Thực tiễn đã chỉ rõ, trước những khó khăn, thách thức, người cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chính là người có quyết tâm, có tầm nhìn, có suy nghĩ táo bạo, dám đưa ra quyết định đột phá, để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà hơn thế còn mang lại lợi ích to lớn cho dân tộc, cho đất nước.

Những năm sau 1975, TP Hồ Chí Minh với khoảng 4 triệu dân lâm vào nguy cơ thiếu lương thực. Trong cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989", tác giả Đặng Phong kể lại. Để giải quyết vấn đề khó khăn về lương thực, với vai trò Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó đã "phá rào" tìm cách mua gạo về cứu đói cho người dân. Một buổi sáng năm 1978, ông Kiệt mời ông Lữ Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng TP Hồ Chí Minh; ông Năm Ẩn, Giám đốc Sở Tài chính số và bà Ba Thi, Phó giám đốc Sở Lương thực tới nhà riêng ăn sáng. Sau khi dùng bữa, Bí thư Thành ủy cho biết nguồn gạo từ trên cung cấp cho thành phố không đủ và không cung cấp kịp. Trong khi đó, Sở Lương thực thì không được phép mua với giá thỏa thuận. Người dân miền Tây có gạo nhưng không chịu bán giá nghĩa vụ cho Nhà nước vì họ bị thiệt. Trong khi đó, dân thành phố có tiền và sẵn sàng mua với giá thỏa thuận lại không được xuống mua. Ông chỉ ra hàng loạt nghịch lý và đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta không ráp hai mối này lại? Đó là vấn đề mà tôi mời anh chị đến để hiến kế giải quyết.

Ý tưởng này trúng suy nghĩ của bà Ba Thi, nhưng để thực hiện không hề dễ dàng. Bởi nếu muốn mua gạo của dân theo giá thỏa thuận, bà Ba Thi chỉ có thể lấy danh nghĩa cá nhân chứ không thể lấy danh nghĩa Sở Lương thực (sở phải mua theo giá Nhà nước). Nhưng với tư cách cá nhân, bà Ba Thi không thể ứng vốn, ngân hàng cũng không thể cho vay và chi tiền mặt. Việc xin mua ở tỉnh và vận chuyển gạo về thành phố cũng không dễ dàng, phải qua nhiều trạm canh gác. Vậy nên, đơn vị tài chính xuất tiền, văn phòng làm giấy đi đường để bà Ba Thi tổ chức mua gạo từ các địa phương miền Tây đưa về TP Hồ Chí Minh bán cho người dân. Để bảo đảm an toàn cho việc "xé rào", một tổ thu mua gạo ra đời, gồm cán bộ kế toán, ngân hàng, vận tải... do bà Ba Thi làm tổ trưởng.

Ông Võ Văn Kiệt đồng tình với phương án nói trên và đứng ra chịu trách nhiệm về chủ trương để các đơn vị thực hiện. Thế nhưng bà Ba Thi còn lo lắng: Cách này chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết sẽ bị đi tù. Ông Kiệt đáp lời đại ý: Nếu vì việc này mà anh chị đi tù, tôi sẽ mang cơm nuôi.

Vậy là tổ thu mua xuống Cần Thơ mua lúa của dân. Ban đầu, người dân còn e dè nhưng sau đó đồng thuận bán vì thấy giá cao hơn nhiều so với trước. Việc thu mua ngày càng thuận lợi, mở rộng tới Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau... Tổ hoạt động liên tục từ năm 1979 đến 1982, khi đời sống người dân thành phố ổn định mới dừng.

Những năm 1978-1979, TP Hồ Chí Minh còn đối mặt với thiếu hụt nguồn nhập khẩu khiến đầu vào của toàn bộ nền sản xuất suy giảm, kéo theo khủng hoảng về hàng hóa, lao động. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt lại bàn với lãnh đạo thành phố tìm cách "xé rào" nhập khẩu một số nguyên liệu cần thiết phục vụ sản xuất.

Kinh nghiệm "xé rào" tại TP Hồ Chí Minh còn được đồng chí Võ Văn Kiệt thể hiện suốt quá trình lãnh đạo đất nước khi ra Trung ương làm Phó chủ tịch thứ nhất rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau đó là Thủ tướng. Ông là người ký hàng loạt văn bản tháo gỡ các trở ngại ở lĩnh vực kinh tế. Cụ thể như bãi bỏ tất cả hạn chế về số lần, số lượng với việc gửi tiền và hàng của Việt kiều từ nước ngoài gửi về nước; bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả tuyến đường trong nước; giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, xóa bỏ hệ thống chỉ tiêu kế hoạch... Những ý tưởng, đề xuất, việc làm thực tế và có hiệu quả trên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển ổn định và đi lên mạnh mẽ của đất nước.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra tiến độ thi công đường dây 500kV Bắc-Nam (tháng 11-1993). Ảnh tư liệu TTXVN

 

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc cũng là một trong những lãnh đạo tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam khi thực hiện giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân những năm 1966-1968. Đây là quyết định táo bạo và vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc bấy giờ. Kết quả từ thực tiễn đã là đáp án để chứng minh quyết định là đúng đắn, có đột phá và mang lại hiệu quả thiết thực to lớn, khơi dậy sức lao động của người nông dân. Tấm gương đổi mới, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại những kinh nghiệm, bài học quý có thể kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đó là tấm gương dám dấn thân vì cái chung, xuất phát từ trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo trước cuộc sống của người dân. Nó thể hiện rõ tư duy của người lãnh đạo năng động, sáng tạo, luôn trăn trở và không ngừng tìm tòi hướng đi mới hiệu quả hơn.

Còn nhiều tấm gương cán bộ bản lĩnh, sáng tạo, quyết đoán trong từng quyết sách và để lại dấu ấn tiêu biểu như: Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (bí danh Chín Cần) tại Long An với quyết định đổi mới tư duy, thực hiện “cơ chế một giá theo thị trường”, xóa bỏ tem phiếu; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển, với “những việc cần làm ngay”...

Từ những câu chuyện trên, có thể thấy, cán bộ dám đột phá, sáng tạo luôn phải đối diện với vô vàn áp lực. Đó là kỷ luật Đảng, sự nghi ngờ về động cơ thực hiện, thậm chí là những hậu quả nặng nề nếu như “xé rào” thất bại. Đã có những bài học đau xót từ việc cán bộ "xé rào", đề xuất ý tưởng vượt ra khỏi khuôn khổ chính sách, pháp luật nhưng có nhiều lý do, trong đó có cả sự áp đặt, chủ quan, nhận thức của bối cảnh lúc đó nên việc đổi mới không phải lúc nào cũng được ghi nhận, thậm chí cán bộ còn bị kỷ luật.

Thực tế, không ai dám khẳng định rằng “xé rào” sẽ thành công, do đó, để thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong Kết luận số 14-KL/TW về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung ban hành ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ nếu việc thí điểm có kết quả không đạt hoặc xảy ra thiệt hại, các cơ quan chức năng phải đánh giá công tâm, xem xét nếu thực hiện có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Quy định này khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng đối với cơ chế đề cao sự năng động, sáng tạo của cán bộ vì lợi ích chung, dù rằng, còn nhiều điều phải làm để chủ trương này đi vào cuộc sống.

Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài mục tiêu đưa đất nước vươn lên giàu mạnh, người dân ấm no, hạnh phúc. Hơn lúc nào hết, chúng ta rất cần những cán bộ có tư duy, việc làm đột phá, dám nghĩ, dám làm. Khi chủ trương, đường lối đúng nhưng nếu cán bộ không quyết liệt, năng động, dám nghĩ, dám làm mà thụ động, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên thì sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả tốt. Trong mối quan hệ biện chứng, chỉ những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt mới có thể dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngược lại, những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với động cơ trong sáng, vì nước, vì dân thì đó là những cán bộ có phẩm chất tốt.

Đành rằng, khi thử nghiệm cái mới, ranh giới đúng-sai là rất mong manh, nhưng nếu không mang mục đích cá nhân mà vì cái chung, Đảng ta chắc chắn sẽ nhận ra và bảo vệ, bởi Đảng cũng chỉ có mục đích duy nhất là vì nước, vì dân.

HOÀNG ĐĂNG