Nhớ lần cái Bưởi, ngồi cùng bàn với nó. Bưởi cũng là một cô bé hay chọc ghẹo, nghịch ngợm như con trai. Hôm ấy các bạn tổ chức trò chơi “trồng nụ trồng hoa”. Đội của Bưởi lần nào nhảy cũng chỉ được vài ba lần là chạm vào tay của các bạn. Biết đội mình sắp thua, chỉ còn một lượt nhảy nữa là đội bạn sẽ thắng, chả biết Bưởi tìm đâu ra con cóc tía to xù ném vào chân một bạn đang chạy về đích. Thế là bạn ấy nhoáng nhoàng nhảy lên chạm vào tay các bạn đang ngồi “trồng nụ trồng hoa”. Trò chơi phải dừng lại để cãi vã nhau. Cái Chanh ở đâu chạy đến làm “luật sư”. Chả biết nó cãi thế nào mà cái Bưởi được “trắng án”. Hai bên lại vui vẻ ngồi “trồng nụ trồng hoa”. Ấy là các bạn con gái. Còn các bạn con trai, xem ra đứa nào cũng.... nể nó.

Ở nhà, tuy cái Chanh không dám gân cổ cãi bố mẹ bao giờ, nhưng với anh trai thì nó đành hanh vặn vẹo từng câu từng lời. Cũng may, anh trai nó hiền, lại biết điều nhường nhịn em. Lúc nào cáu quá cũng chỉ dám dứ dứ nắm đấm vào mặt nó, ậm ừ câu "đồ ranh con" thế thôi, chứ chưa hề gõ vào đầu nó một cái. Có lần nằm bên mẹ, mười ba, mười bốn tuổi rồi mà vẫn còn sờ ti mẹ. Nó lém lỉnh hỏi:

- Mẹ ơi. Người ta bảo “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” là thế nào hả mẹ?

Mẹ gí ngón tay vào đầu nó, rồi cười:

- Là chị đấy chị ạ.

- Ơ. Thế mẹ bảo con là giặc à?

Mẹ Chanh âu yếm lấy ngón tay gõ vào đầu con gái:

- Ngốc ơi là ngốc. Sau này anh lấy vợ, mày chả lên chức “bà cô” bên chồng là gì. Mà vừa vừa cái mồm thôi con nhé! Nó mà có vợ, cứ đanh đá ghê gớm thì có ngày nó cho... bà cô ra đê mà ở.

Mấy năm sau, anh trai Chanh lấy vợ. Bữa cơm đầu tiên thật vui. Mẹ Chanh hồ hởi dạy con dâu từng ly từng tí, như dạy bảo con gái mình vậy. Bố Chanh cười hể hả sảng khoái, vì thấy mẹ chồng con dâu hợp tính nhau. Chỉ có cái Chanh, chả biết không ưng chị dâu điều gì, hay ai làm phật ý mà suốt bữa ăn cơm nó không nói một câu nào. Cái im lặng của Chanh làm cho chị dâu có vẻ ngài ngại “bà cô bên chồng”. Anh trai Chanh lo lắng thật sự, chỉ sợ sau này chị dâu em chồng, người thì mặt nặng như chì, người thì dòm ngó rình mò từng tí sơ hở để chọc ghẹo cho nhau lên... thớt để mẹ chồng tha hồ mà mổ xẻ. Đành rằng anh vẫn biết tính em gái mình, nó hết lòng thương yêu mọi người, nhưng có điều gì trái tai gai mắt là nó “coi trời bằng vung” luôn.

Hôm sau, có hai anh em ở nhà, anh trai dè dặt hỏi Chanh:

- Em thấy chị dâu thế nào? Có được không?

Cái Chanh thản nhiên cười:

- Chị ấy xinh đẹp hơn anh. Nhưng mà... cái miệng hơi rộng. Đàn bà rộng miệng là coi chừng đấy.

Anh trai lại hỏi:

- Sao bữa cơm hôm qua, em im lặng không nói gì?

