Nhiệm vụ khó khăn, địa bàn phức tạp
Phóng viên (PV): Đồng chí có thể chia sẻ những đặc điểm khác biệt về nhiệm vụ của Binh đoàn 15 so với các đơn vị quân đội trên địa bàn Tây Nguyên?
Đại tá Hoàng Văn Sỹ: Binh đoàn 15 thực hiện nhiệm vụ trên 271 thôn, làng thuộc 37 xã, 9 huyện, thành phố của 4 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định), địa bàn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)... nơi nối liền các con đường chiến lược, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với 3 nước Đông Dương. Binh đoàn cũng đồng thời thực hiện nhiệm vụ ở 5 huyện thuộc tỉnh Attapeu của nước bạn Lào và 4 xã, 3 huyện của tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia, dọc biên giới với Việt Nam.
Khoảng hơn 10 năm trước, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn binh đoàn đóng quân còn hết sức khó khăn, trình độ dân trí thấp, kết cấu hạ tầng ở địa phương nghèo nàn, lạc hậu. Đặc biệt, những ngày đầu thành lập, binh đoàn gặp muôn vàn khó khăn, thử thách do kinh nghiệm, kiến thức quản lý kinh tế của đội ngũ cán bộ các cấp còn hạn chế; mô hình kinh tế-quốc phòng chưa có tiền lệ; nguồn giống, vốn, máy móc, phương tiện kỹ thuật eo hẹp; diện tích đất tự nhiên đa phần là đồi núi, rừng hoang hóa, ẩn chứa nhiều hiểm họa do chiến tranh để lại như: Bom, mìn, vật liệu nổ, chất độc hóa học, dịch bệnh... Tuy nhiên, đã là người chiến sĩ thì không cho phép mình chùn bước trước bất cứ khó khăn, gian khổ nào, kể cả phải hy sinh tính mạng vì nhân dân. Đó cũng chính là phẩm chất thường trực của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15.
Bước vào cuộc chiến trên mặt trận mới, Đảng ủy, Bộ tư lệnh (BTL) Binh đoàn 15 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong binh đoàn tổ chức thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là mở rộng sản xuất, xây dựng hàng trăm điểm dân cư tập trung; phát triển kinh tế đi đôi với giữ vững an ninh chính trị trên toàn tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên. Cùng với đó, binh đoàn chủ động đổi mới từ mô hình kế hoạch hóa sang tự chủ hạch toán đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh hai sản phẩm chủ lực là cao su, cà phê, binh đoàn từng bước mở rộng thêm các ngành nghề phục vụ sản xuất và đời sống, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường; thường xuyên tạo việc làm ổn định cho hơn 16.000 lao động, trong đó lao động là người DTTS chiếm hơn 50%; hàng chục nghìn người có việc làm phụ; tiền lương, chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân luôn được bảo đảm kịp thời, đầy đủ.
    |
 |
Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15. Ảnh: KIM DUNG |
Chăm lo đời sống người dân tộc thiểu số
PV: Như đồng chí vừa chia sẻ, lực lượng lao động người DTTS tại các đơn vị trong binh đoàn chiếm hơn 50%. Vậy binh đoàn có chủ trương, biện pháp gì để không ngừng nâng cao đời sống công nhân người DTTS cũng như đồng bào các DTTS trên địa bàn?
Đại tá Hoàng Văn Sỹ: Đây là điều chúng tôi hết sức trăn trở và đội ngũ công nhân người DTTS cũng chính là lực lượng mà Đảng ủy, BTL binh đoàn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt. Do trình độ dân trí, tập quán canh tác lạc hậu nên cuộc sống của đồng bào các DTTS vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Tây Nguyên hết sức khó khăn, con cái họ không có điều kiện được học hành đầy đủ, cũng như được làm việc trong môi trường đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao.
Nhiều gia đình chỉ trông chờ vào khoản lương của con em họ khi vào làm việc trong binh đoàn. Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân, một mặt binh đoàn chỉ đạo các đơn vị ưu tiên tuyển chọn, bồi dưỡng, tạo việc làm ổn định cho đa số lao động dôi dư người DTTS trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực, đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ mô hình “gắn kết hộ”, giữa hộ gia đình công nhân người Kinh với hộ gia đình người đồng bào DTTS địa phương. Từ 30 “cặp hộ gắn kết” ban đầu, đến nay binh đoàn đã có hơn 4.000 cặp hộ gắn kết, qua đó giúp các hộ gắn kết có điều kiện trao đổi kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống, đồng thời thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, sự gắn bó máu thịt quân dân nói chung, người Kinh với người DTTS địa phương nói riêng.
