Không biết “đệ nhất” hợp duyên đất, bén mốt chơi của người quê tôi từ bao giờ mà Tết đến, nhà nào cũng phải có một lọ thược dược trắng tổ ong, cắm cùng hoa violet. Người yêu thích loài hoa này nhất làng, nhất xã, yêu đến mê hồn là cậu ruột của tôi. Ông từng nói: “Tết đến mà không có lọ hoa thược dược trắng tổ ong thì như xuân chưa vào nhà!”.

Trước, cậu tôi mua hoa chơi Tết, sau ông sang Vị Khê (nay thuộc xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định)-làng hoa nổi tiếng khắp nơi, học cách trồng thược dược. Cây đền đáp cho cậu những mùa hoa xuân tuyệt đẹp. Người ta cứ tấm tắc khen: "Ông Nghiêm như người làng hoa chính hãng!" (cậu tôi tên là Phan Văn Nghiêm).

Người ta khen ông thật lòng, khen có cả ẩn ý nữa. Dẫu không phải là người trồng hoa, cây cảnh chuyên nghiệp, chuyên canh nhưng tâm tính ông hệt như người chuyên làm đẹp cho đất, cho đời, cứ hồn hậu, khoáng đạt và thanh tao. Những năm tháng chống Mỹ, rồi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, bố tôi cứ biền biệt nơi chiến trường, trận mạc, dường như cậu tôi đã tự nhận về mình rất nhiều thiên chức, thương quý chị và các cháu vô ngần. Sau này tôi ngẫm lại, cậu mình như một nguyên mẫu sống động, cứ ăm ắp, đau đáu tình người, nghĩa hậu phương, để người lính yên tâm ra trận!

Cũng chính từ quý trọng cậu mà anh em chúng tôi yêu thích loài hoa thược dược trắng tổ ong từ lúc nào không biết! Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, TP Nam Định cũng là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Quê tôi gần thành phố nên việc phòng không thực hiện rất khắt khe, rất kỵ màu trắng, vì người ta cho rằng màu trắng dễ làm “hoa tiêu” cho giặc trời.

Tết đến, người ta không dám đem thược dược trắng đi bán, “đệ nhất” dần dần mất ngôi, người trồng hoa dần xa lánh. Cậu tôi ngậm ngùi hóa kiếp luống thược dược trước nhà đang kỳ bói nụ. Ông nói một câu chua xót: “Giặc Mỹ tàn ác quá, bom đạn của chúng len lỏi cả tới những cánh hoa mỏng manh, vô tội”.

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, một số làng quê ở Nam Định trồng lại giống thược dược trắng tổ ong; nhưng chưa kịp giành lại ngôi thì loài hoa này lại gặp hạn lớn từ bài toán kinh tế và thời tiết. Đúng là “hồng nhan bạc mệnh”, hoa đẹp thật, nhưng để giống rất khó, chăm sóc lại phức tạp, vận chuyển, lưu thông thì dễ gãy, giập, người trồng không có lợi về kinh tế nên dần dần họ bỏ hẳn thược dược trắng tổ ong. Hạn khác, năm 1986, các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ mưa bão khác thường, ngập lụt ở nhiều nơi, làm củ thược dược trắng tổ ong thối hết-tuyệt tự.

Tết Bính Tý-1996, tôi về quê, khi sang nhà chúc Tết cậu mợ, bao hoài niệm về loài hoa xưa lại ùa về. Cậu ước mong Tết nào đó, trong nhà lại có lọ hoa thược dược trắng tổ ong cắm cùng violet.

leftcenterrightdel
Giống thược dược trắng đưa từ Nam Định lên Hà Nội trồng trên sân thượng nay đã đơm hoa.  Ảnh: PHƯƠNG THẢO 

Chưa có gì báo đáp cậu thì nguyện vọng tinh thần này của cậu, mình phải chú tâm. Tôi bắt đầu đi tìm giống hoa xưa cho cậu ngay từ xứ sở của loài hoa này. Sang làng hoa Vị Khê, rồi đi cả xã Điền Xá, Nam Phong (TP Nam Định), Mỹ Tân (huyện Mỹ Lộc)... đều không có.

