Những trận mưa liên tục trút xuống cánh rừng già rậm rạp, đổ sầm sập xuống những khe suối, thung sâu khiến khu vực biên giới xã Chơ Chun càng trở nên thâm sơn cùng cốc. Quấn vội quanh người lớp áo mưa mỏng, nhìn bầu trời xám xịt, con đường rừng ẩm ướt, tôi quay sang Thượng tá Quách Thiện Dư, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng La Êê, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, tỏ vẻ băn khoăn:

- Vẫn hành quân hả anh? Mưa to thế này...

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam; đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã Chơ Chun (Nam Giang, Quảng Nam) chào cờ cột mốc quốc giới

- Có chứ. Anh không thấy bà con đã đi tiên phong rồi sao? Dẫn đầu đoàn là già làng Zơ Râm Pưnh và đồng chí Pơ Loong A Đốc, Bí thư Đảng ủy xã Chơ Chun đấy. Anh biết không, đa phần các buổi tuần tra biên giới của chúng tôi, trời đều mưa như vậy. Anh em chúng tôi và bà con nhân dân quen rồi - Thượng tá Quách Thiện Dư nở nụ cười hiền. Ngay sau đó, người cán bộ biên phòng có gần 30 năm gắn bó với địa bàn biên giới Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hướng dẫn tôi chỉnh lại chiếc áo mưa, bảo quản đồ dùng tác nghiệp rồi hăm hở vượt dốc.

Dù từng được theo chân Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên quốc giới trên ở nhiều địa bàn, ở mọi địa hình khác nhau nhưng quả thật, hành quân trong điều kiện mưa to, gió lớn như thế này, tôi chưa từng nếm trải. Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, như thể từng trận roi quất thẳng xuống lưng. Giữa khu rừng nguyên sinh rậm rạp, bóng tối trùm xuống như ban đêm.

leftcenterrightdel
Vừa cùng Bộ đội Biên phòng La Êê bảo vệ cột mốc quốc giới, bà con nhân dân xã Chơ Chun vừa phát quang, mở rộng đường tuần tra

Cung đường hành quân của chúng tôi bắt đầu trở nên gian nan khi phải vượt qua những khe suối quanh co, uốn lượn; những mép đường mòn lầy lội, trơn trượt mà chỉ sơ sẩy, lơ là một chút là có thể rơi thẳng xuống vực sâu lởm chởm đá nhọn. Có những khi phải đu bám vào rễ cây, dây leo trên rừng mà bò lên các đoạn dốc đứng, đến mức gót chân người đi trước có thể chạm tới đỉnh đầu người đi sau.

Thấy tôi da dẻ tái nhợt, mũi miệng tranh nhau thở, chiếc áo mưa mặc trên người rách tả tơi từ bao giờ, già làng Zơ Râm Pưnh lôi ra chiếc áo mưa dự phòng trao cho tôi, rồi đưa bàn tay gầy guộc vuốt nước mưa trên gương mặt già nua, cười sang sảng:

- Mệt lắm hả? Mới đi được một phần ba chặng đường, còn nhiều khó khăn đấy!

Nghe già làng Zơ Râm Pưnh nói vậy, tâm trạng tôi chùng xuống. Vậy là còn những 4 cây số đèo dốc nữa chúng tôi mới đến được cột mốc quốc giới 706, một trong 13 cột mốc, 3 cọc dấu tiếp giáp với 9 cụm bản, thuộc huyện Dak Cheung, tỉnh Sekong, nước bạn Lào mà Đồn Biên phòng La Êê được giao quản lý. Nhưng nhìn tác phong nhanh nhẹn, bước đi thoăn thoắt của già làng, tôi như có thêm động lực. Cứ như thế, những câu chuyện xúc động về nghĩa tình quân dân ở huyện biên giới xa xôi này được già làng Zơ Râm Pưnh và lãnh đạo xã Chơ Chun kể lại rành rọt, khiến những mệt nhọc trong tôi dần tan biến.

Già làng Zơ Râm Pưnh nhớ lại, từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã cùng đại diện cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân trong xã Chơ Chun đồng hành với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê tuần tra, bảo vệ đường biên quốc giới. Mấy chục năm trôi qua, việc phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới vẫn được duy trì đều đặn, với sự tham gia của đầy đủ các thành phần: Lãnh đạo xã, dân quân, công an, thanh niên, phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, cựu chiến binh... Ai cũng coi đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mình.

- Tình hình biên giới có ổn định, an ninh chính trị được giữ vững thì bà con nhân dân mới yên tâm làm ăn, sinh sống, gắn bó với mảnh đất này-đồng chí Pơ Loong A Đốc, Bí thư Đảng ủy xã Chơ Chun góp vui câu chuyện.

leftcenterrightdel
Đồng bào các dân tộc trên địa bàn cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê tuần tra, bảo vệ biên giới

Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, cũng từ nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới mà tình cảm giữa cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê với đồng bào các dân tộc ở Chơ Chun ngày càng gắn bó máu thịt. Bộ đội khó khăn điều gì, bà con đều nhiệt tình giúp đỡ; đồng bào gặp lúc thiếu đói mùa giáp hạt, ốm đau, hoạn nạn, bộ đội kịp thời hỗ trợ. Đồng chí Pơ Loong A Đốc kể rằng, Chơ Chun là xã vùng biên xa xôi nhất của huyện Nam Giang. Hơn chục năm trước, muốn vào trung tâm xã, người ta chỉ có cách đi bộ hàng giờ đồng hồ trên con đường mòn vắt vẻo quanh sườn núi. Ngày ấy, Chơ Chun được mệnh danh là xã “5 không”: Không điện, không đường, không trường, không trạm, không sóng điện thoại. Mỗi khi ốm đau, bệnh tật, người dân chỉ biết ngồi “bó gối” bên hiên nhà, vì không thể vượt hàng chục cây số đường rừng để đưa người thân đến bệnh viện. Trẻ em hầu như không được đến trường. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy bà con hết năm này qua năm khác.

