Như gặp người thân giữa biển 

Ngồi trong khoang lái cùng cán bộ, chiến sĩ Tàu Cảnh sát biển (CSB) 4038, Hải đội 212 hướng ánh nhìn ra biển cả mênh mông, đôi mắt Đại tá Trần Hồng Quế, Phó chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 như đang tìm kiếm điều gì. Trong làn sương mỏng, hình ảnh vài ba con thuyền đánh cá của ngư dân dần hiện ra. Anh Quế như reo lên:

- Bà con nhà mình kia rồi. Anh em khẩn trương sang thuyền thăm hỏi, xem bà con ngư dân cần hỗ trợ, giúp đỡ gì không, nhất là gạo, muối, nhu yếu phẩm.

Vậy là sau nhiều giờ tuần tra trên biển, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng gặp được ngư dân. Ánh mắt ai cũng lộ rõ niềm vui.

leftcenterrightdel
Đại tá Trần Hồng Quế, Phó chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 (thứ 3 từ phải sang) và đại biểu liên ngành gặp gỡ ngư dân trên biển.

- Với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, suốt hải trình tuần tra khắp các vùng biển quê hương, trên đầu là bầu trời mênh mông, xung quanh là mặt biển bao la, vô tận, nhiều khi thấy cô đơn, lạc lõng lắm. Vì thế, mỗi khi nhìn thấy những chiếc thuyền của ngư dân từ xa, được gặp gỡ, trò chuyện với bà con trên biển, dù chỉ trong giây lát, chúng tôi như được an ủi phần nào, Đại tá Trần Hồng Quế tâm sự những lời gan ruột.

Hơn 30 năm trong quân ngũ là bấy nhiêu năm anh Quế gắn bó với biển, với bà con ngư dân, nhưng trong tâm trí của người cán bộ dạn dày sương gió này vẫn vẹn nguyên cảm xúc tự hào, xúc động mỗi khi cùng cán bộ, chiến sĩ của mình tuần tra giữ biển, đồng hành với bà con ngư dân vươn khơi. Anh bảo, giữa biển trời mênh mông, sóng lớn bất kỳ, bà con ngư dân không trông vào bộ đội thì biết bấu víu vào đâu. Vì vậy, trước mỗi chuyến công tác, ra khơi với bà con, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đều chỉ đạo đơn vị chuẩn bị thật kỹ lưỡng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu mang theo, vừa bảo đảm phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong quá trình công tác, vừa kịp thời hỗ trợ khi bà con gặp khó khăn.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Vùng Cảnh sát biển 2 và cơ quan liên ngành trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân.

Câu chuyện của chúng tôi tạm dừng khi cùng nhau bước xuống tàu cá mang số hiệu QNg-92215 TS, do ông Mai Văn Tèo, trú tại thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng. Sau cái bắt tay thân mật với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, ông Tèo vồn vã:

- Mời các anh bộ đội vào trong khoang uống trà. Trưa nay các anh ở lại thuyền ăn cơm với anh em chúng tôi nhé. Đồ ăn chỉ có cơm trắng và cá biển thôi...

Đón nhận ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và thùng nước ngọt do cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 trao tặng, ông Tèo xúc động, bàn tay chai sần, thô ráp cứ nắm chặt tay Đại tá Trần Hồng Quế:

- Cảm ơn các anh nhiều lắm. Lần nào gặp nhau trên biển, các anh cũng tặng quà, tặng nhu yếu phẩm, thật quý hóa quá!

Cùng cơ quan liên ngành và cán bộ, chiến sĩ Tàu Cảnh sát biển 4038, tôi tiếp tục ghé thăm tàu cá QB 98866 TS, do ông Hoàng Trường, trú tại xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình làm thuyền trưởng. Sau khi kiểm tra hệ thống sổ sách ghi chép, hải trình đăng ký, điều kiện vươn khơi, bám biển của phương tiện, thiết bị giám sát hành trình trên biển đều đúng theo quy định, Trung úy Nguyễn Văn Sỹ, Chính trị viên Tàu CSB 4038 tỏ vẻ hài lòng. Anh ngỏ ý muốn hỗ trợ người lao động trên tàu chút lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, ông Trường liền gạt đi, giọng như sấm vang át cả tiếng sóng biển:

- Bộ đội yên tâm, lương thực trên tàu của tui vẫn đủ dùng! Các anh giữ lại còn nuôi anh em, rồi còn tuần tra cho bà con yên tâm vươn khơi, bám biển.  

leftcenterrightdel
Đại biểu cơ quan liên ngành kiểm tra hoạt động của tàu cá ngư dân hoạt động trên biển. 

Bước lên những con tàu ngư dân khác, chúng tôi đều cảm nhận được sự gần gũi, thân tình mà cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển dành cho ngư dân cùng cảm giác yên tâm, phấn khởi hiển hiện trong mỗi ánh mắt, nụ cười của bà con khi bộ đội ghé thăm “nhà”. Tình quân dân gắn bó giữa mênh mông biển cả thật khó diễn tả bằng lời.

Gần 10 ngày đồng hành với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định, trên phạm vi hàng chục nghìn ki-lô-mét vuông với quãng đường hàng trăm hải lý, tôi nhận ra rằng, cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 như đang về với bà con ngư dân hơn là làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển. Bởi theo sát các hoạt động của bộ đội, tôi chỉ nhận thấy thái độ ân cần, niềm nở, sự quan tâm, thăm hỏi, động viên chân tình của các anh khi tiếp xúc, trò chuyện với ngư dân.

