Đầu tiên phải kể đến hoa. Không biết từ bao giờ, hoa trở thành nét đẹp đặc trưng của ngày Tết. Mỗi loài hoa mang một vẻ đẹp riêng, vừa điểm tô cho ngôi nhà thêm rực rỡ, vừa mang ý nghĩa riêng. Ngoài những loài hoa đặc trưng như hoa đào miền Bắc, hoa mai vàng miền Nam, những loài hoa cúc, lan, hồng, ly cũng góp phần làm cho ngày Tết thêm rực rỡ, chở theo khát vọng mùa xuân.

Một loài hoa mộc mạc chân quê là hoa cúc vạn thọ vẫn giữ được chỗ đứng trong vườn hoa đa sắc, đa hương. Màu vàng tươi rói, lâu tàn và cả cái tên là điều giúp loài hoa dân dã này trường tồn trong những cái Tết truyền thống, trong những dịp cúng lễ tổ tiên. Bên cạnh hoa là các loại cây cảnh. Thường thấy nhất trong dịp Tết là các cây quất cành lá sum sê, xanh mướt với những quả vàng tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển, phồn vinh. Những cây lộc vừng trút lá cuối năm để đầu năm bừng lên các chồi non mạnh mẽ trên những thân cây nâu sẫm xù xì cũng được nhiều người ưa chuộng.

Việc quan trọng nữa của ngày Tết là dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, sắp xếp ban thờ. Người có điều kiện thì sơn sửa nhà cửa, mua sắm đồ dùng mới. Người không có điều kiện thì cũng làm cho nhà mình tươm tất nhất có thể. Cái công việc thường ngày có thể trì hoãn thì ngày Tết phải được hoàn thành một cách tốt nhất với hy vọng những điều mới mẻ, may mắn, tốt đẹp đến với nhà mình trong năm mới.

Cúng tất niên đã là một truyền thống không thể thiếu. Mâm cúng tất niên của mỗi nhà có thể không giống nhau tùy theo điều kiện kinh tế và cách trang trí, nhưng ai cũng muốn dành tấm lòng thành kính nhất để tạ ơn trên đã cho gia đình một năm suôn sẻ, bình an, hoặc đơn giản là mình đã qua được một năm để đón mùa xuân mới. Ban thờ được lau chùi, sắp xếp ngăn nắp với mâm ngũ quả thể hiện điều mong ước cho năm mới: Mãng cầu, đu đủ, dừa, xoài, sung. Nhà nhà trang trọng dâng hương, mong chờ những lộc tài mùa xuân đến với gia đình, bà con, anh em, bạn bè cũng như mọi người, mọi nhà. Đây còn là lúc gắn kết tâm linh giữa hai thế giới, con cháu tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và những người đã khuất. Người đi xa cũng cố gắng trở về để sum họp, cầu mong một năm mới vạn sự hanh thông.

Đêm Giao thừa không giống như bao đêm khác, hầu như mọi người đều thức để đón đợi giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Những mâm cúng Giao thừa được bày biện đẹp mắt, trang trọng. Người ta tin vào sự thiêng liêng ở thời khắc ấy, cũng như muốn tiễn đưa một năm cũ với những gì còn vướng bận để đón một năm mới với những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn.

leftcenterrightdel
Minh họa: NGUYỄN HIẾU 

Sáng mồng Một, ngày đầu năm mới với sự thanh tịnh của cả đất trời và lòng người. Tất cả hàng quán đều đóng cửa nên đường phố yên tĩnh hơn, không còn cảnh người-xe vội vã như thường ngày. Người người trang nghiêm, thành kính trong những bộ quần áo nhã nhặn, lịch sự đến chùa, nhà thờ để thắp hương, cầu nguyện cho sự bình an, hạnh phúc trong năm mới. Ngày đầu tiên của năm là ngày bày tỏ lòng thành kính với các đấng thiêng liêng, với ông bà, cha mẹ như cha ông vẫn nói: “Mồng Một tết Cha”.

Thăm xuân cũng là một tục lệ được giữ gìn qua bao thế hệ. Con cháu đi thăm ông bà, cha mẹ; bạn bè, đồng nghiệp đi thăm nhau; học trò đi thăm thầy giáo, cô giáo. Họ dành cho nhau những lời nói, tiếng cười thân thiện, những lời chúc tốt đẹp nhất. Trẻ em luôn được ưu ái dành cho những phong bao lì xì màu đỏ với lời chúc chăm ngoan, học giỏi. Người già được con cháu kính cẩn mừng tuổi, cầu mong trường thọ, an vui.

Khát vọng cho những điều tốt đẹp là điều mà mọi người trên khắp thế giới hướng đến, thể hiện trong những lời chúc đầu năm. Với người Việt Nam chúng ta, khát vọng ấy lại càng mạnh mẽ hơn. Phong tục truyền thống ngày Tết là một nét văn hóa đẹp, giúp chúng ta biết hướng thiện hơn, sống cho những gì tốt đẹp hơn. Như những chồi non vươn lên khi mùa xuân đến, với những khát vọng cho một năm mới, ngày Tết của người Việt là một truyền thống cần được lưu truyền, gìn giữ để dù có ở nơi đâu, chúng ta vẫn luôn tự hào mình là người Việt Nam với một nền văn hóa lâu đời và độc đáo.

NGUYỄN THỊ THÚY ÁI