Nó nhìn anh cười tinh quái:

- Im lặng cũng là một nghệ thuật để dọa chị, dọa cả anh nữa. Với lại không nói gì để còn có thời gian “theo dõi” từng cử chỉ của chị dâu mới về nhà chồng chứ. Được đấy. Ăn nói dịu dàng này, lại còn biết gắp thức ăn cho bố mẹ và cả cho em nữa. Buồn cười, lúc gắp thức ăn cho em, thấy tay chị cứ lóng nga lóng ngóng thế nào ấy.

Anh trai cười như để vỗ về cô em ghê gớm:

- Chắc là thấy “giặc bên Ngô...” cứ ngồi im lặng nên chị dâu sợ, phải gắp thức ăn đấy thôi.

Chanh nguýt anh, nửa khen nửa dọa:

- Bây giờ thì vừa đẹp vừa ngoan. Sau này mà cãi lại bố mẹ là liệu hồn với em đấy.

Thế rồi chị dâu ốm nghén. Ăn uống nhỏn nhẹn như mèo bị hen. Mẹ chồng ngày xưa bị ốm nghén mãi nên rất thông cảm với con dâu. Nhưng bà lo cái Chanh lại cạnh khóe câu nọ câu kia, tị nạnh với chị để chị cố sức gắng gượng. Nhỡ động thai thì khổ. Ấy vậy mà, có một buổi trưa nắng chang chang, cả nhà đang ngủ, bà thức giấc ra giếng thấy Chanh đang ngồi vừa hát vừa giặt quần áo cho chị dâu. Nhìn thấy mẹ, Chanh vội giục bà vào nghỉ và dặn bà đi nhè nhẹ thôi để chị dâu ngủ thêm tí nữa cho đỡ mệt. Ốm nghén con so là uể oải lắm đấy. Dịp ấy, nó dứt khoát không cho chị dâu làm việc gì. Mẹ và anh làm được bao nhiêu còn nó thức khuya dậy sớm làm cho bằng hết. Sau đó mấy tháng, chị dâu ốm nặng phải đi nhập viện. Chị ở viện mười ngày thì nó ở viện cả mười ngày để phục vụ cơm nước, giặt giũ cho chị. Có lần anh trai lên viện, định ở lại cho Chanh về nghỉ mấy ngày. Ngay chiều hôm ấy, Chanh vừa bưng bát cháo đến cho chị. Chẳng biết ông anh lóng ngóng thế nào nâng chị dâu ngồi dậy, suýt nữa làm ngã cả hai vợ chồng ra khỏi giường. Chanh giậm chân, nghiến răng lôi anh ra cửa mắng té tát: "Anh về đi. Về ngay đi. Hầu vợ ốm thế à?". 

leftcenterrightdel
Minh họa: THÁI AN 

Ngày chị dâu sinh em bé, sáng sớm đã thấy Chanh bưng chậu quần áo tã lót ra sông để giặt. Bữa cơm nào nó cũng tự nguyện vào bếp cố gắng nấu thật ngon để chị dâu ăn được nhiều. Lâu lắm đêm ấy Chanh lại ngủ với mẹ. Cái nghịch ngợm ngày nào lại trỗi dậy trong lòng cô con gái. Nó hát ti tỉ cho mẹ nghe. Nó còn bảo: "Hôm ở bệnh viện con đuổi anh về mà nghĩ thương anh con quá". Thế rồi nó cười khúc khích vân vê sờ ti mẹ, Chanh lém lỉnh cố tình nhắc lại chuyện cũ:

- Mẹ ơi! Ngày trước con hỏi: Giặc bên Ngô là thế nào? Sao mẹ lại bảo: Là chị đấy chị ạ?

Bà âu yếm ôm lấy con gái, rồi lấy ngón tay gõ vào đầu nó như hồi mười ba, mười bốn tuổi:

- Bố chị. Chỉ được cái nhớ dai.

Ngày cái Chanh vào đại học sư phạm, nó nằm tâm sự với chị dâu suốt đêm. Hai chị em đều khóc. Có lẽ đó là những giọt nước mắt nhớ thương và hạnh phúc. Chị dâu chỉ cầu mong cái Chanh học giỏi, thành đạt và sau này đi lấy chồng được hưởng trọn vẹn một cuộc sống đầm ấm hạnh phúc.

Thời trai trẻ, bố Chanh hai lần được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ". Đến trận đánh cuối cùng để giải phóng miền Nam thì ông bị thương nặng, gãy một bên chân. Vết thương ổn định, năm sau ông thi đỗ vào trường đại học sư phạm rồi về dạy học ở quê nhà. Ngày ấy ở chiến trường, bố Chanh có người bạn rất thân tên là Hùng. Ông vừa là đồng đội, vừa là đồng hương. Hai người hứa hẹn sau này sẽ là thông gia với nhau. Ông Hùng cũng hai lần được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Mấy năm trời ông Hùng lặn lội chiến đấu ở mặt trận miền Đông Nam Bộ, nơi mà người ta vẫn gọi là cái túi chứa chất độc hóa học của giặc. Ông bị thương nặng phải cưa mất một bên chân. Sau ngày an dưỡng, ông Hùng xin chuyển ngành về phòng văn hóa của huyện. Năm sau, vợ ông sinh được đứa con trai, để kỷ niệm chiến trường xưa, ông đặt tên con là Trần Miền Đông.

Đông và Chanh sinh ra, lớn lên trong những ngày đất nước không có chiến tranh. Chanh càng lớn càng xinh đẹp và học giỏi. Đông cũng thế, vừa đẹp trai, hát hay lại thông minh. Hai đứa học cùng trường nhưng mãi đến cuối năm cấp ba Đông và Chanh mới có chuyện riêng để nói với nhau. Họ quyết định cùng thi vào sư phạm để sau này có điều kiện gần gũi xây dựng tổ ấm. Năm ấy, cả hai đều đỗ vào trường đại học sư phạm. Chanh học ở Hà Nội, còn Đông thấy vết thương cũ của bố thường xuyên tái phát nên anh từ chối đất Hà thành mà quyết định về học sư phạm ở tỉnh nhà để được gần gũi, chăm sóc bố. Hai ông bố rất tự hào về đứa con của mình, họ chờ hai đứa ra trường là tổ chức đám cưới cho chúng nó. Đông và Chanh cũng đầy ắp những niềm vui vì đã bàn đến ngày cưới, bàn đến chuyện sinh con trai con gái, xây dựng tổ ấm của mình. Sắp đến ngày thi tốt nghiệp, Đông bị sốt cao. Từ nhỏ anh chưa bao giờ có đợt sốt nào ghê gớm như thế. Chanh phải xin nghỉ ít ngày để về bệnh viện chăm sóc anh. Đêm bệnh viện sao buồn đến thế. Nhiều đêm Chanh phải thức trắng ngồi bên giường bệnh để xoa bóp và cùng chia sẻ, chịu đựng những cơn đau vật vã đến nghẹt thở của Đông. Những đêm mưa rầm rả rích lại càng thêm buồn. Tiếng mưa thổn thức rơi ngoài hiên, thỉnh thoảng ngớt mưa lại nghe thấy tiếng chim đi ăn đêm lạc lõng buông rơi ngoài ngõ buồn đến não lòng. Cũng từ ngày đó, không hiểu sao mỗi lần gặp nhau, Chanh cảm thấy như có gì lạnh lùng, nhạt nhẽo...

Bố của Chanh xin được hai suất cho Đông và Chanh về dạy học ở trường huyện. Chanh mừng lắm, vội điện khoe với Đông. Nhưng Đông đã quyết định xin về dạy học ở một tỉnh miền núi xa xôi mãi tận phía Bắc rồi. Đông chỉ ném vào điện thoại vẻn vẹn một câu ngắn tũn: "Cảm ơn!". Rồi cúp máy.