Tại tàu cá QNg 92473 TS do ông Lưu Văn Sanh trú tại xã Nghĩa An làm thuyền trưởng, tôi chứng kiến Thiếu tá Phạm Văn Trung, Trợ lý Phòng Chính trị, Vùng Cảnh sát biển 2 cùng Thiếu tá Trần Quang Vững, Chính trị viên Hải đội 212 vừa phát tài liệu, vừa kiên trì tuyên truyền. Anh Trung giải thích tới ông Sanh và người lao động trên tàu hiểu rõ các quy định của pháp luật khi khai thác hải sản trên biển; chỉ rõ cho ngư dân thấy tác hại của hành vi vi phạm hải phận nước ngoài sẽ khiến Việt Nam bị mất uy tín, vị thế trong xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con ngư dân. Vừa tuyên truyền, phổ biến cho bà con, các anh vừa dẫn chứng những vụ việc vi phạm thông qua hình ảnh, số liệu, video clip sinh động để bà con dễ hiểu, dễ nhớ...

Đồng hành, chia sẻ với ngư dân trong khó khăn, hoạn nạn

Nhắc đến lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, nhiều người liên tưởng ngay đến những cán bộ, chiến sĩ dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng vượt qua muôn trùng sóng gió, hiểm nguy để cứu ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển. Với anh Nguyễn Văn Dũng, 39 tuổi, trú tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển là những ân nhân cứu mạng mà suốt đời anh nhớ mãi. Bởi, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB 2012, Hải đội 202, Vùng Cảnh sát biển 2 thì chắc chắn anh Dũng không thể tiếp tục có những chuyến đi biển như bây giờ.

- Trong thâm tâm tôi, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển chẳng khác nào anh em ruột thịt của bà con ngư dân. Các anh luôn có mặt kịp thời khi bà con gặp khó khăn, hoạn nạn. Vì vậy, mỗi khi vươn khơi, bám biển, chúng tôi thực sự yên tâm khi có các anh đồng hành-anh Dũng rưng rưng xúc động, tỏ lòng biết ơn khi đón nhận món quà của những người lính biển.

leftcenterrightdel
Tuổi trẻ Vùng Cảnh sát biển 2 đồng hành với ngư dân vươn khơi bám biển.

Từ chia sẻ của anh Nguyễn Văn Dũng, tôi còn biết đến câu chuyện cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2 đã cứu kéo thành công một tàu ngư dân bị trôi dạt hàng chục ngày trên vùng biển Hoàng Sa. Đó là tàu cá QNg 90499 TS, có 6 ngư dân, do ông Phạm Tuấn, trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng. Trung tá Phạm Nguyên Phú, Trưởng ban Tác chiến, Phòng Tham mưu, Vùng Cảnh sát biển 2, nguyên Hải đội trưởng Hải đội 212, Hải đoàn 21, nhớ lại, khoảng 8 giờ, ngày 16-7-2019, sau khi nhận được lệnh cứu nạn tàu cá bị hỏng máy, trôi dạt trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, anh trực tiếp chỉ huy Tàu CSB 4032, thuộc Hải đội 212 khắc phục khó khăn trong điều kiện mưa bão, tiếp cận tàu cá. Ngay khi lên tàu, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đã nhanh chóng cung cấp lương thực, thực phẩm, kiểm tra tình trạng sức khỏe của ngư dân và hiện trạng hư hỏng của tàu, sau đó lai dắt thành công về quân cảng Hải đoàn 21, Vùng Cảnh sát biển 2.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB 3038, Hải đội 212, Hải đoàn 21, Vùng Cảnh sát biển 2 thực hiện nhiệm vụ.

Bà Trương Thị Việt, vợ thuyền trưởng tàu cá QNg 90499 TS nghẹn ngào khi nhìn thấy chồng và các ngư dân được bộ đội cứu giúp, lai dắt về bờ an toàn. Còn thuyền trưởng Phạm Tuấn cả đời bám biển Hoàng Sa khai thác hải sản, giữ chủ quyền thì xúc động bày tỏ: “Ngày bị nạn, tôi đã có niềm tin mãnh liệt rằng, bộ đội nhất định sẽ đến cứu. Tôi động viên anh em cùng cố gắng vượt qua khó khăn. Khi đặt chân lên đến đất liền, tôi chỉ biết ôm các anh Cảnh sát biển mà khóc, chẳng biết phải nói sao cho hết tình cảm quân dân lúc khó khăn, hoạn nạn”.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác liên ngành và đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí tham gia đoàn công tác tuần tra trên biển.

Xâu chuỗi những câu chuyện xúc động về tình cảm quân dân trên biển, tôi hỏi Thượng tá Kiều Khánh Dũng, Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển 2 về kết quả cứu hộ, cứu nạn trên biển những năm qua. Chưa vội trả lời câu hỏi của tôi, anh Dũng nhìn ra sóng nước mênh mông, nơi có những con thuyền của ngư dân đang neo đậu rồi mới chậm rãi nói:

- Quả thật, chúng tôi không nhớ đã phối hợp cùng các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn bao nhiêu chiếc thuyền, bao nhiêu ngư dân gặp nạn trên biển. Nhiều lắm... Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa giông, bão biển luôn thường trực đe dọa bà con ngư dân. Vì vậy, không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển mà ngay tại bờ, chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án ứng cứu, hỗ trợ nhân dân khi có tình huống. Đó không chỉ là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Cảnh sát biển mà còn là trách nhiệm, là mệnh lệnh từ trái tim của người lính đối với nhân dân...

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG