Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1967, cô giáo Nghiêm Thị Nhiệm (sinh năm 1945) có 30 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người" trên đất Huế. Hơn 25 năm dạy Toán ở Trường THPT Hai Bà Trưng (trước đây là Trường Nữ sinh Đồng Khánh), cô luôn tận tụy, nghiêm túc, hết lòng với các thế hệ học sinh. Năm 2001, cô nghỉ hưu, sống cùng chồng con tại phường Đông Ba, TP Huế. Với cô, cuộc sống nhà giáo giản dị mà hạnh phúc biết bao.

Tạm biệt mái trường sau bao năm cống hiến, cứ tưởng cuộc sống êm đềm trôi bên những người thân thương, nào ngờ, vào một ngày đầu tháng 9-2013, cô Nhiệm nhận được tin mình bị ung thư trực tràng. Nhớ lại ngày ấy, cô nói: “Lúc cầm trên tay kết quả nội soi, tôi không tin đó là sự thật. Thật là một cú sốc”... Những ngày đầu biết mình mang bệnh, cô Nhiệm nhiều đêm thao thức không ngủ. Nhưng rồi, được sự động viên, chăm sóc cùng tình thương yêu của người chồng-Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Dư Ba và các con cháu, cô tự nhủ phải đứng lên, không được gục ngã và phải hoàn thành những dự định, ấp ủ phía trước.

Hồi còn đi dạy, ít ai biết rằng cô giáo Nghiêm Thị Nhiệm vừa dạy Toán, vừa làm thơ. Cô đến với thơ như một cuộc dạo chơi để tâm hồn thanh thản với bao tất bật lo toan trong cuộc sống thường nhật. Từ lúc nghỉ hưu, đặc biệt là từ ngày cô phải sống chung với căn bệnh tiểu đường và ung thư trực tràng thì cảm hứng thơ lại càng dâng trào mãnh liệt. Là một tâm hồn nhạy cảm, yêu cuộc sống thiết tha nhưng nghị lực của cô mới lớn lao hơn. Đối diện với căn bệnh hiểm nghèo, nói cô không buồn, không lo thì hơi quá. Nhưng nỗi buồn của cô không phải là sự bi lụy, thê lương. Với cô, cuộc sống vẫn còn bao điều kỳ diệu, “sống được ngày nào hãy cứ vui vẻ và sống có ý nghĩa ngày đó”. Tinh thần lạc quan, tình cảm chân thành, cởi mở của cô thực sự có ý nghĩa lan tỏa, tiếp thêm niềm tin cho những người xung quanh và cũng như phương thuốc tốt để cô vượt qua nỗi đau bệnh tật. Ở tuổi 78 hiện nay, cô Nhiệm đã từng trải qua hàng chục đợt xạ trị và hóa trị với biết bao đau đớn, nhưng mỗi lần nhìn chồng con, lời sẻ chia của học sinh và đồng nghiệp, cô lại cố gắng vươn lên.

leftcenterrightdel

 Cô giáo Nghiêm Thị Nhiệm đọc lại tập thơ của mình. 

Sau mỗi đợt xạ trị từ bệnh viện trở về, cô giáo Nhiệm lại làm thơ, đọc thơ. Đến nay, cô đã sáng tác được hơn 3.000 bài thơ, in được 7 tập thơ: "Lời của lá"; "Thơ Nghiêm Thị Nhiệm", "Mai sau dù có bao giờ", "Trời xanh vẫy gọi", "Thơ tình Nghiêm Thị Nhiệm", "Hoa bằng lăng", "Thơ trào phúng". Năm 2021, chồng cô qua đời sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, cô lại viết nhật ký gửi nỗi đau xót, nhớ thương chồng bằng thơ. 400 bài thơ chia làm 3 tập mang tên "Những dòng huyết lệ" sắp xuất bản.

Cô Nhiệm bảo: “Nhờ làm thơ mà tôi quên đi bệnh tật. Những đêm đau nhức không ngủ được, tôi ngồi dậy, chong đèn và làm thơ. Khi cảm xúc thăng hoa, tâm hồn gửi vào câu chữ, tôi thấy lòng bình yên và quên hết cơn đau”. Làm thơ, cô lấy bút danh là Hà Hải Anh. Thơ của Hà Hải Anh rất tự nhiên. Làm thơ, với cô là để thể hiện cảm xúc của mình với cuộc sống, để bày tỏ nỗi day dứt, xót xa trước nỗi đau và sự ra đi của một học sinh, một đồng nghiệp hay một nghệ sĩ. Tôi gặp trong thơ Nghiêm Thị Nhiệm hình ảnh mái trường, áo trắng, mùa phượng đỏ; là dòng sông La quê hương Hà Tĩnh của cô, là những rung cảm đẹp trước bức tranh muôn màu của cuộc sống. 

Nghe cô kể chuyện, đọc thơ, tôi lại nghĩ đến hai câu thơ của Phùng Quán: "Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy". Dù cơn đau hành hạ nhưng cứ mỗi lần sáng tác được một bài thơ, cô lại say sưa đọc cho mọi người nghe, đưa lên Facebook để bạn bè cùng chia sẻ. Mỗi tập thơ được xuất bản, cô trân trọng ký tên và mang đến tận nhà bạn bè, đồng nghiệp thân thiết để tặng. Thế mới thấy tình yêu cuộc sống và tâm hồn lạc quan của cô: "Lìa cành/ Xuống gốc/ Em không buồn, không khóc/ Trở về với đất/ Chuyển nhựa cho cây/ Màu xanh xưa trở lại vơi đầy/ Ôi! Đời em chiếc lá" (Lời của lá).

Đọc những vần thơ tinh tế trong bài "Lời của lá", nhà thơ Nguyễn Công Bình, người học trò năm xưa của cô Nhiệm đã xúc động viết: “Đúng thế, thưa cô giáo! Đời người cũng như kiếp lá, hiển hiện để tiếp màu xanh cho đời, rồi hóa thân vào vô tận. Đã là hoa thì phải thắm, đã là lá thì phải xanh, thơ cô, đời cô giáo Nghiêm Thị Nhiệm thực sự là một chiếc lá biếc xanh. Chúng em luôn mong cô luôn vượt lên bằng chính nội lực mạnh mẽ vốn có để sống tiếp, viết tiếp những vần thơ càng đằm thắm, càng da diết với cuộc đời này”.

Vâng, tôi tin chiếc lá ấy luôn xanh màu ước vọng, dù bão dông, bệnh tật giày vò. Chính tình yêu cuộc sống, tâm hồn thiết tha và tinh thần lạc quan của cô đã là bài học đáng quý, đáng trọng, tỏa hương hoa cho đời.

Bài và ảnh: TRẦN VĂN TOẢN