Nghe người làng Vị Khê mách, trước đây, bên Vũ Thư (Thái Bình), có nhiều người sang mua giống đó. Thế là anh em, chú cháu tôi lại đi đò qua sông Hồng sang Vũ Thư. Hai chuyến sang sông, 4 ngày vòng đi vòng lại ở các xã trồng hoa của huyện Vũ Thư cũng không đâu còn “đệ nhất”. Hết gần đến xa, đi công tác ngoài Bắc, trong Nam, ở miền Trung, Tây Nguyên, tôi đều tìm đến những làng hoa nổi tiếng mà cũng không đâu thấy thược dược trắng tổ ong. Còn ở Hà Nội, làng hoa, chợ hoa nào tôi cũng đến mà chẳng thấy tăm hơi...

Cuối năm 2006, cậu lâm bệnh, anh em tôi cùng về thăm. Ngồi trên xe, chúng tôi cứ đau đáu về điều mong ước nho nhỏ của cậu. Bất chợt chú em sực nhớ: 

- Ngày học cấp 3, cứ vào dịp Tết, gần chợ Chùa năm nào cũng thấy mấy luống thược dược đủ các màu, lần này ta thử xuống xem sao?

Về đến quê, chúng tôi ra ngay thăm cậu, rồi đi luôn xuống chợ Chùa. Hỏi người trồng thược dược từ xa xưa, người dân chỉ vào nhà ông Thanh. Chú em nóng lòng hỏi “đệ nhất”, ông bảo:

- Cả tỉnh, cả nước chỉ tôi mới còn. Giữ giống này khó lắm, nhưng tôi có kinh nghiệm, đồng đất ở đây lại cao và pha cát nên mới giữ được nó hơn nửa thế kỷ rồi đấy! Tôi trồng thược dược chỉ để chơi và tặng anh em, bạn bè và cho đẹp thôn quê. Ai xin giống về trồng, tôi đều cho hết. Các loài hoa khác thì họ cũng giữ được, riêng anh bạn thược dược trắng tổ ong thì không ai giữ nổi đến một năm. Mà sao các anh lại biết tôi giữ được giống thược dược này?

Nghe chúng tôi nói sự tình, ông tỏ ra cảm mến lắm. Khi ra vạt đất trồng thược dược, ông đố chúng tôi:

- Ở đây, tôi trồng khá nhiều loài thược dược. Bây giờ cây chưa có nụ, có hoa, nhưng các anh thử chỉ xem đâu là trắng tổ ong?

Chúng tôi lướt nhanh qua hai luống thược dược và nhận ra ngay “đệ nhất”. Chúng tôi quá bất ngờ, quá vui! Thì ra “đệ nhất thược dược” bấy lâu nay “ẩn dật” ngay ở phố huyện mà chúng tôi không hay. Cũng là may cho “đệ nhất”, nếu không “ở ẩn” nơi đây, chắc tuyệt chủng từ lâu rồi!

Chúng tôi “giải đố” đúng, ông Thanh càng cảm mến. Ông đánh hẳn 10 khóm tặng chúng tôi (5 khóm trắng, 5 khóm tím, đều giống tổ ong) để trồng ở nhà cậu, nhà tôi và đem đi Hà Nội, trồng trên sân thượng. Theo ông Thanh, thược dược tím tổ ong cũng rất đẹp, nó xứng đáng xếp ngôi “đệ nhị”. Về đến làng, chúng tôi vào luôn nhà cậu báo tin vui này, ông mừng lắm, bệnh tình như thuyên giảm.

10 khóm thược dược ông Thanh tặng, chúng tôi trồng ở đâu cũng tươi tốt, nhưng cây vừa độ đơm hoa thì cậu tôi vội ra đi, vì căn bệnh quá hiểm nghèo. Cậu tôi mất vào sáng 27 Tết năm ấy. Những bông thược dược trắng chúng tôi trồng những tưởng tặng cậu chơi xuân thì Tết ấy, lại trên bàn thờ cậu!!!

Nghẹn lòng trước anh linh cậu, trong khói hương và nước mắt nhạt nhòa, tôi vẫn như thấy cậu khoan thai ngắm nhìn những bông thược dược trắng muốt, thanh tao!

Bút ký của TÔ THÀNH TUYÊN