Trong các lần bầu cử, cử tri Gruzia sẽ phải bầu ra 150 nghị sĩ. Công dân Gruzia trên 25 tuổi đều có quyền ứng cử vào Quốc hội nếu đã sống ở đây không dưới 10 năm. Theo lời người phát ngôn của Ủy ban Bầu cử Trung ương Gruzia, bà Natia Ioseliani, sẽ có tới gần 90% số cử tri sử dụng kỹ nghệ bầu cử điện tử trong ngày 26-10. Điều đáng lưu ý là ở đất nước này đang ngày một trở nên rõ ràng hơn nguy cơ xảy ra một cuộc “cách mạng màu” trong quá trình tiến hành bầu cử Quốc hội.
Thực ra, Gruzia không xa lạ gì với các cuộc "cách mạng màu". Tháng 11-2003, tại đây đã xảy ra cái gọi là “cuộc cách mạng hoa hồng” buộc Tổng thống Eduard Shevardnadze (cựu Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô dưới thời Tổng thống Mikhail Gorbachev) phải từ chức, nhường chỗ cho chàng thanh niên sôi nổi, nhiệt tình, bạo gan và lắm mưu mẹo Mikhail Saakashvili. Chính ở thời điểm này đã hình thành phương pháp “mần cách mạng màu” một cách bài bản: Những cuộc biểu tình với lý do chống lại gian lận bầu cử của lực lượng cầm quyền do các tổ chức xã hội dân sự tới từ phương Tây kích động để thay đổi định hướng đối ngoại của đất nước. Sau 21 năm, nhiều bèo trôi nước chảy và ông Saakashvili hiện đang ở trong tù tại Gruzia. Đối với một bộ phận người Gruzia, ông tiếp tục là một biểu tượng về tinh thần “Tây tiến” ở quốc gia quan trọng trong vùng Kavkaz này.
|
|
Một điểm bầu cử tại Gruzia. Ảnh: dfwatch |
Và phải nói rằng, không phải bây giờ mới bắt đầu cuộc chiến đấu giành ghế vào Quốc hội Gruzia. Từ không chỉ một tháng nay ở Gruzia đã diễn ra nhiều hoạt động cạnh tranh giữa các chính đảng nhằm lôi kéo cử tri. Nhìn từ bề ngoài, bức tranh chính trường Gruzia rất đa dạng và phong phú. Nữ Tổng thống Zurabishvili vốn là một nhà ngoại giao Pháp, có quan điểm thân phương Tây rõ rệt. Tuy nhiên, nội các do ông Irakli Kobakhidze lãnh đạo hiện nay đang tiến hành một chính sách có khuynh hướng cân bằng giữa Đông với Tây và chủ trương không gây sự với nước láng giềng hùng hậu. Thậm chí, mới đây, ngày 27-8, Thủ tướng Kobakhidze còn tuyên bố rằng, nội các nước này theo sáng kiến của chính ông đã quyết định sẽ dựng tượng nhà vua Irakli Bagration II (1720-1798) trên đường Kakheti ở Tbilisi, gần trụ sở Bộ Nội vụ. Ông vua này từng trị vì ở vương quốc Kartli-Kakheti (miền Đông Gruzia hiện đại) và đã ký hòa ước Georgi với đế chế Nga năm 1783... Trong thực tế, Đảng Giấc mơ Gruzia cũng luôn tuyên bố về sự gần gụi về tinh thần và chính trị với phương Tây và đang tiến hành chính sách tích cực tiến tới gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, với phương Tây thì những lời tuyên bố về việc gắn bó như thế đã không còn là đủ nữa. Họ muốn người Gruzia phải tỏ ra quyết liệt hơn trong sự chống đối trước Moscow. Và chính vì thế, trông giỏ bỏ thóc, phương Tây ủng hộ cho lực lượng đối lập với chính phủ đương nhiệm ở Gruzia, tức là những người ủng hộ vị Tổng thống đang bị cầm tù Saakashvili. Lực lượng này đang tập hợp trong Đảng Thống nhất để cứu rỗi.
Mới đây, theo lời lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergei Naryshkin, Gruzia đang phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ một cuộc “dân nổi can qua” đầy sắc màu mới. Ông Naryshkin nhấn mạnh rằng, Moscow bắt buộc phải công bố những tài liệu về câu chuyện này để ngăn chặn trước một nguy cơ không nhỏ đối với nền an ninh của Gruzia. Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga cho rằng, hiện nay, Washington đang chuẩn bị các cuộc biểu tình ở Tbilisi nhằm không để cho Đảng Giấc mơ của Gruzia giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26-10 tới.
Theo đúng kịch bản quen thuộc, các cơ quan an ninh phương Tây đang chuẩn bị những “bằng chứng” về việc gian lận bầu cử để không công nhận kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố và yêu cầu phải thay đổi chính quyền. Điều cần nói là Washington đã chuẩn bị rất kịp thời những phương án trừng phạt kinh tế và gây sức ép chính trị “mạnh mẽ và không thương tiếc” trước những phản ứng của chính quyền chống lại cái gọi là “những công dân tay không, yêu chuộng công lý và hòa bình”.
Như nhận định của chuyên gia Sergei Markedonov về tình hình vùng Kavkaz trên tờ EurAsiar Daily, thực chất đọ sức với nhau trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới ở Gruzia vẫn chỉ là hai lực lượng chính: Những người đã để mất Abkhazia và Nam Ossetia năm 2008 và những người đồng ý để mất những vùng đất này năm 2024. Bởi lẽ, nếu muốn còn cơ hội tồn tại và phát triển, Gruzia không thể đi theo con đường như Ukraine. Các chính trị gia Gruzia dù thuộc đảng phái nào cũng đã thấm thía quá nhiều bài học của quá khứ nên cùng một lúc muốn cân bằng quan hệ cả với Moscow. Liệu cuộc chơi để “bò no mà cỏ vẫn nguyên” của họ trong quan hệ Đông Tây sẽ có hiệu quả tới đâu? Đó vẫn đang là một câu hỏi để ngỏ. Và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn vì phương Tây không sẵn sàng để họ tự quyết theo hướng đó.
HỒNG THANH QUANG