Trò chuyện với lãnh đạo xã Chơ Chun, đại diện các ban, ngành, đoàn thể trên đường tuần tra biên giới, chúng tôi được biết, đứng chân trên địa bàn hai xã biên giới La Êê-Chơ Chun, nhiều năm trở lại đây, Bộ đội Biên phòng La Êê đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực triển khai các chương trình, mô hình phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa cuộc sống của đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng nơi đây từng ngày vượt khó vươn lên. Nói về tình cảm của Bộ đội Biên phòng La Êê dành cho xã nhà, đồng chí Pơ Loong A Đốc không giấu được niềm vui:

- Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê và bà con hai xã Chơ Chun, La Êê từ lâu đã như anh em trong gia đình. Ở miền biên viễn xa xôi này, đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng chúng tôi chỉ biết trông cậy vào bộ đội, công an, dân quân. Không có các anh đứng chân trên địa bàn, giữ vững biên giới, bảo đảm an ninh trật tự thì bà con làm sao có thể yên ổn làm ăn, sinh sống? Không những thế, Bộ đội Biên phòng còn tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch, bố trí dân cư, xây dựng công trình dân sinh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tham gia xóa nhà tạm, nhà ở xuống cấp cho đồng bào. Nhờ sự quan tâm của trên, sự đồng hành của Bộ đội Biên phòng La Êê mà cuộc sống của đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng nơi đây mỗi ngày thêm khởi sắc; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Năm 2021, thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Đồn Biên phòng La Êê đã trao kinh phí hỗ trợ 10 hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chơ Chun (trị giá 50 triệu đồng) để nuôi heo bản địa. Các anh còn hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo trên địa bàn. Không ít gia đình học tập theo mô hình phát triển kinh tế-xã hội do Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đã vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, mỗi khi trong xã có người ốm đau, bệnh tật, đều được thầy thuốc Trạm xá quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng La Êê nhiệt tình cứu chữa, chăm sóc.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Đồn Biên phòng La Êê, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn 

Từ chia sẻ của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Chơ Chun, tôi chợt nhớ đến gia đình bà Riah Gấp, trú tại thôn BLăng, xã Chơ Chun-từng là một trong những hộ nghèo nhất xã. Trước ngày lên đường tham gia tuần tra bảo vệ biên giới, tôi được Thượng tá Lê Huy Bảy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng La Êê đưa đến thăm gia đình bà. Vừa trông thấy anh Bảy, bà Riah Gấp vui mừng nắm chặt lấy tay anh, cười bỏm bèm và nói bằng tiếng Cơ Tu: “A mế (mẹ-tiếng Cơ Tu) cảm ơn các con biên phòng. Trước đây a mế phải sống trong chiếc chòi tranh vách nứa rách nát quá. Mùa nắng còn ở tạm, chứ mùa mưa bão thì không ở được. Bây giờ được sống trong ngôi nhà vững chãi này, a mế vui lắm”. Bà Riah Gấp là một trong những hộ nghèo ở Chơ Chun được tặng nhà đại đoàn kết từ nguồn kinh phí đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê cùng sự góp sức của các nhà hảo tâm do Bộ đội Biên phòng La Êê đứng ra kêu gọi.

Thượng tá Lê Huy Bảy vốn là chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê, rồi thi đỗ vào Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Trải qua nhiều cương vị công tác, anh trở về gắn bó với đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng ở La Êê-Chơ Chun nhiều năm nay. Bởi thế khi nói về mảnh đất này, anh thuộc nằm lòng từng đường mòn, khe suối, nhớ tên hầu hết hộ dân trên địa bàn. Anh Bảy tâm sự, Chơ Chun là xã mới chia tách, còn muôn vàn khó khăn ở huyện Nam Giang, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao. Ăn chưa đủ no, áo chưa đủ mặc nên việc học tập của con em đồng bào nơi đây còn không ít gian truân. Thấu hiểu điều đó, đơn vị tích cực tham gia Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, trong đó, đơn vị đang nhận đỡ đầu một học sinh tại bản Tăng Zơih, huyện Dak Cheung (Lào); nhận nuôi hai học sinh tại đơn vị. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng đơn vị vẫn đang triển khai nhiều mô hình, phần việc giúp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Đến giờ thì tôi đã hiểu vì sao nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên, quốc giới của Đồn Biên phòng La Êê được đồng bào nơi đây ủng hộ, tham gia nhiệt tình như vậy. Tôi càng thấm thía tình quân dân, nghĩa đồng bào trên đỉnh Chơ Chun khi đặt chân đến mốc quốc giới 706-điểm cuối cùng trên đường tuần tra-chứng kiến giây phút chào cờ thiêng liêng, dưới trời mưa tầm tã của quân và dân vùng biên giới xa xôi này. Đặc biệt khi ghé thăm Chốt bảo vệ biên giới số 2, Đồn Biên phòng La Êê, được biết toàn bộ cơ sở vật chất để xây dựng công trình này phần lớn nhờ sự hỗ trợ, vận chuyển bằng đường bộ của đồng bào các dân tộc xã biên giới Chơ Chun...

Ghi chép của NGUYỄN HỒNG SÁNG