Bên cạnh đó, nhằm giúp bà con người DTTS trên địa bàn thoát khỏi tình cảnh thiếu đói thời điểm giáp hạt, Đảng ủy, BTL binh đoàn chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện cho đồng bào mượn đất tái canh cây cao su, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, ngày công để bà con trồng lúa, góp phần cải thiện cuộc sống. Ví như trường hợp hơn 700 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã Ia Chía, huyện Ia Grai và 2 xã: Ia Dơk, Ia Kla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã mượn đơn vị 430ha đất tái canh cây cao su để trồng lúa. Mặc dù thời tiết trong thời gian qua không thuận lợi, nhưng bình quân 1ha lúa, người dân thu hoạch gần 1,7 tấn, giải quyết được vấn đề thiếu đói tháng giáp hạt.
Các đơn vị trong binh đoàn cũng chủ trì phối hợp phát động nhiều phong trào, mô hình sáng tạo, như: Vườn rau gắn kết, hũ gạo gắn kết, gắn kết hộ, quỹ tấm lòng nhân ái, thắp sáng đường quê... Qua đó đã hỗ trợ nhân dân hơn 180,6 tấn gạo, 4.500m3 nước sinh hoạt thời điểm giáp hạt, hạn hán; xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà mái ấm công đoàn tặng công nhân, người lao động và hộ nghèo.
Không để đồng bào no cái bụng, nhưng “đói” văn hóa
PV: Được biết, cùng với nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Binh đoàn 15 có nhiều hoạt động thiết thực góp phần cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống? Đồng chí có thể chia sẻ nội dung này?
Đại tá Hoàng Văn Sỹ: Binh đoàn 15 vinh dự đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên, mảnh đất có nền văn hóa lâu đời, trong đó nhiều di sản văn hóa đã được thế giới vinh danh. Nói đến văn hóa Tây Nguyên, người ta nghĩ ngay đến nhà rông, lễ hội cồng chiêng, sử thi... Đó là những di sản văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc và quý báu mà cha ông các dân tộc Tây Nguyên để lại cho con cháu hôm nay và mai sau. Là những chiến sĩ đứng chân trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy rằng, những năm gần đây, do điều kiện tự nhiên bị phá vỡ, tập quán mưu sinh của đồng bào không ngừng thay đổi cùng với những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, khiến không ít bản sắc văn hóa vùng Tây Nguyên bị mai một, thương mại hóa, làm giảm giá trị tinh thần. Trong khi điều kiện để đồng bào bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nêu trên gặp nhiều khó khăn.
Với trách nhiệm của những người lính trên địa bàn Tây Nguyên, được thụ hưởng nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm cùng người dân lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp đã được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo đó, Đảng ủy, BTL binh đoàn thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng hỗ trợ nhân dân xây dựng, củng cố, bảo tồn các thiết chế văn hóa, như: Nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ kinh phí mua sắm cồng chiêng Tây Nguyên; tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống... Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động trong binh đoàn luôn là thành phần không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của đồng bào, để vừa hòa nhập với đời sống văn hóa tinh thần của người dân, vừa kết hợp tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh.
PV: Thưa đồng chí, để nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn luôn đồng hành với việc phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào, Đảng ủy, BTL binh đoàn có chủ trương, giải pháp gì trong thời gian tới?
Đại tá Hoàng Văn Sỹ: Thời gian tới, Đảng ủy, BTL binh đoàn tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác dân tộc. Coi nhiệm vụ phát triển kinh tế ngang hàng với nhiệm vụ phát triển văn hóa theo đúng tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021.
Theo đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế có ứng dụng khoa học kỹ thuật, Đảng ủy, BTL binh đoàn chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lòng tự hào, ý thức gìn giữ của chính cộng đồng người đồng bào DTTS về vốn văn hóa truyền thống dân tộc mình, đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên; phát huy tốt vai trò của đội ngũ nghệ nhân, khuyến khích việc truyền dạy cồng chiêng, các giá trị văn hóa phi vật thể như: Dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, chỉnh chiêng...
Chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp với địa phương hỗ trợ phát triển các thiết chế văn hóa phù hợp với bản sắc văn hóa của người dân trên địa bàn, tạo sân chơi, môi trường diễn xướng rộng khắp như thông qua các lễ hội, cuộc thi, hội diễn... thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt lành mạnh, góp phần xây dựng mỗi bản, làng trên địa bàn đơn vị đóng quân trở thành một điểm sáng văn hóa trong kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo vùng Tây Nguyên.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN HỒNG SÁNG (thực hiện)