Chanh vốn là một cô gái sống mạnh mẽ, hồn nhiên, vô tư, vậy mà lần ấy Chanh phải khóc. Chanh ngầm nguyền rủa con người chóng thay lòng đổi dạ. Chanh nguyền rủa Đông bao nhiêu thì lại càng trách hai ông bố sao lại “dở hơi” đi nhận thông gia với nhau từ ngày chưa lấy vợ để làm gì? Hay là duyên số của Chanh phải khốn khổ thế! Thảo nào ngày phải xa nhà vào đại học, chị dâu cứ ôm lấy Chanh mà khóc. Câu nào chị cũng cầu mong cho Chanh sau này được hạnh phúc. Hay là chị biết xem tướng xem số nhỉ? Nghĩ vậy nhưng Chanh vẫn thấy lòng mình day dứt, không dễ gì quên đi mối tình đầu, đành rằng Đông đã phũ phàng phản bội. Cái tính đanh đá ghê gớm từ cái tuổi mười ba, mười bốn có dịp được trỗi dậy. Chanh quyết định lên phía Bắc tìm gặp Đông để xem mặt mũi những đứa tranh vợ cướp chồng nó lì lợm đến thế nào. Hai ngày tàu xe mệt bã cả người, Chanh mới lên đến trường của Đông. Đến cổng trường, bác bảo vệ thật thà bảo:

- Sáng nay chú Đông với cô giáo Hoa đưa nhau lên bệnh viện rồi!

Chanh bậm chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Thằng đểu. Đểu thật. Nom người ai chả bảo là hào hoa phong nhã, sao lương tâm của hắn lại đểu đến thế. Chanh đoán chắc, họ lên bệnh viện khám thai, chứ ốm đau gì. Chanh định quay lại bến xe để trở về, nhưng nghĩ thế nào cô lại gọi xe đưa ngay lên bệnh viện để gặp lại người tình tệ bạc ấy lần cuối. Thôi thì cho nó vỡ làm muôi một thể.

Ngồi đợi ngoài phòng khám, lòng dạ Chanh như có lửa đốt. Cô như đang chờ đợi một điều gì sắp xảy ra khủng khiếp, ghê gớm lắm. Đánh ghen ư? Không. Mình làm gì có quyền đánh ghen. Sỉ vả Đông ư? Cũng không. Làm thế có nghĩa là tự mình làm nhục mình. Chanh hít một hơi thật sâu cho đỡ căng thẳng. Giữa lúc ấy, Đông từ phòng khám đi ra, sau anh là một người phụ nữ xinh đẹp có gương mặt phúc hậu. Nhìn thấy Chanh, Đông giật mình ngỡ ngàng, nhưng rồi anh trấn tĩnh lại được ngay, Đông chỉ vào Chanh, dịu dàng giới thiệu với cô giáo Hoa:

- Đây là Chanh, bạn của em. Còn đây là chị Hoa, hiệu trưởng của trường anh đấy Chanh ạ, chị có chồng làm phó giám đốc ở sở giáo dục của tỉnh.

Chanh miễn cưỡng tin câu nói đó. Nhưng cô lại không tin vào đôi mắt của mình khi nhìn thấy tóc của Đông rụng gần hết và mặt mũi đầy những vết sần tím bầm. Như đoán được tâm trạng rối bời của Chanh, cô giáo Hoa đành nói thật:

- Chị biết hết chuyện của Đông và Chanh rồi. Đông không có lỗi với Chanh đâu. Vết thương chiến tranh tàn nhẫn quá. Sinh ra trong những ngày đất nước đã thanh bình, vậy mà đến tận bây giờ Đông mới bị nhiễm chất độc da cam truyền từ người cha. Đông không muốn Chanh khổ vì bệnh tật của mình nên đã cố tình lẩn tránh đi thật xa.

Chanh ôm ghì lấy Đông khóc nức nở, nước mắt của Chanh làm ướt đằm vai áo Đông. Ngoài trời mưa ập đến, những bong bóng nước nhọc nhằn tranh nhau trôi nổi đầy góc sân bệnh viện.

Truyện ngắn của LÊ VĂN THỤC