Như nhiều gia đình ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, Trần Thanh Giang theo bố mẹ vào Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi nhỏ, ngồi bên bếp nấu cơm, Giang cứ thấy ống nứa, ống trúc là lấy dùi hơ đỏ, đục lỗ làm sáo, nhưng... thổi không kêu. Phải rất vất vả, Giang mới làm được cây sáo ngang cho riêng mình. Trong một lần đi rẫy, Giang gặp một người dân tộc Mông thổi sáo rồi mê tít, cứ lân la theo hỏi chuyện, tập thổi sáo. Biết thổi sáo rồi, Giang lại mày mò làm sao cho tiếng sáo kêu thành tiếng rừng, tiếng suối.
Âm sắc của sáo Mông trong trẻo, mượt mà, nhưng còn có cả âm rè. Nếu người thổi không tạo ra được âm sắc cổ truyền của người Mông thì đồng bào không công nhận đó là tiếng sáo Mông, vì nó không diễn tả được nỗi lòng của họ. Anh Giang kể: “Xưa ở vùng sâu, vùng xa, muốn mua sáo cũng không biết mua ở đâu, đến khi công nghệ thông tin phát triển, tôi mới thấy trên mạng, xem và học làm theo".
Rồi như bị mê hoặc bởi tiếng sáo Mông, sau những giờ lên rẫy chăm sóc cà phê, hồ tiêu, Trần Thanh Giang lại cặm cụi làm sáo. Được một số người Mông giúp đỡ, năm 2013, anh làm được cây sáo 9 lỗ. Quá trình ấy, anh cũng nhận ra sáo thổi hay phụ thuộc vào lá đồng, nếu muốn lên nốt cao, căng thì phải là đồng tốt. Để thuận tiện nghiên cứu, anh cũng tự học nhạc lý.
Một cây sáo ngang, anh Giang làm mất vài giờ. Riêng sáo Mông-vẫn ít người chọn làm vì nó phức tạp và kỳ công hơn, anh phải làm trong nhiều ngày: Từ khâu chọn trúc, loại óng vàng được gửi từ vùng đất Ngân Sơn cho âm khỏe, rền; đến tự cắt lá đồng, mài thành lam, uốn cong lưỡi gà... Người làm sáo biết trúc đường kính bao nhiêu, dày, mỏng cho ra âm thanh như thế nào, âm điệu nào phù hợp... Năm 2016, khi bán được những cây sáo Mông đầu tiên, anh Giang bảo: "Người Mông công nhận sáo của mình chế tác có nghĩa là họ đã cấp "chứng chỉ" cho mình rồi".
Trên thị trường có rất nhiều loại sáo Mông làm bằng máy, lưỡi gà dập sẵn nhưng người đam mê môn nghệ thuật này vẫn tìm đến anh Trần Thanh Giang-lặng lẽ ở trong rẫy cà phê bạt ngàn. Nhiều người mê sáo, từ Tây Bắc đến Đông Nam Bộ thừa nhận: Ở Tây Nguyên có một người làm sáo Mông tâm huyết và sáng tạo, vẫn miệt mài cắt lam đồng thủ công. Không dừng lại ở việc làm ra những cây sáo 8 lỗ, 9 lỗ, anh Giang còn thành công làm nên cây sáo 10 lỗ để thổi được nhiều nốt nhạc hơn. Anh vẫn không mua lam đồng bán sẵn, chọn làm lam đồng thủ công để tự nâng cao tay nghề. Có cây sáo vài trăm nghìn, có cây giá tiền triệu nhưng anh Giang không nhận làm nhiều và cũng cẩn thận xem khách là người mới tập hay nghệ sĩ, người biết thổi lâu năm để làm cây sáo phù hợp nhất. Khách là học sinh, sinh viên, anh giảm giá một nửa. Ai dùng sáo mua sẵn, thổi lâu hỏng, lỗi, anh cũng nhiệt tình sửa giúp.
Không giữ những bí kíp ấy cho riêng mình, anh Trần Thanh Giang luôn tìm cách truyền thụ kiến thức sáo Mông cho tất cả những ai muốn học và tìm hiểu. Từ học sinh tiểu học đến cả những người lớn tuổi, chỉ cần muốn học là anh chỉ bảo miễn phí, thậm chí còn dạy thổi sáo online. Qua việc dạy thổi sáo của anh Giang, nhiều em đã thi đỗ vào các trường đào tạo chuyên nghiệp về âm nhạc. “Ở vùng sâu, vùng xa, các cháu nhỏ có được cây sáo đã là may mắn rồi, nhưng người bán cũng thường không mấy mặn mà hướng dẫn các em thổi. Tôi thì lại lấy đó làm niềm vui, vì bằng tuổi các em, tôi rất thiệt thòi. Hy vọng sau này, dù làm công việc gì thì các em cũng có niềm đam mê với âm nhạc, với văn hóa dân tộc”-anh Trần Thanh Giang tâm sự.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỀN