Câu tục ngữ trên chỉ 5 chữ rất đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Theo quyển “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học, năm 2021), “hoa” là cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm. Trong nhân gian, người ta coi “hoa” chính là biểu tượng của sắc đẹp. Nét đẹp của hoa vừa thuần túy, kiều diễm lại có hương thơm nồng nàn. Khi xuất hiện, “hoa” luôn toát ra một sức hút diệu kỳ.
Còn “đất” là chất rắn, ở trên đó, người và các loài động vật đi lại, sinh sống. “Hoa đất” có thể hiểu là hoa được sinh ra từ chính đất mẹ, là mạch sống của đất trời, là sự kết tinh của muôn loài. Bằng cách sử dụng biện pháp so sánh “người ta” với “hoa đất” chính là một lời khẳng định giá trị to lớn của con người.
Theo quyển “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, năm 2000), câu tục ngữ “người ta là hoa đất” ý nói con người là tinh túy của trời đất.
Cha ông ta ví von con người như “hoa đất” bởi con người vốn là trung tâm của vũ trụ bao la, là món quà tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng. Trong quá trình lao động, sáng tạo, con người đã cải tạo thế giới và tạo ra rất nhiều giá trị tốt đẹp mà không một loài nào trên trái đất làm được. Con người làm chủ thiên nhiên, làm chủ vạn vật, muôn loài.
Không chỉ ca ngợi giá trị của con người, câu tục ngữ “người ta là hoa đất” còn là một lời nhắc nhở, mỗi người hãy cố gắng hoàn thiện bản thân và khẳng định giá trị của mình. Ai sinh ra cũng đều có giá trị trên cõi đời, vì thế, dẫu có lúc khó khăn, gập ghềnh, trắc trở cũng đừng vội nản lòng. Có lòng kiên trì, ý chí và quyết tâm, chúng ta sẽ vượt qua tất cả để đi đến thành công. Vậy nên trong mỗi việc, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho xứng đáng với giá trị của bản thân.
VĂN TUẤN