như sắp đấu đầu với chiếc xe trên cao nguyên đi xuống. Cái giật mình khi tiếng két của má phanh ép vào thật nhanh và rồi cũng thật nhanh được nhả ra, hai đầu xe đánh về hai phía. Cứ thế hết khúc cua này đến khúc cua kia, chiếc xe vượt trong cua dốc.

Xung quanh cây cô đơn là núi đá, cây cô đơn sừng sững đứng một mình bên đường, cây to đến hai người vòng tay ôm chưa hết. Đã qua mùa hanh hao nên cây cô đơn lá mướt xanh. Dưới gốc cây cô đơn, xe đỗ xếp hàng dài. Cây cô đơn cũng khéo mọc ở giữa chặng nên nhiều xe đến gốc cây là dừng lại nghỉ, nghỉ để cho xe bớt nóng máy, nghỉ để cho người lấy lại thăng bằng khi đã vượt qua một chặng đường dài ngả bên này, nghiêng bên kia. Những cô gái Mông bán hàng dưới gốc cây. Những cô gái Mông môi đỏ son, đôi lông mày kẻ một đường cong, hàng mi cong dài lấp lánh, ánh mắt trong veo như nước dòng Nho Quế ngước lên gọi mời. Khoai nướng. Mùi khoai nướng thơm ngầy ngậy mật, những giọt mật nhỏ xuống than củi đỏ rực xèo xèo. Khoai nướng than củi sao mà thơm, sao mà lôi cuốn đến thế! Mùi thơm tỏa vào vách đá lựng neo lại. Lâu rồi không được ăn khoai nướng, tôi và anh Hùng-người bạn đồng hành-không thể không thưởng thức hương vị khoai nướng bên gốc cây cô đơn nơi đất Đồng Văn này...

leftcenterrightdel
 Đỉnh đèo Mã Pì Lèng.

Xe lên một đỉnh dốc cao. Cả một khoảng trời mây mênh mông bừng sáng. Cảnh bừng sáng mà chỉ có lên cao nguyên Đồng Văn mới gặp, mới được nhìn thấy, mới được tận hưởng. Ngọn núi cao mây vờn bay che phủ, vậy mà chân núi, dưới thung sâu kia, nắng lại bừng lên, nắng cho bản làng ánh hừng trong khoảng sáng. Mái ngói âm dương rêu phủ lấp lánh soi gương, vạt ngô, vạt cỏ xanh ngăn ngắt trong ánh nắng xuyên qua màn mây mỏng hanh hanh vàng. Tiếng cười ríu ran trên con đường bản nhỏ, giọng nói lanh lảnh của những cô gái Mông sao mà trong, mà vang trong bản, tiếng vang đọng trên vách đá hòa vào những nương ngô nhấp nhô những tảng đá.

Bản Khía Lia của Dua. Dua năm nay mới mười lăm cùng bạn dung dăng, chiếc áo chấm hoa vàng, chiếc váy những bông hoa đỏ đang nhảy múa. Dua và bạn đang học lớp 9, Trường Trung học cơ sở nội trú thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chỉ mấy tháng nữa thôi em sẽ lên học trung học phổ thông. Tôi chỉ một em nhỏ hơn Dua bên cạnh: "Em của Dua à?". "Không phải đâu, bạn hàng xóm đấy!".

- Nhà cháu có mấy anh chị em?

- Hai thôi.

- Hai thôi á?

- Vâng.

Tôi nghĩ người Mông ai đẻ ít thế? Tôi vẫn nghe ti vi nói nhiều gia đình đẻ sáu, bảy đứa con. Những đứa trẻ nheo nhóc, đứa lớn địu đứa bé, năm, bảy tuổi đã lên nương cùng bố mẹ... Vậy mà nhà bố mẹ Dua đẻ có hai chị em Dua. Bây giờ người Mông cũng sinh đẻ kế hoạch để nuôi dạy con cho tốt.

- Em cháu có đi học không?

- Có ạ!

- Cũng học nội trú à?

- Không đâu, mỗi nhà chỉ một người học nội trú thôi, còn học ở bản ạ.

Dua nói, cái miệng tươi như hoa nở, đôi mắt sáng trong. Tôi rất thích đôi mắt của người Mông. Hình như người Mông ở trên cheo leo vách đá, quanh năm ngôi nhà ẩn trong sương, vì thế mà tạo hóa đã cho người Mông đôi mắt như nửa vầng trăng. Không vơi, mà cũng không thật đầy. Dua cũng vậy. Đôi mắt Dua chỉ như nửa đường cong của trăng mười sáu, sáng và đen, lấp lánh như hạt sương trong cánh hoa, khuôn mặt Dua tròn đầy, hàm răng đều trắng như sứ, đôi môi xinh của người con gái tuổi trăng rằm. Mấy anh em tôi và mấy cô thiếu nữ Mông chụp tấm ảnh kỷ niệm. Rồi những chiếc áo hoa lại vụt đi. Tôi nhìn theo Dua và bạn chạy vào vạt nắng dưới thung, mấy cái váy xòe bung nở những bông hoa trong nắng.

Từ xa nhìn đỉnh Mã Pì Lèng như con trăn bò ngoằn ngoèo, cái đầu ngóc lên vươn mãi vươn mãi. Mã Pì Lèng-cổng trời của Cao nguyên đá Đồng Văn. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, những ngôi nhà bé nhỏ đeo vào sườn núi, bám vào vách đá, khói tỏa trên mái nhà, ngôi nhà trông như hạt ngô nảy mầm vươn lên. Xa kia là dòng Nho Quế, dòng sông như một nét bút màu trắng lặn chìm trong vách đá dựng đứng màu xanh, màu xanh làm cho vệt trắng dòng sông nổi rõ. Truyền thuyết lưu truyền lại. Ngọn núi cao tự nhiên vỡ làm đôi, tách ra hai bên, có một bịch nước khổng lồ tích tụ từ bao giờ cứ chảy mãi, chảy mãi để thành dòng Nho Quế có hai bờ vách đá thẳng đứng, người ngồi thuyền trên dòng sông mà mắt phải ngước lên nhìn đôi bờ thẳng đứng. Nho Quế mềm mại uốn lượn đẹp đến nao lòng.

leftcenterrightdel

 Xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (bối cảnh của bộ phim "Chuyện của Pao"), một điểm đến hấp dẫn du khách của Hà Giang. Ảnh: LÊ SAM

Vẫn uốn lượn quanh co, vẫn những khúc cua tay áo, khúc cua hình chữ U, chữ Y, con đường Hạnh Phúc dẫn lên đến cây số 0 của huyện Mèo Vạc. Đây là điểm cuối cùng của con đường Hạnh Phúc. Một con đường nối TP Hà Giang với huyện Mèo Vạc, chỉ cuốc, xẻng, xà beng và bàn tay con người làm nên nó, trong suốt 8 năm trời mới thông được con đường. Đứng ở cây số 0 của con đường, tôi lại nhớ đến cụm tượng đài Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc ở xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, nơi để tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho con đường đẹp như mơ ngày nay, nhớ đến những con người làm nên huyền thoại cho Đồng Văn-Mèo Vạc (Hà Giang). Nhờ có họ mới có con đường Hạnh Phúc để lưu thông tới 4 huyện Quản Bạ-Yên Minh-Đồng Văn-Mèo Vạc và từ điểm cực Tây Bắc của Hà Giang về TP Hà Giang. Đứng trên cột mốc cây số 0 của tuyến đường Hạnh Phúc, ai cũng muốn có tấm ảnh kỷ niệm. Người đứng ôm, người đặt bàn tay như muốn giữ hơi ấm của mình vào nơi ấy, cố lưu lại hình ảnh mình trên cột mốc có một không hai của đất nước.

Hà Giang. Cao nguyên đá Đồng Văn. Chúng tôi mới đi dọc cao nguyên, hẹn lần sau với những bản dân, với những nếp nhà sàn, nhà trình tường mái ngói âm dương rêu phủ, ngói âm dương để cho bản có mặt trời, chút lạnh se se của vách đá, của hơi đất tạo nên một bản quê đầm ấm. Đến những bản nơi Dua và những người bạn đang thả những cánh hoa trên tà áo, như thả tuổi thanh xuân vào bản làng, cho bản người Mông bừng sáng. Bừng sáng như ánh mắt những cô gái Mông bừng sáng.

VŨ NGỌC THƯ